Nhận diện từ khóa cộng đồng học tập

GD&TĐ - Theo PGS.TS Nguyễn Lân Trung - nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhận thức được rõ nét những đặc trưng của cộng đồng học tập ngoại ngữ sẽ định hướng chúng ta khi trả lời câu hỏi “phải làm gì, làm như thế nào?”.

Đối với cộng đồng học tập ngoại ngữ, từ khóa “môi trường di động” có một vị trí vô cùng quan trọng. Ảnh minh họa/internet
Đối với cộng đồng học tập ngoại ngữ, từ khóa “môi trường di động” có một vị trí vô cùng quan trọng. Ảnh minh họa/internet

Giúp người học có những kỹ năng học tập

 Cần sự vào cuộc nhịp nhàng giữa hai khâu quản lý và chuyên môn, sự tận tâm của đội ngũ giáo viên, giảng viên, sự đồng cảm về mục tiêu chung, xây dưng một xã hội học tập, một cộng đồng học tập ngoại ngữ.
PGS.TS Nguyễn Lân Trung

PGS.TS Nguyễn Lân Trung - phân tích: Ở đây đặt ra vấn đề phương pháp học tập cộng đồng. Sự khác biệt đầu tiên, cũng chính là sự khác biệt quan trọng nhất chính là nằm ở môi trường học tập trên lớp và môi trường học tập cộng đồng. Môi trường học tập cộng đồng đòi hỏi tính tự giác rất cao từ người học.

Người học nhúng trong môi trường này phải tự xác định mục tiêu học tập của mình, xác định phương pháp để đạt được mục tiêu đó, phải tự thiết kế kế hoạch của mình, tự điều phối việc học của mình, mối quan hệ của mình với bạn học trong cộng đồng, tự tìm kiếm thông tin học liệu, cùng chia sẻ các nguồn học liệu và các hoạt động học tập, tự tạo ra động cơ, động lực học tập... Nói tóm lại họ phải xây dựng cho mình một cách học tự giác và độc lập.

"Tuy nhiên để giúp người học có được những kĩ năng này thì sự hỗ trợ của đội ngũ giáo viên, giảng viên, đặc biệt trong giai đoạn đầu là rất quan trọng.

Họ có thể tập huấn cho người học về kĩ năng học độc lập, giúp người học lựa chọn học liệu, tổ chức các hoạt động phù hợp với người học ở từng giai đoạn, đối với từng mục tiêu và tình huống xã hội.

Đồng thời hướng dẫn sử dụng các phương tiện, trang thiết bị phục vụ tự học, hướng dẫn các hoạt động nhóm, hoạt động tương tác cộng đồng, giúp người học phát triển động lực, thái độ tích cực tham gia cộng đồng học tập, duy trì hứng thú.." - PGS.TS Nguyễn Lân Trung trao đổi.

PGS.TS Nguyễn Lân Trung: Người học nhúng trong môi trường này phải tự xác định mục tiêu học tập của mình
PGS.TS Nguyễn Lân Trung: Người học nhúng trong môi trường này phải tự xác định mục tiêu học tập của mình

Môi trường học tập di động

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Lân Trung, đối với cộng đồng học tập ngoại ngữ, từ khóa “môi trường di động” có một vị trí vô cùng quan trọng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng cộng đồng học tập ngoại ngữ ảo là một hướng đi ngày một phổ biến.

Những Facebook, Skype, Email, điện thoại di động là những công cụ thực sự hữu ích và là phù hợp trong điều kiện Việt Nam hiện nay.

Nếu như trước đây người học hay xây dựng các CLB với loại hình đa dạng để sinh hoạt tiếng, thì bây giờ các e -CLB đang hình thành mạnh mẽ, tập hợp các nhóm người học lại với nhau (không cần mặt giáp mặt) theo nhu cầu, sở thích, đối tượng gần, nghề nghiệp... Đó chỉ là một trong vô vàn những hình thức hoạt động trên mạng ảo của cộng đồng học tập ngoại ngữ “hiện đại” hiện nay.

"Những bài học có thể rút ra từ thực tiễn xây dựng một cộng đồng học tập ngoại ngữ ở Việt Nam có thể thắp thêm niềm tin cho một hướng đi, một giải pháp của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện việc dạy và học Ngoại Ngữ ở Việt Nam.

Đó là từ những mô hình thực tiễn, chúng ta thấy có thể làm được (khó như Tây Bắc còn làm được và làm tốt), vấn đề là chúng ta phải thống nhất nhận thức, tranh thủ mọi nguồn lực, năng động sáng tạo, xã hội hóa cao nhất và tận dụng hợp lý nhất hợp tác quốc tế" - PGS.TS Nguyễn Lân Trung nhấn mạnh.

Mong muốn cũng như khẩu hiệu của chúng ta là “tối ưu hóa các nguồn lực tại chỗ để tìm kiếm hiệu quả cao nhất”, đó mới là hiện thân cho sự thành công, là khởi nguồn cho các mô hình đa dạng, phong phú, thuyết phục và rất đáng trân trọng đang nẩy nở và lan tỏa trong vườn hoa chung các mô hình khoe sắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ