Những biện pháp quyết liệt
Việc tinh giản bộ máy, biên chế trong toàn ngành được đẩy mạnh triển khai. Bước đầu đã đem lại hiệu quả, đến nay, nhiều nhà trường trong toàn tỉnh đã giảm số người làm việc thông qua việc tinh gọn hệ thống, tổ chức, bộ máy. Dồn ghép điểm trường giúp làm giảm số lớp, giảm giáo viên. Việc sáp nhập trường cũng làm giảm biên chế gián tiếp (cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ).
Ngoài ra, việc chuyển đổi mô hình, phát triển trường ngoài công lập cũng góp phần làm giảm nhu cầu biên chế của trường công lập vì thực tế cho thấy khi trường ngoài công lập thu hút được nhiều học sinh sẽ làm giảm quy mô trường công lập, qua đó cũng góp phần giảm biên chế giáo viên. Cùng với đó là việc giảm số người được hưởng chế độ kiêm nhiệm theo giờ dạy (tổ trưởng, tổ phó, chủ tịch công đoàn), điều này giúp vừa tiết kiệm ngân sách, vừa có điều kiện để bố trí giảng dạy.
Chính sách “dùng chung” đối với nhân viên y tế cho nhiều trường ở gần nhau, có phối hợp với trạm y tế cấp xã thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ của y tế trường học, đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện cho việc sơ cấp cứu, nhân viên kế toán cũng dùng chung cho một số trường (từ 3 - 4 trường) trên cùng một địa bàn cấp xã. Ngoài nhân viên y tế, kế toán, có thể dung chung các nhân viên để thực hiện một số công việc khác: Văn thư, thư viện, thiết bị thí nghiệm, bảo vệ, nấu ăn…
Thực hiện chính sách kiêm nhiệm cũng là một cách làm hay, theo đó một số nhân viên phục vụ trong nhà trường (kế toán kiêm văn thư, y tế kiêm thủ quỹ, thiết bị kiêm thư viện…) hoặc bố trí giáo viên chưa đủ giờ dạy theo định mức kiêm nhiệm. Việc này thực hiện theo nguyên tắc: Không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, nên có các nhân viên chuyên trách thường trực tại trường: Nhân viên y tế đối với giáo dục mầm non, nhân viên thiết bị đối với các trường trung học; Được đào tạo, bồi dưỡng để đủ điều kiện kiêm nhiệm. Giảm số lượng Phó Hiệu trưởng ở các trường hạng I (từ 3 xuống 2), hạng II (từ 2 xuống 1).
Việc điều chỉnh lại sĩ số lớp học, bố trí học sinh giữa trường và điểm trường, phân vùng tuyển sinh đến thôn, khu, bản để cân đối sĩ số học sinh giữa các trường ở địa bàn lân cận nhau. Nguyên tắc thực hiện ưu tiên sĩ số không vượt quá nhiều so với quy định, phù hợp với diện tích phòng học, tạo điều kiện cho học sinh đến trường sau khi phân vùng tuyển sinh.
Có thể dùng chung một số giáo viên giữa các trường ở gần nhau (cùng xã hoặc khác xã, cùng cấp hoặc khác cấp), như đối với giáo viên mỹ thuật, âm nhạc, thể dục, ngoại ngữ… tránh thừa thiếu cục bộ hoặc mất cân đối về cơ cấu. Việc điều chuyển giáo viên sau khi thực hiện tinh gọn, tinh giản giữa các trường trong huyện, tỉnh cũng được tính đến với nguyên tắc tạo điều kiện cho giáo viên khi đi làm; quan tâm đến nguyện vọng của giáo viên.
Chất lượng là yếu tố tiên quyết
Theo NGƯT Vũ Liên Oanh - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh: Để thực hiện việc này, Sở GD&ĐT yêu cầu các Phòng GD&ĐT (tham mưu cho UBND cấp huyện): Rà soát lại quy mô (số lớp, số học sinh) của các cơ sở giáo dục trên địa bàn trong năm học 2018 – 2019 và các năm tiếp theo để xây dựng Kế hoạch tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong từng năm trong giai đoạn 2018 - 2021.
Yêu cầu: Cụ thể, thiết thực, có mục tiêu cho từng năm, từng cấp học (dự kiến kết quả tinh gọn, tinh giản trong từng năm), rõ biện pháp thực hiện đảm bảo khả thi, đánh giá hiệu quả và tác động không mong muốn đề xuất các giải pháp để hỗ trợ việc thực hiện (cơ sở vật chất, cơ chế chính sách). Tất cả trên tinh thần tinh gọn bộ máy nhưng vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục.
Có thể thấy rõ việc này qua thực hiện dồn ghép điểm trường có quy mô nhỏ, ở gần nhau. Nguyên tắc thực hiện được đưa ra là phải đảm bảo học sinh đến điểm trường mới có điều kiện học tập tốt hơn, đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường và trở về nhà, không lãng phí cơ sở vật chất đã được đầu tư (tránh tình trạng bỏ không cơ sở vật chất vừa được đầu tư).
Hay như việc sáp nhập các trường phổ thông (tiểu học, THCS) có quy mô nhỏ theo hình thức: Chung khuôn viên nếu ở gần nhau, chuyển một trường thành điểm trường nếu ở xa nhau. Việc thực hiện cũng phải đảm bảo nguyên tắc: Không làm lãng phí cơ sở vật chất đã được đầu tư hoặc phát sinh nhu cầu đầu tư lớn; Dùng chung cơ sở vật chất (các trường tiểu học thiếu phòng học 2 buổi/ngày được sử dụng phòng học của trường THCS ở gần nếu không sử dụng hết); Không nhất thiết xã nào cũng có đủ trường ở các cấp học, có thể sáp nhập để thành lập trường liên xã.
Một loạt các biện pháp quyết liệt được tỉnh Quảng Ninh thực hiện với mong muốn tinh gọn bộ máy nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dạy và học trong các nhà trường. Nhìn vào những biện pháp trên đều thấy rất hay và đúng. Tuy nhiên, Quảng Ninh là một tỉnh có đặc thù rất đa dạng về địa hình và dân tộc nên việc thực hiện các quyết liệt giải pháp trên là tốt, nhưng cũng cần lưu tâm tránh việc giảm biên ảnh hưởng đến việc người dân tiếp cận giáo dục, mà phải khích lệ nhà giáo sáng tạo và yêu nghề hơn.
Nhấn mạnh ý nghĩa của việc phát triển mô hình trường ngoài công lập góp phần giảm biên chế, NGƯT Vũ Liên Oanh cho rằng: Việc thí điểm thực hiện mô hình trường công lập có chất lượng tốt, ở vùng thuận lợi tự đảm bảo một phần kinh phí, tiến tới tự đảm bảo hoàn toàn kinh phí hoạt động đang được chú trọng thực hiện. Trong đó việc điều chỉnh quy hoạch giáo dục, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với trường công lập theo hướng: Từ thành lập mới trường công lập chuyển sang thành lập mới trường tư thục; Thực hiện mô hình hợp tác công - tư (PPP) khi xây dựng mới trường công lập. Nguyên tắc là đảm bảo nhiệm vụ phổ cập giáo dục và trách nhiệm của Nhà nước đối với việc đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, đặc biệt đối với GDMN 5 tuổi, giáo dục tiểu học, THCS, tạo điều kiện cho con gia đình thu nhập thấp được đến trường.