Nhóm ngành công nghệ đón đầu xu hướng

GD&TĐ - Các trường ĐH-CĐ thời gian qua thường xuyên cập nhật và mở thêm những ngành học mới đón đầu xu hướng công nghệ cũng như bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.

Tương lai sẽ là sự bùng nổ của nhóm ngành nghề về CNTT.
Tương lai sẽ là sự bùng nổ của nhóm ngành nghề về CNTT.

Đón đầu xu thế nhân lực mới

Mùa tuyển sinh 2020 - 2021 ghi nhận các trường đều mở thêm nhiều nhóm ngành nghề, chuyên ngành đào tạo mới phục vụ nhu cầu của người học. Nhiều nhất là các nhóm ngành hẹp, chuyên ngành sâu của công nghệ thông tin (CNTT) như AI, an toàn thông tin, khoa học máy tính, lập trình phần mềm. Kế đến là nhóm ngành thương mại, logictics (marketing, kinh tế thương mại, Logistics và chuỗi cung ứng) hay nhóm ngành công nghệ cơ khí - tự động hóa, điện - điện tử, công nghệ kỹ thuật ô tô… Những nhóm ngành nghề cũ đã bão hòa không còn sức hút với người học cũng được các trường mạnh dạn gạt bỏ.

Theo ông Bùi Quang Trung - Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, xu hướng chọn ngành học gắn với thực tế việc làm hiện nay ở học sinh tốt hơn nhiều. “Mùa tuyển sinh 2020 vừa qua, trường có một số ngành học mới đón đầu xu thế của cuộc CMCN 4.0 như AI, kiến trúc cảnh quan, quản lý công nghiệp nhận được sự quan tâm của học sinh. Điều đó cho thấy, xu thế chọn ngành, chọn nghề của học sinh thực tế hơn”, ông Trung nói.

Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (World Bank), chưa rõ tự động hóa sẽ ảnh hưởng khi nào và như thế nào đến tính chất, số lượng việc làm của Việt Nam, nhưng ước tính tỉ lệ mất việc làm do ứng dụng công nghệ ở Việt Nam từ 10 - 70%.

Còn theo số liệu của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, năm 2021, nhu cầu nhân lực TP đã qua đào tạo chiếm 85,8%. Trong đó, nhu cầu nhân lực có trình độ sơ cấp chiếm 25,21%, trung cấp chiếm 21,3%, cao đẳng chiếm 18%, đại học trở lên chiếm 21,29%.

Các ngành có nhu cầu nhân lực cao tập trung vào nhóm kinh doanh, thương mại (chiếm 20,16% tổng nhu cầu); điện tử, CNTT (chiếm 10,96%); dịch vụ, phục vụ (chiếm 7,25%); cơ khí, tự động hóa (chiếm 5,60%); vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng (chiếm 5,41%); dịch vụ cá nhân, chăm sóc sức khỏe và y tế (chiếm 5,37%)…

Trong tương lai, nguồn nhân lực của TPHCM sẽ theo chiều hướng tăng dần tỉ trọng lao động khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm dần tỉ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Dự kiến lao động làm việc vào năm 2021 đạt trên 4,8 triệu người; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,74%; công nghiệp, xây dựng chiếm 32,45%; dịch vụ chiếm 65,81%.

“Phần lớn doanh nghiệp có nhu cầu nhân lực ở các ngành kinh doanh, thương mại; dịch vụ phục vụ; dệt may, giày da; chế biến thực phẩm; hóa chất, nhựa, cao su; dịch vụ thông tin tư vấn, chăm sóc khách hàng; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; công nghệ thông tin; du lịch, nhà hàng, khách sạn.

Những điều kiện khách quan về hội nhập kinh tế quốc tế và các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế là điều kiện phát triển thị trường lao động TP trong các năm tới. Dự báo một số ngành tiếp tục có xu hướng phát triển, thu hút nhân lực như điện tử – CNTT, cơ khí – tự động hóa, công nghệ thực phẩm, logistics, thương mại điện tử… kéo theo xu hướng dịch chuyển nhu cầu nhân lực theo bối cảnh mới - cuộc CMCN 4.0  rất rõ ràng”- ông Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM nói. 

Nhóm ngành thương mại, Marketing sẽ chiếm ưu thế ở tương lai.
Nhóm ngành thương mại, Marketing sẽ chiếm ưu thế ở tương lai.

Tạo lợi thế và gia nhập thị trường lao động ASEAN

Để hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, hàng loạt trường ĐH thời gian qua không chỉ gia tăng chất lượng đào tạo bằng công tác kiểm định chất lượng, chuẩn hóa chương trình, siết đầu ra, mà còn thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động trao đổi học thuật với các trường quốc tế (trao đổi sinh viên, GV, công tác NCKH). Đặc biệt là xây dựng không gian học kỳ doanh nghiệp nhằm tạo ra các chuẩn mực chung trong đào tạo.

PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng nhìn nhận: Đây là việc làm  cần thiết cho sinh viên khi học tập và ra trường. Sự cọ xát và thực học không chỉ mang đến cho sinh viên những trải nghiệm, mà còn giúp các em chủ động khai thác thế mạnh và tiềm năng của bản thân, từ đó định hình một cách đúng đắn hơn cho việc tham gia thị trường lao động.

“Việt Nam đã tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN, qua đó cho phép nguồn lao động được dịch chuyển tự do trong khu vực. Điều này buộc các trường phải thay đổi, thiết kế chương trình đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động xuyên biên giới. Bởi nếu lao động do chúng ta đào tạo không tương thích, đáp ứng với công nghệ mới của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chúng ta sẽ thua ngay trên “sân nhà”. Vì vậy, mục tiêu của các trường không chỉ là hội nhập, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, mà quan trọng là tạo ra cho sinh viên những kỹ năng công việc, bản lĩnh và sự tự tin” - PGS.TS Vũ Quỳnh nói.

Thống kê và dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, lao động giản đơn và lao động phổ thông đang có xu hướng giảm rất sâu. Đến một lúc nào đó, ngay cả lực lượng lao động phổ thông cũng phải qua đào tạo. Với xu hướng mới, năm 2021 thị trường lao động sẽ phát triển các ngành tích hợp công nghệ cao. Cụ thể là các ngành công nghiệp, dịch vụ kỹ thuật, an ninh mạng, an toàn thông tin, thương mại điện tử...

Theo ông Đỗ Thanh Vân, đây rõ ràng là bảng tham chiếu cơ bản cho không ít trường đại học trên địa bàn TP trong việc xây dựng nhóm ngành nghề mới cũng như định hướng tuyển sinh và đào tạo. Việc nhiều trường ĐH đầu tư mở ngành mới, chứng tỏ các trường đã bắt đầu chuyển hướng từ đào tạo những gì mình có sang đào tạo những gì thị trường cần và nếu  bảo đảm điều kiện chất lượng thì đó là tín hiệu tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.