Quan điểm xây dựng Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)

GD&TĐ -Theo Ban soạn thảo, việc xây dựng Luật Giáo dục (sửa đổi) được thực hiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5; đồng thời, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của Luật và điều chỉnh đối với những nội dung khác.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

4 quan điểm xây dựng dự án Luật

Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) được xây dựng trên các quan điểm:

Một là, thể chế hóa các quan điểm và định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đã được nêu trong các Nghị quyết: Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết số 29-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Hai là, cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 với những nội dung liên quan đến phát triển giáo dục và đào tạo; bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của Luật Giáo dục với các văn bản pháp luật khác có liên quan để quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Ba là, đảm bảo tính toàn diện, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn, thiết thực; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi Luật; tạo hành lang pháp lý thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo và huy động được các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển giáo dục, thúc đẩy hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo.

Bốn là, đảm bảo tính kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật hiện hành về lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đảm bảo Luật Giáo dục vừa là Luật khung, làm nền tảng cho các Luật chuyên ngành như giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp... vừa đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các cấp học khác như giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, nhà giáo và người học; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng Luật Giáo dục.

Cấu trúc của dự thảo Luật

Về cấu trúc của dự thảo Luật: Cấu trúc dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) về cơ bản kế thừa cấu trúc còn phù hợp của Luật Giáo dục hiện hành, có sự sắp xếp các chương, mục, điều phù hợp hơn với tính chất và nội dung của dự thảo Luật.

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có 10 Chương, 119 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 70 điều (tăng 34 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5). Cụ thể như sau:

Nâng Mục 2 về quy định đầu tư cho giáo dục tại Chương VII thành Chương đầu tư và tài chính trong giáo dục (Chương VII);

Cấu trúc lại Chương II hệ thống giáo dục quốc dân thành 2 mục, Mục 1 về các cấp học và trình độ đào tạo, trong đó có 4 tiểu mục (giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học) và Mục 2 về giáo dục thường xuyên;

Bổ sung tiểu mục về giáo dục nghề nghiệp (Tiểu mục 3) vào Mục 1 về các cấp học và trình độ đào tạo của Chương II để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống giáo dục quốc dân; bổ sung 1 mục về vị trí, vai trò, tiểu chuẩn của nhà giáo vào Chương IV nhà giáo; bổ sung 2 điều (quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non và giáo dục thường xuyên) tại Tiểu mục 1 của Mục 1 và Mục 2 Chương II;

Bỏ Điều 80 nghĩa vụ làm việc có thời hạn theo sự điều động của nhà nước để quy định trong dự án Luật Giáo dục đại học; bố cục lại một số mục và chuyển một số điều để thống nhất và lôgic với nội dung của Luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ