Theo PGS Nguyễn Lân Trung - nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), một thực tiễn hết sức sinh động của quá trình hình thành và phát triển cộng đồng học tập ngoại ngữ, đã thổi một luồng gió mát vào trong nhận thức của cả người dạy, người học và nhà quản lý, làm thay đổi cả về phương pháp dạy và học, các hoạt động học tập, kiểm tra đánh giá, học liệu, phương tiện dạy và học ngoại ngữ.
Môi trường gắn kết với nhau trong học tập
PGS Nguyễn Lân Trung - cho biết: Khái niệm "Cộng đồng học tập” ra đời dựa trên quan niệm cho rằng hoạt động học diễn ra khi người học tham gia vào các hoạt động chung với người khác, vì mục tiêu chung, với mức độ và khả năng khác nhau.
Và để xây dựng và vận hành cộng đồng học tập thì điều kiện tiên quyết là, làm thế nào để tạo ra một môi trường học tập thu hút được người học tham gia vào cộng đồng học tập, gắn kết với nhau trong học tập cộng đồng.
Theo PGS Nguyễn Lân Trung, có ba yếu tố cơ bản tạo nên sự gắn kết cộng đồng, đó là: Cùng nhau cam kết (Mutual engagement); Chia sẻ kiến thức (Shared repetoire); Liên kết hành động (Joint enterprise).
Và có bốn yêu cầu mà mọi cộng đồng học tập cần phải có, đó là: Một là - sự đa dạng về kiến thức của các thành viên và sự đóng góp của mỗi thành viên đều được tôn trọng và hỗ trợ
Hai là - có mục tiêu chung là cùng phát triển kiến thức và kĩ năng của mọi thành viên; ba là - đề cao sự phát triển kĩ năng tự học; bốn là - có cơ chế để mọi thành viên chia sẻ những gì đã học được.
"Một điểm nữa cần nhấn mạnh đó là: Quá trình học trong cộng đồng học tập được diễn ra hai lần: lần thứ nhất, hành động học mang tính xã hội diễn ra trong quá trình tham gia vào hành động mang tính tập thể. Lần thứ hai diễn ra trên bình diện cá nhân nhờ việc tham gia vào các hành động với người khác trong cộng đồng" - PGS Nguyễn Lân Trung nhấn mạnh.
PGS Nguyễn Lân Trung: Phát triển cộng đồng học tập ngoại ngữ, đã thổi một luồng gió mát vào trong nhận thức của cả người dạy, người học và nhà quản lý |
3 đặc điểm của cộng đồng học tập
Cũng theo PGS Nguyễn Lân Trung, đã nói đến cộng đồng học tập, chúng ta cần lưu ý đến ba đặc điểm sau. Thứ nhất là số lượng lớn. Đây là một trong những thước đo trong sự thành công của cộng đồng học tập. Sức lan tỏa và hiệu ứng cộng đồng là cái đích một cộng đồng học tập hướng tới.
Tuy nhiên, theo chiều ngược lại, số lượng lớn sẽ có thể kéo theo chất lượng đi xuống. Đây chính là sự cân nhắc của người quản lí cộng đồng học tập. Nếu như trong học chính khóa, người học có trình độ kém và trung bình ít có cơ hội để thể hiện thì chính phương thức cộng đồng học tập sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ phát huy.
Chính vì vậy, chúng ta không nên quá coi trọng chất lượng mà làm mất đi cơ hội sử dụng ngôn ngữ. Cơ hội được tham gia sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên, gắn với yếu tố văn hóa, xã hội khác sẽ tạo động lực, hứng thú rất lớn cho đối tượng này.
Cần phân biệt rõ những khác biệt giữa một bên là chương trình đào tạo, còn một bên là hoạt động cộng đồng. Ảnh minh họa/internet |
Thứ hai là phải thỏa mãn các nhu cầu chung. Đây cũng lại là một bài toàn khá nan giải của người quản lí cộng đồng học tập. Ở trong một thiết chế chặt chẽ, sự xác định mục tiêu và nội dung, hình thức hoạt động là rõ ràng, mang tính tuân thủ.
Trong hoạt động học tập cộng đồng, các nhu cầu cần được thỏa mãn đa dạng hơn nhiều, mặt tốt là gây được động lực, hứng thú, nhưng mặt khác việc quản lí để đi đến thống nhất hành động, coi trọng hiệu quả của tập thể, là một việc rất khó khăn, đòi hỏi người quản lí phải rất năng động, sáng tạo và mềm dẻo. Những hiểu biết về tâm lí học và quản trị học có vai trò to lớn ở đây.
Thứ ba, đó là tính khả thi. Học trong điều kiện trường lớp, trang thiết bị, nhân lực giảng dạy có sẵn tính khả thi rất cao. Ngược lại, tổ chức các hoạt động cộng đồng không có được những thuận lợi này, tập thể những người tham gia phải tự tạo ra các điều kiện thực hiện hoạt động.
Vì vậy phải tính toán rất kĩ đến các điều kiện khả thi. Cần phải rất thực tế thì mới đảm bảo được các hoạt động diễn ra suôn sẻ. Để giải quyết vấn đề đặt ra của ba đặc điểm trên, PGS Nguyễn Lân Trung lưu ý: Lượng hóa cụ thể các hoạt động; Có phương thức đánh giá các hoat động (nên chăng xây dựng một bộ công cụ); Hoạt động hướng đến tính bền vững.
Khi nói đến các đặc trưng của cộng đồng học tập ngoại ngữ, trong khuôn khổ nhà trường, chúng ta cần phân biệt rõ những khác biệt giữa một bên là chương trình đào tạo, còn một bên là hoạt động cộng đồng. Một bên là trong lớp học (hay còn gọi là chính khóa) còn một bên là bên ngoài lớp học (hay còn gọi là ngoại khóa) và một bên là nhà trường, là học đường, còn một bên là xã hội.
Điều cơ bản cần khai thác là những gì khó làm, khó thực hiện ở trong nhà trường, trong lớp học, trong chính khóa, trong chương trình đào tạo thì sẽ có nhiều cơ hội, nhiều điều kiện thực hiện hiệu quả hơn ở ngoài lớp học, ở các hoạt động ngoại khóa, ở trong cộng đồng, ở trong xã hội.
Đào sâu sự khác biệt này chính là sự bổ sung hoàn hảo cho quá trình phát triển chuyên môn, phát triển năng lực của các cá nhân, của từng cá nhân.