Quan tâm khích lệ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là động lực to lớn đối với ngành giáo dục

GD&TĐ - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thư chúc mừng năm học mới tới người dạy, người học và phụ huynh học sinh trên cả nước; các vấn đề về phát triển đại học vùng,… là những sự kiện giáo dục nổi bật tuần qua.

Quan tâm khích lệ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là động lực to lớn đối với ngành giáo dục
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự lễ khai giảng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều ngày 4/9/2014 (Ảnh: Báo Thanh niên)
 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự lễ khai giảng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều ngày 4/9/2014 (Ảnh: Báo Thanh niên)

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi thư chúc mừng năm học mới

Ngày đầu tháng 9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư chúc mừng năm học mới tới các thầy cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên trên cả nước.

Toàn văn thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2019-2020:

"Các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên thân mến.

Nhân dịp khai giảng năm học mới 2019-2020, tôi thân ái gửi tới các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động đã và đang công tác trong ngành Giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên cả nước những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Năm học 2018-2019 đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngành Giáo dục đã nỗ lực phấn đấu, triển khai đồng bộ các giải pháp và đạt được những kết quả tích cực; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hóa; chất lượng giáo dục các cấp học được nâng lên; việc chuẩn bị triển khai chương trình, sách giáo khoa mới được thực hiện tích cực; công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm được tăng cường, góp phần chấn chỉnh, duy trì kỷ cương trong hoạt động giáo dục; các đoàn học sinh, sinh viên Việt Nam tham gia thi Olympic quốc tế đạt thành tích cao, được bạn bè thế giới mến phục.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực cố gắng và những kết quả đã đạt được của ngành Giáo dục trong thời gian qua.

Năm học mới 2019-2020, ngành Giáo dục cần tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo, nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua; tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu của năm học và kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Tôi mong các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết với nghề, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người”; mong các em học sinh, sinh viên tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, “tôn sư, trọng đạo” của dân tộc, noi theo các thế hệ cha anh đi trước, phấn đấu học tập tốt, rèn luyện tốt để sau này trở thành những người vừa “hồng”, vừa “chuyên” như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chúc các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên đạt được nhiều thành tích hơn nữa trong năm học mới.

Chào thân ái!"

Các vấn đề về phát triển đại học vùng

Tuần qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi làm việc với giám đốc các đại học vùng. Dự buổi làm việc còn có Thứ trưởng Lê Hải An, lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ GD&ĐT.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đại học vùng là chủ trương rất đúng, trúng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Chủ trương này đã có cách đây 30 năm và kiên định cho đến bây giờ.

Bộ trưởng nêu lên 4 quan điểm về xây dựng và phát triển đại học vùng: Thứ nhất là ủng hộ cao để 3 đại học vùng thực sự trở thành những hạt nhân, những động lực phát triển trong hệ thống đại học. Tất cả những gì không trái với quy định và đúng thẩm quyền của Bộ trưởng thì ưu tiên, tạo điều kiện cho đại học vùng.

Thứ hai, cơ cấu tổ chức hoạt động của đại học vùng phải tuân thủ theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH và theo hướng cởi “nút thắt” trong các lĩnh vực từ tổ chức bộ máy cho đến các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, kế hoạch tài chính... Tức là thực hiện quyền tự chủ cao. Nguyên tắc là, các đại học vùng trực thuộc Bộ thì phải tốt lên.

Thứ ba, tạo điều kiện tối đa cho các đại vùng, tiến tới không còn cơ quan chủ quản và hoạt động theo đúng ý nghĩa của đại học vùng.

Thứ tư, tất cả những gì trong 3 quan điểm đầu được gói vào trong Quy chế tổ chức hoạt động của đại học vùng. Bộ trưởng không can thiệp sâu đến các trường thành viên, mà chỉ ban hành Quy chế tổ chức của đại học vùng. Theo đó, các đại học vùng có trách nhiệm ban hành quy chế hoạt động của các đơn vị trực thuộc trong đơn vị của mình.

Nêu quan điểm, Đại học vùng không hướng tới mô hình đại học tổng hợp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cần làm rõ các trường thành viên trong đại học vùng khác với các trường đại học độc lập ở chỗ nào, sự khác nhau ấy phải được thể hiện trong quy chế. Như vậy các trường đại học vùng mới quản lý được các trường thành viên.

Theo Bộ trưởng, đại học vùng được quyền chủ động để cơ cấu lại, sắp xếp lại mô hình đại học vùng trong thẩm quyền. Mô hình đại học vùng hướng tới không phải là đại học tổng hợp mà là mô hình hệ thống trường đại học.

“Như vậy, mối quan hệ giữa đại học vùng với các trường thành viên là mối quan hệ hữu cơ, dưới sự định hướng chỉ đạo của đại học vùng. Điểm mấu chốt là, giám đốc đại học vùng phải có quyền để cơ cấu lại các đơn vị thành viên sao cho hợp lý và đúng với quy định của pháp luật” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

“Gốc của vấn đề là các trường thành viên cũng phải tự chủ nhưng không phải tự chủ như các trường đại học độc lập. Đầu mối để tiếp nhận các thông tin chỉ đạo phải là đại học vùng. Theo đó, giám đốc sẽ là người chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về đầu mối này; hiệu trưởng các trường thành viên không chịu trách nhiệm trực tiếp trước Bộ trưởng” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nghỉ hưu theo chế độ

Tại buổi giao ban tháng 8, Bộ GD&ĐT tổ chức lễ chia tay Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/9/2019.

Phát biểu cảm ơn sự quan tâm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và các đồng nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, dù không còn công tác tại Bộ GD&ĐT nhưng bà sẽ luôn dõi theo những hoạt động của ngành Giáo dục, cùng vui với niềm vui của ngành, trăn trở với những khó khăn của ngành.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã có 39 năm công tác trong ngành Giáo dục, từng trải qua vai trò là giáo viên phổ thông, rồi lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Bình.

Chính thức về Bộ GD&ĐT từ năm 2009, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa được phân công phụ trách giáo dục Mầm non, giáo dục Dân tộc và giáo dục Trẻ khuyết tật. Thứ trưởng cũng từng có thời gian phụ trách lĩnh vực báo chí xuất bản, thanh tra.

Theo Quyết định về việc phân công nhiệm vụ của Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ GD&ĐT năm 2018, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phụ trách các lĩnh vực: Giáo dục mầm non; giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; thi đua - khen thưởng; giáo dục thể chất; giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên; công tác dân số, gia đình và trẻ em; công tác phụ nữ của ngành; công tác dân vận và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ