Nâng cao chất lượng dạy học bằng ứng dụng công nghệ thông tin

GD&TĐ - Để nâng cao chất lượng dạy học, nhiều giáo viên đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, đưa các mô hình mới vào giảng dạy, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Những sáng tạo đã đem lại hiệu ứng tích cực

Thầy Nguyễn Xuân Bắc và các em học sinh   trường trung học cơ sở Tống Phan (Phù Cừ - Hưng Yên) trong một giờ lên lớp.
Thầy Nguyễn Xuân Bắc và các em học sinh trường trung học cơ sở Tống Phan (Phù Cừ - Hưng Yên) trong một giờ lên lớp.

Sách 3D cho trẻ mầm non

Ở Trường Mầm non Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái), cô Ðỗ Thùy Quyên, đã sáng tạo ra sách công nghệ 3D, giúp học sinh người dân tộc Mông thêm hiểu và yêu thích những giờ học. Những câu chuyện giản dị, gần gũi với hình minh họa sinh động giúp các em tiếp thu kiến thức nhanh hơn, tạo nên sự hứng thú trong học tập, cải thiện khả năng tiếng Việt.

Thực hiện ước mơ của mình, cô Quyên đã có 15 năm đứng lớp, nhiều năm gắn bó với Trường Mầm non Suối Giàng, ngôi trường thuộc khu vực đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái, có gần 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Với tình yêu nghề, cô luôn suy nghĩ, làm thế nào để xóa rào cản ngôn ngữ để học sinh tiếp thu tốt bài những giờ học trên lớp.

Cô Quyên cho biết: Những học trò của tôi chưa sõi tiếng Việt. Có em còn chưa biết chút nào. Vậy làm thế nào để các em có thể đến lớp và nghe được cô dạy? Suy nghĩ mãi, tôi thấy tốt nhất là dùng hình ảnh hỗ trợ ngôn ngữ. Nghĩ là làm, tôi bắt tay vào tìm kiếm hình ảnh, xử lý trên máy tính, rồi sắp xếp nhân vật di chuyển. Toàn bộ quá trình cắt dán được làm thủ công. Nội dung mỗi quyển sách 3D là những câu chuyện được chọn từ chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD&ÐT.

Cuốn sách 3D tôi làm ra không chỉ có hình ảnh nổi mà các chi tiết có khả năng chuyển động, giúp trẻ dễ nhận biết và nâng cao khả năng tư duy. Thật vui, sách 3D khi đưa vào dạy học, những học sinh dân tộc vùng cao Suối Giàng hào hứng, tự tin, gần gũi với thầy, cô giáo hơn và nói tiếng Việt thành thạo hơn.

Cô Đỗ Thùy Quyên dùng sách 3D dạy học trò.
 Cô  Đỗ Thùy Quyên dùng sách 3D dạy học trò.                  

Công nghệ hỗ trợ dạy học

Trong ngành GD&ĐT Hưng Yên, nhiều người biết thầy Nguyễn Xuân Bắc, giáo viên môn Tin học, Trường THCS Tống Phan (Phù Cừ) luôn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào dạy học. Thầy đã thiết kế bài giảng E-learning, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, giáo viên trong trường ứng dụng CNTT vào các hoạt động giảng dạy và giáo dục, đổi mới trong hoạt động dạy học tại lớp mình phụ trách. Đặc biệt, thầy Bắc là tác giả của các phần mềm trò chơi có thể ứng dụng vào dạy học hoặc phần mềm kiểm tra kiến thức. Những phần mềm này được thầy Bắc chia sẻ cùng đồng nghiệp, trong cộng đồng Giáo viên sáng tạo Việt Nam (MIE).

Thầy Bắc chia sẻ: Những thí nghiệm, tài liệu được cung cấp bằng kênh hình, kênh chữ, âm thanh sống động nên học sinh dễ thấy, dễ tiếp thu. Nhờ ứng dụng CNTT vào giảng dạy, giáo viên chủ động hơn trong kế hoạch bài giảng của mình, dễ dàng tìm kiếm tài nguyên phục vụ bài giảng, tạo mạch liên kết giữa các đơn vị kiến thức tự nhiên, hợp lý hơn.

Được biết, trong số nhiều phần mềm thầy Bắc viết và được ứng dụng, có nhiều phần mềm dùng Skype trong lớp học để kết nối với các lớp học ở các vùng miền trong cả nước. Thầy Bắc đã cộng tác với thầy, cô giáo khác để tham gia giảng dạy tại các lớp học ngắn hạn về việc ứng dụng CNTT vào hoạt động dạy học với các khóa học như: “Dạy học dựa theo trò chơi với Minecraft” hay “Ứng dụng Scratch và các nền tảng lập trình”... từ đó ứng dụng vào thiết kế, tổ chức các hoạt động dạy học.

Dùng lập trình lôi cuốn học sinh

Thầy giáo trường làng Nguyễn Minh Tuấn – giáo viên Tin học của Trường THCS Hiếu Phụng, huyện Vĩnh Liêm, tỉnh Vĩnh Long là người đam mê CNTT. Thầy đã biến môn Tin học ở ngôi trường làng trở nên hấp dẫn với học sinh. Thành công lớn nhất của thầy có lẽ không phải là có học sinh đạt giải thưởng cấp tỉnh, quốc gia, mà là sự ghi nhận của chính các đồng nghiệp.

Thầy Tuấn chia sẻ: Ở nông thôn, những kiến thức về lập trình Microbit, Scratch, học qua Skype… ít ai biết, không có trường nào dạy cả. Nhưng khi mình thay đổi cách dạy, đưa CNTT vào tiết học, học trò rất thích. Ban đầu các em thích vì lạ, rồi sau đó say mê thực sự. Các em được học những ngôn ngữ lập trình hiện đại không nằm trong sách giáo khoa.

Đổi mới sáng tạo bằng dạy học qua Skype, bằng E-learning… đã đem lại hiệu quả cao. Thầy Nguyễn Minh Tuấn đã tận dụng thế mạnh của CNTT, biến đó thành lợi thế để khiến học sinh của mình ham thích và học giỏi môn Tin học. Không chỉ dẫn dắt học trò tìm kiếm những kiến thức mới, thầy Tuấn còn là người “phụ đạo” kỹ năng CNTT cho các đồng nghiệp trong trường. 

Tôi tự hào nơi mình công tác là một trong những trường có giáo viên đạt kỹ năng CNTT tốt nhất huyện, nhiều năm đứng đầu về kỹ năng soạn bài giảng E-learning. Giáo viên miệt mài sáng tạo trong từng giờ lên lớp, học trò nỗ lực bằng đam mê và tinh thần sẵn sàng học hỏi. Kết quả là Trường THCS Hiếu Phụng đã có học sinh đạt giải cấp quốc gia, Nhất, Nhì cấp tỉnh cuộc thi Sáng tạo Tin học trẻ, giải Nhất cuộc thi lập trình do Microsoft tổ chức. - Thầy Nguyễn Minh Tuấn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.
“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.