Phát triển GD thường xuyên: Luật hoá vai trò của trường đại học

GD&TĐ - Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) luôn là đơn vị tiên phong trong đổi mới giáo dục, là nơi hội tụ tinh hoa và sức mạnh trí tuệ của cả hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, để đưa được tinh hoa và trí tuệ ấy đến với đại chúng, cần hiện thực hoá chính sách cơ chế từ Trung ương đến cơ sở nhằm tăng tỷ lệ người dân được tiếp cận GDĐH theo hình thức giáo dục thường xuyên (GDTX).

Chia sẻ tài nguyên nghiên cứu và nguồn tư liệu mở là một trong những yêu cầu để các trường đại học cùng chung tay xây dựng xã hội học tập. Ảnh: INT
Chia sẻ tài nguyên nghiên cứu và nguồn tư liệu mở là một trong những yêu cầu để các trường đại học cùng chung tay xây dựng xã hội học tập. Ảnh: INT

Lấp đi sự nghèo nàn về tri thức

Xây dựng hệ thống TNGDM trước hết là nhiệm vụ cơ bản của trường đại học. Khi những trường đại học chất lượng cao gắn kết cùng nhau trong việc tổ chức các kho dữ liệu khổng lồ về giáo dục và cùng nhau tổ chức những khóa học mở cho tất cả những ai quan tâm thì đại chúng hóa học vấn đại học không còn là vấn đề khó.

Chia sẻ về tính cấp thiết của việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở (TNGDM) đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của người lớn qua hệ thống đại học, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký T.Ư, Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, người lao động nói chung ở nước ta còn nghèo nàn về tri thức. Những tri thức hiện có không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, không đủ sức để tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0.

Nguyên nhân của sự nghèo nàn về tri thức và sự thiếu hụt năng lực thu lượm tri thức chủ yếu ở nền giáo dục khép kín, không mở ra những con đường thu gọn, tích tụ tri thức và những cơ chế chia sẻ tri thức, sự bình đẳng về cơ hội tiếp thu và giao lưu tri thức. TNGDM chính là nguồn lực lấp đi sự nghèo nàn về tri thức.

Các trường ĐH phải đóng vai trò xương sống trong xây dựng xã hội học tập và GDTX
 Các trường ĐH phải đóng vai trò xương sống trong xây dựng xã hội học tập và GDTX

Tăng tỷ lệ người dân được tiếp cận GDĐH

Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 10/5/2019 về việc tiếp tục thực hiện chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khoá X đã chỉ rõ: Việt Nam cần phải hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông giữa giáo dục chính quy và GDTX. Kinh nghiệm quốc tế và trong nước cho thấy không có sơ sở giáo dục nào có thể thực hiện được mạnh mẽ hơn sứ mệnh này so với các trường đại học.

PGS.TS Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, hệ thống giáo dục đại học GDĐH luôn là đơn vị tiên phong trong đổi mới giáo dục, là nơi hội tụ tinh hoa và sức mạnh trí tuệ của cả hệ thống giáo dục.

Tuy nhiên, để đưa được tinh hoa và trí tuệ ấy đến với đại chúng, cần phải thực hiện tốt chức năng phục vụ cộng đồng của cơ sở GDĐH, đặc biệt là việc hiện thực hoá chính sách cơ chế từ Trung ương đến cơ sở nhằm tăng tỷ lệ người dân được tiếp cận GDĐH theo hình thức GDTX, tạo nên những đột phá trong phát triển nguồn nhân lực cho quốc gia trong bối cảnh hiện nay.

Nhiệm vụ này được luật hoá trong Luật Giáo dục 2019 mới ban hành. Khoản 3, Điều 46 Luật Giáo dục 2019 quy định “cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm phối hợp với cơ sở GDTX trong việc cung cấp nguồn học liệu cho cơ sở GDTX để đáp ứng nhu cầu học tập của người học”.

Cần luật hoá vai trò của các cơ sở GDĐH

PGS.TS Vũ Thị Tú Anh cho biết: Việt Nam bắt đầu triển khai TNGDM từ những năm 2005. Tuy nhiên, cần phải đẩy mạnh hơn nữa sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở GDĐH với nhau và với các cơ sở GDTX để tạo nên một làn sóng chia sẻ tri thức mạnh mẽ và một nền giáo dục mở, liên thông đúng nghĩa.

“Phát triển GDTX là nội dung cơ bản trong lộ trình xây dựng xã hội học tập. Đây là một trong những giá trị cốt lõi bao hàm hầu hết các nội dung, phương thức, phương pháp, tính chất, ý tưởng và quản lý sự nghiệp giáo dục người lớn”, ThS Nguyễn Hoàng Long, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định.

Theo ThS Nguyễn Hoàng Long, việc xây dựng TNGDM đã và đang được các Bộ, ngành quan tâm, đặc biệt là phát triển mạnh tại các trường đại học. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, chưa được tiếp cận một cách đầy đủ, đặc biệt là vấn đề pháp lý. Để giáo dục mở phát triển, đòi hỏi phải có các giải pháp thích hợp và lâu dài cũng như sự nỗ lực của các trường đại học, các cơ sở giáo dục đào tạo, của giảng viên và sinh viên.

Nhiều trường ĐH hiện sẵn sàng trong việc cung ứng cơ hội HTSĐ cho người dân. Ví dụ, như Trường Đại học Tôn Đức Thắng khẳng định chia sẻ hệ thống thư viện đồ sộ có liên kết với 9.000 thư viện trên thế giới và hơn 1.500 khoá MOOCs với các cơ sở GDTX, cam kết xây dựng mô hình thí điểm giữa trường đại học với hệ thống trung tâm GDTX trên cả nước.

Hai trường đại học Mở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng đăng ký tiên phong tổ chức các diễn đàn xúc tiến đầu tư, thúc đẩy giáo dục mở thường niên, kết nối và huy động các nguồn lực của nhà trường với hệ thống cơ sở GDTX công lập và tư thục nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công giáo dục cộng đồng…

ThS Nguyễn Hoàng Long cho rằng: Trong xu hướng quốc tế hóa như hiện nay, nguồn nhân lực cần phải có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế và phải có năng lực tự học suốt đời. Mỗi một cơ sở giáo dục đại học cần quan tâm xây dựng hệ thống học liệu mở và chia sẻ nguồn tài nguyên này một cách rộng rãi đến tất cả các đối tượng trong xã hội phục vụ cho mục đích học tập, giảng dạy, nghiên cứu và làm việc của mình.

Có như vậy TNGDM sẽ giúp đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo đại học, đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế nói chung, đóng góp một phần to lớn trong việc xây dựng xã hội học tập suốt đời của người lớn.

Theo PGS.TS Vũ Thị Tú Anh, để có thể đưa luật vào cuộc sống (Điều 46 Khoản 3), Vụ GDTX (Bộ GD&ĐT) đang tích cực chuẩn bị Dự án Học liệu mở trình lãnh đạo Bộ triển khai mô hình thí điểm liên kết hệ thống cơ sở GDTX với các trường đại học trong năm học 2019 - 2020, là tiền đề cho Dự án Giáo dục mở trình Chính phủ.

Dự án bắt đầu từ việc xây dựng TNGDM ở các trường đại học, thúc đẩy sự tham gia của các trường đại học liên thông qua hệ thống cơ sở GDTX thực hiện chức năng dịch vụ cộng đồng nhằm cung ứng các cơ hội HTSĐ cho tất cả mọi người, góp phần san bằng khoảng cách hiện nay về nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn có khuynh hướng chỉ tập trung ở các thành phố lớn, và tại các đại học lớn và uy tín. Đây là một bước đi cần thiết để thực hiện một nền giáo dục chia sẻ, theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ