Sáp nhập, tinh gọn bộ máy không làm xáo trộn việc dạy và học

GD&TĐ - Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết 96/2018/NQ-HĐND về phát triển giáo dục mầm non và phổ thông tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo - xem đây là cẩm nang trong thực hiện nhiệm vụ.

Hà Tĩnh thực hiện Đề án phát triển giáo dục mầm non và phổ thông đến năm 2025 và những năm tiếp theo
Hà Tĩnh thực hiện Đề án phát triển giáo dục mầm non và phổ thông đến năm 2025 và những năm tiếp theo

Báo GD&TĐ có cuộc trò chuyện với ông Lê Đình Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

* Lần đầu tiên Hà Tĩnh ban hành riêng cho ngành Giáo dục tỉnh nhà một Nghị quyết, mà ở đó lộ trình phát triển giáo dục mầm non và phổ thông thể hiện rất rõ, cụ thể, bám sát thực tế và mang tính chiến lược. Vậy mục tiêu chính mà Nghị quyết đặt ra ở đây là gì, thưa ông?

Ông Lê Đình Sơn: Bám sát tinh thần Nghị quyết 29 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI), Nghị quyết 05 và Nghị quyết số 20 của BCH Đảng bộ tỉnh, đề án hướng tới mục tiêu phát triển giáo dục mầm non và phổ thông Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện.

Từ đó, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đi đôi với việc phát hiện và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu trên các lĩnh vực; tập trung hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Sắp xếp, tổ chức lại hệ thống trường lớp gắn với nâng cao chất lượng giáo dục; phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập; tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường công lập. Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên đồng bộ về số lượng, cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ, năng lực, phẩm chất, đạo đức. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo tổ chức tốt việc dạy học và các hoạt động giáo dục.

* Xây dựng đề án nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trong đó, mấu chốt là việc sắp xếp, tổ chức lại hệ thống trường lớp và cơ cấu lại đội ngũ giáo viên. Vậy cách làm ở đây đã có lộ trình cụ thể chưa?

Ông Lê Đình Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh

Ông Lê Đình Sơn: Tỉnh sẽ chuyển đổi một số trường mầm non công lập ở những nơi có điều kiện sang tư thục. Với giáo dục phổ thông, sẽ sáp nhập theo mô hình liên cấp. Theo phương án này, sau khi hoàn thành quy hoạch, toàn tỉnh sẽ có 657 trường công lập, giảm 54 đầu mối, tương đương với 7,6% so với năm 2015.

Cụ thể, sáp nhập các trường tiểu học với THCS trên địa bàn xã, phường, thị trấn theo quy hoạch mạng lưới trường lớp học; sáp nhập, giải thể các trường THPT qui mô nhỏ; chuyển đổi một số trường mầm non, THPT công lập sang tư thục hoặc mô hình đầu tư công, quản trị tư ở những nơi có điều kiện; khi điều chỉnh địa giới hành chính sáp nhập các xã sẽ thực hiện sáp nhập, giải thể các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn phù hợp phương án sáp nhập xã.

Tiên phong trong năm 2018 là huyện Can Lộc, đã sáp nhập 8 trường học trên địa bàn 4 xã thuộc Khánh Lộc, Vĩnh Lộc, Trường Lộc, Song Lộc thành 4 trường. Bộ máy nhà trường sau khi sáp nhập sẽ thành: Mỗi trường có 1 hiệu trưởng, 2 phó hiệu trưởng phụ trách tại 2 điểm trường. Về kế toán, sẽ tổ chức đào tạo lại để bố trí theo hướng làm nhiệm vụ văn thư hoặc thư viện. Về văn thư dôi dư có thể bố trí phụ trách công tác quản lý thiết bị trường học và các nhiệm vụ khác.

Đối với sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên sẽ thực hiện theo hình thức: Chuyển nhiệm vụ y tế học đường và viên chức y tế ở các trường học về Trạm y tế cấp xã hoặc Trung tâm y tế đa chức năng cấp huyện quản lý; đào tạo bổ sung kiến thức cần thiết đối với giáo viên, nhân viên dôi dư sau sắp xếp để có thể dạy môn khác, vị trí việc làm khác còn có chỉ tiêu; thực hiện việc điều động biệt phái giáo viên từ địa phương thừa sang địa phương thiếu, trường thừa sang trường thiếu, kể cả về số lượng và cơ cấu môn học; thực hiện việc hợp đồng viên chức số giáo viên còn thiếu sau khi điều chuyển, bố trí, cân đối; khuyến khích cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hỗ trợ hoạt động giáo dục dôi dư sau rà soát, sắp xếp nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu chuyển công tác, nghỉ hưu sớm hoặc thôi việc…

Phải hiểu rõ, sáp nhập là để kiện toàn, tinh gọn bộ máy, không làm xáo trộn việc dạy và học cũng như cuộc sống của giáo viên.

* Để phát triển giáo dục một cách toàn diện, ngoài con người ra thì cần tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đẩy mạnh công tác xã hội hóa. Chúng ta đang cần những “hiến kế” mới trong cách làm. Ông có thể chia sẻ vài điều về vấn đề này?

Ông Lê Đình Sơn: Liên quan đến đầu tư cơ sở vật chất, cái cần nhất là ổn định trường lớp, sau nữa là huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng thêm để các trường đạt chuẩn quốc gia nhưng phải gắn liền với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Phải hoàn thành việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho học sinh đáp ứng yêu cầu phát triển về quy mô và nâng cao chất lượng bồi dưỡng nhân tài trong thời kỳ mới.

Đối với công tác xã hội hóa giáo dục, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực giáo dục mầm non và phổ thông, thành lập các trường học, nhóm tư thục, các trung tâm… Củng cố và nâng chất lượng của hội đồng giáo dục các cấp, trong đó thuộc về UBND các cấp với sự tham gia tích cực của ngành Giáo dục. Phát huy sự hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc, Hội Khuyến học và Hội Cựu giáo chức từ đó vận động quần chúng đóng góp theo khả năng. Tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp trong triển khai thực hiện việc đầu tư phát triển giáo dục, xây dựng xã hội học tập, gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, phong trào khuyến học, khuyến tài…

Ngoài ra, cần tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh. Công khai các hoạt động giảng dạy, đổi mới trong cách dạy học, họp phụ huynh định kỳ để nắm bắt tình hình. Cần xây dựng cơ chế giám sát giữa các lực lượng xã hội ở địa phương. Cùng với việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, các trường học chủ động kêu gọi xã hội hóa để tăng cường cơ sở vật chất…

* Công tác biệt phái giáo viên từ địa phương thừa sang địa phương thiếu, trường thừa sang trường thiếu, để đảm bảo không thiệt thòi đối với giáo viên thì tỉnh có những chế độ chính sách nào, thưa ông?

Ông Lê Đình Sơn: Giáo viên biệt phái sẽ có thời hạn, bắt đầu từ năm 2018 đến hết năm 2021. Để đảm bảo quyền lợi, ngoài lương cơ bản ra sẽ có mức hỗ trợ thêm đối với một giáo viên bằng 1 lần lương cơ sở do Chính phủ quy định.

* Ông có thể cho biết kinh phí để thực hiện đề án?

Ông Lê Đình Sơn: Ngoài kinh phí đầu tư phát triển thực hiện theo các chương trình, dự án, kế hoạch đầu tư của bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh, sẽ có thêm kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương được cân đối hàng năm trong kinh phí thực hiện giáo dục. Kinh phí thực hiện đề án dự toán đến năm 2025 khoảng hơn 3.223 tỷ đồng.

* Đây là năm học đầu tiên thực hiện đề án, ông có dự cảm điều gì đối với ngành giáo dục của tỉnh?

Ông Lê Đình Sơn: Rõ ràng là rất khó khăn, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tôi tin ngành GD-ĐT Hà Tĩnh sẽ có bước khởi sắc, thay đổi toàn diện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ