Sáng tạo từ Mô hình Trường học mới

GD&TĐ - Khi triển khai Mô hình Trường học mới, nhiều địa phương đã có những sáng tạo mang lại hiệu quả bất ngờ. 

Cô trò cùng sáng tạo trong tiết học từ Mô hình Trường học mới
Cô trò cùng sáng tạo trong tiết học từ Mô hình Trường học mới

Phòng học nhỏ, các thầy cô đã bỏ chiếc bục giảng truyền thống, vừa tăng diện tích lớp học, vừa tạo sự gần gũi, thân thiện giữa giáo viên và học sinh; những tuần lễ đầu năm học, thầy trò đã linh động cùng tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn, gắn kết tình thầy trò, trường lớp…

Đó là chia sẻ tâm huyết của PGS.TS Nguyễn Xuân Thành – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) – với báo Giáo dục và Thời đại về những sáng tạo của các trường THCS khi triển khai Mô hình Trường học mới. 

Chính điều đó đã biến khó khăn thành thuận lợi, giúp Mô hình Trường học mới thực sự lan tỏa, phát huy hiệu quả giáo dục dù thời gian triển khai chưa dài.

Trường học mới chắc chắn sẽ thành công ở THCS

Mô hình Trường học mới được triển khai ở các trường tiểu học từ năm 2011 và mới được triển khai ở cấp THCS. Liệu có khác biệt gì nhiều giữa hai cấp học trong triển khai Chương trình này hay không, thưa ông?

- Mô hình Trường học mới ở tiểu học còn được gọi là Mô hình VNEN. Trong đó, chữ VN nghĩa là Việt Nam; EN (Escuela Nueva) là viết tắt của tiếng Tây Ban Nha mang ý nghĩa là Trường học mới. Đối với THCS, chúng ta không dùng VNEN mà gọi là Mô hình Trường học mới.

Nếu đem ra so sánh thì ở cả tiểu học và THCS khi triển khai Mô hình Trường học mới đều giống nhau về mô hình tổ chức các hoạt động sư phạm trong nhà trường, tạo môi trường giáo dục dân chủ, thân thiện, cởi mở, lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm.

Điểm khác biệt nếu có là ở THCS học sinh phải học nhiều môn hơn, mức độ yêu cầu đòi hỏi của kiến thức sâu hơn, mức độ định lượng cũng cao hơn. 

Bởi vậy, khi triển khai Mô hình Trường học mới ở cấp THCS, các hoạt động học của học sinh trong mỗi bài học được chú trọng biên soạn và thực hiện theo tiến trình sư phạm của các phương pháp dạy học tích cực phù hợp với từng môn học, đảm bảo cho học sinh hoạt động học tích cực, tự lực chiếm lĩnh được kiến thức, kĩ năng đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Cấp tiểu học, hiệu quả của Mô hình Trường học mới đã được khẳng định. Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp tham gia chương trình chia sẻ sự tiến bộ vượt bậc của học sinh cả về phẩm chất và năng lực. Vậy, với thời gian chưa dài triển khai mô hình này ở THCS, ông nhận thấy kết quả ban đầu như thế nào?

- Ở tiểu học, Mô hình Trường học mới đã thể hiện rất rõ hiệu quả trong công tác giáo dục, đó là sự tiến bộ của học sinh cả về phẩm chất và năng lực. Vì thế, tiếp tục cấp THCS, mô hình này cũng sẽ tạo ra chuyển biến lớn, đảm bảo mục tiêu giáo dục: Phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh.

Có thể khẳng định như vậy trước hết là do Mô hình Trường học mới lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm, được tổ chức theo các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực, có cơ sở khoa học và thực tiễn về việc phát triển năng lực của học sinh. Những thành công của Mô hình Trường học mới ở cấp tiểu học những năm qua đã chứng tỏ điều đó.

Đối với cấp THCS, trong năm học 2014 - 2015, Mô hình Trường học mới được triển khai thực nghiệm tại 6 tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Khánh Hòa, Kon Tum, Đắk Lắk. 

Kết quả thực nghiệm đã cho thấy sự tiến bộ hơn hẳn của các em học sinh học theo Mô hình Trường học mới so với các học sinh khác ở sự tự tin, khả năng giao tiếp, hợp tác với nhau trong học tập; đặc biệt là khả năng tự quản, tự tổ chức các hoạt động tập thể.

Nhờ các hoạt động “Vận dụng” và “Tìm tòi mở rộng” trong mỗi bài học, học sinh đã chủ động chia sẻ những điều đã học được với gia đình, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của gia đình để hoàn thành các nhiệm vụ học tập... thể hiện qua các sản phẩm học tập mà học sinh đã thực hiện và đưa vào “góc học tập” hay “góc thư viện” trong lớp học...

Các bạn có thể dễ dàng tìm thấy những sản phẩm này nếu đến thăm các lớp học theo Mô hình Trường học mới tại các tỉnh nói trên. Vì thế, Mô hình Trường học mới đã thu hút được sự quan tâm, hỗ trợ và đánh giá cao của đông đảo phụ huynh học sinh.

Biến khó khăn thành thuận lợi

Không thể phủ nhận những thay đổi tích cực của các trường THCS tham gia Mô hình Trường học mới. Tuy nhiên, nhiều người vẫn bày tỏ sự băn khoăn về tính hiệu quả, xuất phát từ trình độ của đội ngũ giáo viên hiện nay. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này? Có giải pháp gì cho vấn đề đội ngũ, đặc biệt trong thời gian đầu áp dụng mô hình mới còn nhiều bỡ ngỡ?

- Theo Mô hình Trường học mới, mỗi một bài học được tổ chức thành chuỗi hoạt động học của học sinh: “Khởi động”, “Hình thành kiến thức”, “Luyện tập”, “Vận dụng” và “Tìm tòi mở rộng”. 

Chuỗi hoạt động đó là sự cụ thể hóa và phù hợp với tiến trình sư phạm của các phương pháp dạy học tích cực mà giáo viên đã được trang bị ở các trường sư phạm cũng như bồi dưỡng thường xuyên hàng năm trong nhiều năm qua. 

Như vậy, có thể nói rằng lí luận về phương pháp dạy học tích cực thì mỗi giáo viên đều đã được trang bị. Tuy nhiên, trên thực tế giáo viên có thể bước đầu có bỡ ngỡ do việc vận dụng phương pháp dạy học tích cực vào dạy học có thể vẫn còn chưa được thường xuyên, chưa hiệu quả.

Vì thế, Trường học mới vừa đòi hỏi giáo viên phải thực hiện vai trò mới là người tổ chức, kiểm tra, định hướng hoạt động học của học sinh, vừa là nơi tạo điều kiện thuận lợi nhất cho giáo viên thực thi được phương pháp dạy học tích cực thông qua quy trình bài học gồm chuỗi hoạt động học của học sinh. 

Thông qua đó, giáo viên từng bước nâng cao được kĩ năng, nghiệp vụ sư phạm của mình. Thực tế triển khai ở tiểu học trong những năm qua và thực nghiệm ở THCS trong năm vừa qua đã chứng minh điều đó.

Nhằm hỗ trợ giáo viên một cách thường xuyên và thiết thực trong việc đổi mới phương pháp dạy học nói chung, thực hiện Mô hình Trường học mới nói riêng, Bộ GD&ĐT tăng cường hình thức tập huấn qua mạng. 

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã ban hành quy trình tập huấn cũng như đăng tải các bài học minh họa theo Mô hình Trường học mới để đông đảo giáo viên trong toàn quốc tham khảo trên “Trường học kết nối” tại địa chỉ http://truonghocketnoi.edu.vn. Đó sẽ là không gian gần gũi, quan trọng giúp giáo viên thực hiện tốt công việc của mình.

Phản ánh từ cơ sở cho thấy, hiện nay, việc triển khai Mô hình Trường học mới còn nhiều khó khăn, đặc biệt về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tài liệu dạy học có muộn so với thời gian bắt đầu năm học... Tuy nhiên, nhiều địa phương đã có cách khắc phục rất hiệu quả, biến khó khăn thành thuận lợi. Ông có thể chia sẻ cách làm hay, sáng tạo tại một số địa phương, đồng thời có những gợi ý thêm với cơ sở?

- Hiện nay, các trường triển khai Mô hình Trường học mới thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành nhưng được sắp xếp lại để phù hợp với việc tổ chức hoạt động học của học sinh. 

Như trên đã nói, trong mỗi bài học của Mô hình Trường học mới có 5 hoạt động, nhưng không phải truyền thụ kiến thức mà phải tổ chức cho học sinh hoạt động học tích cực, tự lực chiếm lĩnh kiến thức dưới sự hướng dẫn của giáo viên trong lớp theo một tiến trình dạy học mới.

Đúng là ở nhiều địa phương, việc tổ chức hoạt động học này còn gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã rất sáng tạo, biến khó khăn thành thuận lợi. 

Có những kinh nghiệm, cách làm hay như một số trường học có diện tích lớp nhỏ, chưa đáp ứng yêu cầu để thực hiện các hoạt động dạy học theo Mô hình Trường học mới, các địa phương đã hướng dẫn để nhà trường tự tạo không gian cho học sinh; thiết kế các góc cộng đồng, thư viện hợp lí, bỏ bục giảng tạo sự gần gũi thân thiện với học sinh…

Không có tiền để photo phiếu học tập cho học sinh, nhiều thầy cô đã biết sử dụng bảng đen như một thiết bị dạy học để hỗ trợ hoạt động học của học sinh trong việc chuyển giao nhiệm vụ, định hướng hoạt động học của học sinh, cho học sinh báo cáo, giao nhiệm vụ..

Một số nhà trường đã sử dụng có hiệu quả 2 – 3 tuần đầu năm học để tổ chức hoạt động giáo dục tuần, năm: Tổ chức lớp học; mời phụ huynh tham gia các hoạt động làm quen với Mô hình Trường học mới; cho học sinh đầu cấp giao lưu với các anh chị lớp trên, giới thiệu về nội quy trường lớp học…

Có thể nói, chính sự linh động, sáng tạo đó đã giúp Mô hình Trường học mới bước đầu triển khai thành công trong các nhà trường, kể cả nơi có điều kiện tốt và vùng còn nhiều khó khăn.

Bước tiếp cận với chương trình mới

Năm 2018, chúng ta sẽ bắt đầu áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới. Việc thực hiện Mô hình Trường học mới sẽ giúp các nhà trường tiếp cận dần với chương trình mới như thế nào, thưa ông?

- Đúng vậy. Như đã nói ở trên, Mô hình Trường học mới là mô hình tổ chức các hoạt động sư phạm trong nhà trường, “đổi mới sư phạm để đổi mới nhà trường”, tạo môi trường giáo dục dân chủ, cởi mở, thân thiện, tạo điều kiện cho học sinh và cả giáo viên phát huy hết khả năng của mình. Mọi chương trình giáo dục đều có thể được thực hiện theo mô hình này, bao gồm cả chương trình mới đang xây dựng. 

Hiện nay, Mô hình Trường học mới sử dụng chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhưng được sắp xếp lại để phù hợp với hoạt động học tích cực, tự lực, sáng tạo của học sinh. Đó cũng chính là định hướng xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Xin cảm ơn PGS!

Năm học 2015 - 2016, có trên 3.700 trường tiểu học triển khai áp dụng mô hình, hơn 1.600 trường THCS đăng ký tham gia triển khai Mô hình Trường học mới đối với lớp 6.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng rùa với thiết bị gây nhiễu đặc biệt.

Clip UAV FPV chịu thua xe tăng rùa

GD&TĐ - Máy bay không người lái kamikaze góc nhìn thứ nhất (FPV) của Ukraine đã không hiệu quả khi tấn công những xe tăng rùa của Nga trên chiến trường.
Minh họa/INT

Khi nào Hamas buông súng?

GD&TĐ - Việc phát hiện hố chôn gần 240 thi thể trong bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, thể hiện rõ nhất sự đẫm máu của cuộc xung đột.