Sách giáo khoa cho năm học mới: Kinh nghiệm quý từ tiết thực nghiệm

GD&TĐ - Thực nghiệm sách giáo khoa càng tiến hành trên diện rộng càng có lợi cho việc phát hiện những sai sót nếu có hoặc rút kinh nghiệm khi giảng dạy trên lớp.

Giờ dạy thực nghiệm của Trường Tiểu học Thăng Long.
Giờ dạy thực nghiệm của Trường Tiểu học Thăng Long.

Dạy thử nghiệm giúp giáo viên làm quen với phương pháp dạy cũng như chủ động xây dựng kế hoạch bài giảng phù hợp với chương trình mới.

Cơ hội tương tác trực tiếp

Nhằm bảo đảm tiến độ triển khai sách giáo khoa, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam triển khai tổ chức dạy thực nghiệm sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục Phổ thông 2018 tại nhiều trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn.

Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trường Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) cho biết: Hai năm qua, nhà trường được chọn để tiến hành dạy thực nghiệm sách giáo khoa mới của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Năm nay, trường cũng tiến hành dạy thử nghiệm các bộ môn của lớp 8 với khoảng 40 tiết học. Các tiết dạy này đều do giáo viên nhà trường thực hiện.

Theo nhận định chung của giáo viên tham gia dạy thực nghiệm, chương trình sách giáo khoa mới có hình ảnh trực quan sinh động, những ví dụ thực tiễn, gần gũi với đời sống, cuốn hút học sinh và không nhàm chán. Sách giáo khoa mới đã chuyển từ truyền thụ kiến thức sang khơi dậy năng lực của học sinh.

Trong các tiết dạy thực nghiệm, giáo viên trực tiếp tham gia thể hiện phương pháp tổ chức lớp học theo hướng đổi mới, chủ động hướng dẫn học sinh vận dụng những kiến thức đã có. Thầy cô cũng đóng vai trò dẫn dắt, hướng dẫn, đặt vấn đề để học sinh tự tìm tòi, phát hiện và triển khai nội dung bài học. Cách dẫn dắt kiến thức từ dễ đến khó, giúp giáo viên dễ dàng tiếp cận.

Kết thúc tiết dạy thực nghiệm, các tác giả, giáo viên cốt cán và giáo viên tham gia dạy thảo luận, rút kinh nghiệm, đồng thời đề xuất cách sử dụng ngôn ngữ diễn đạt trong bài đảm bảo sự trong sáng, dễ hiểu, thể hiện chính xác nội dung cần trình bày, phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Theo ông Lê Hồng Vũ - Phó Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông (Sở GD&ĐT Hà Nội), dạy thực nghiệm là yêu cầu bắt buộc và quan trọng trong quy trình biên soạn sách giáo khoa. Thông qua tiết dạy, các tác giả biên soạn sách sẽ kiểm nghiệm, đánh giá tính khả thi, mức độ đáp ứng yêu cầu của bài học để có cơ sở chỉnh sửa và hoàn thành bản mẫu trước khi trình Hội đồng thẩm duyệt.

Việc thực nghiệm sách giáo khoa càng tiến hành trên diện rộng càng có lợi trong việc phát hiện sai sót nếu có hoặc rút kinh nghiệm khi giảng dạy trong năm học. Điều đạt được là giúp giáo viên làm quen với phương pháp dạy cũng như chủ động xây dựng kế hoạch bài giảng phù hợp với chương trình mới. Đồng thời, quá trình dạy thử nghiệm chính là cơ hội tương tác trực tiếp giữa nhóm tác giả bộ sách và giáo viên. Thầy cô cần nghiên cứu chương trình cũng như bài học tỉ mỉ để hỏi và được tác giả giải đáp trực tiếp khi dạy thực nghiệm.

Giáo viên Trường Tiểu học Thăng Long thảo luận về sách giáo khoa mới.
Giáo viên Trường Tiểu học Thăng Long thảo luận về sách giáo khoa mới.

Hoàn thiện và nâng cao chất lượng

Trường Tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm) là đơn vị được Sở GD&ĐT Hà Nội giao dạy thực nghiệm tài liệu giáo dục địa phương theo Chương trình GDPT 2018. Ngay từ khi nhận được kế hoạch, các thầy cô giáo đã tiến hành nghiên cứu, soạn bài và có một buổi làm việc, trao đổi với tác giả bộ sách nhằm nắm bắt nội dung cơ bản cũng như mục tiêu, tinh thần tiết dạy thực nghiệm.

Cô Nguyễn Thị Nguyệt Anh - giáo viên tham gia dạy minh họa chia sẻ: Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, ngoài nội dung thống nhất 80% trong cả nước sẽ có 20% giáo dục địa phương để học sinh tìm hiểu về vùng đất nơi mình sinh sống. Việc dạy thực nghiệm tài liệu giáo dục địa phương cũng góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng của bộ tài liệu này.

Trong tiết dạy thực nghiệm “Không gian thiên nhiên trong lành Vườn Bách Thảo” do cô Nguyễn Thị Nguyệt Anh thực hiện, học sinh hào hứng với bài học khi tìm hiểu về một địa danh rất gần gũi của Thủ đô. Qua bài học, các em biết và gọi tên những cảnh đẹp ở Hà Nội, biết cách giới thiệu về cảnh đẹp nơi mình ở. Qua các hoạt động, học sinh không chỉ học kiến thức mà còn được giáo dục ý thức bảo vệ môi trường từ hành động nhỏ hằng ngày.

Tiết học đã thể hiện sự lựa chọn, sắp xếp kiến thức trong tài liệu một cách logic, phù hợp về nội dung, có sự kết hợp chặt chẽ giữa các hoạt động được tổ chức trong tiết dạy, áp dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp dạy học, tăng cường tương tác giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh.

Các trang slide bài giảng, video clip được thiết kế đẹp mắt, cùng lối dẫn dắt tài tình, khéo léo nhưng lại dễ hiểu đã mang lại hứng thú và say mê học tập cho học sinh. Học sinh chủ động tiếp thu kiến thức, mạnh dạn phát biểu xây dựng bài, tự tin trình bày hiểu biết của bản thân. Trong tiết dạy, cô giáo cũng đã thực hiện rất tốt cách đánh giá học sinh.

Theo cô Nguyễn Thị Bình Minh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thăng Long, tiết dạy diễn ra thành công, được đánh giá khá cao về chất lượng, hiệu quả, tạo ấn tượng sâu sắc cho người dự. Đồng thời, tiết học cũng trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng đồng dân cư, xây dựng văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Sau buổi dạy, các thầy cô tham dự buổi dạy thực nghiệm đã cùng thảo luận, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức dạy thử nghiệm; góp ý, đánh giá về lượng kiến thức, kỹ năng, đánh giá về độ chính xác, phù hợp của kênh hình, chữ trong tài liệu. Đồng thời, giáo viên, nhà trường cũng đề xuất cung ứng tài liệu, sách giáo khoa đảm bảo việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đúng tiến độ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ