Theo đó, thay đổi đáng kể nhất là quy định, giảm hồ sơ, sổ sách cho giáo viên, chỉ còn 3 loại.
Giáo viên chỉ còn 3 loại hồ sơ, sổ sách, gồm: Kế hoạch giáo dục (theo năm học); kế hoạch bài dạy (giáo án); sổ theo dõi và đánh giá học sinh. Riêng giáo viên chủ nhiệm có thêm sổ chủ nhiệm.
Hồ sơ điện tử được sử dụng thay cho các loại hồ sơ giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và bảo đảm tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử. Việc quản lý hồ sơ điện tử do sở GD&ĐT quy định theo chuẩn kết nối, chuẩn dữ liệu của Bộ GD&ĐT.
Cô Bùi Hoàng Yến – Hiệu trưởng Trường THCS Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Thông tư ra đời đáp ứng được nguyện vọng của nhiều giáo viên. Không chỉ giảm số lượng sổ sách đáng kể, mà còn “giảm” cả hình thức sổ sách phù hợp với thời đại 4.0. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được nhờ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học.
Những năm qua, nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường ứng dụng CNTT, không chỉ trong các hoạt động dạy học mà cả trong quản lý điều hành. Năm học này, nhà trường triển khai phần mềm tiện ích eNetViet được Sở GD&ĐT Hà Nội thống nhất sử dụng trong toàn ngành.
Thầy Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) cho hay: Nhà trường đã tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy học, quản lý, mạnh dạn trang bị phần mềm văn phòng Microsoft Office 365 cho tất cả học sinh cũng như giáo viên trong trường.
Nhờ phần mềm này, giáo viên và học sinh có thể tương tác với nhau, ứng dụng hiệu quả thế mạnh của CNTT trong các giờ học. Các em có thể chia sẻ file dữ liệu lên One Driver một cách dễ dàng, tạo file văn bản, file trình chiếu trên nhiều thiết bị. Cái lợi mà hệ thống này mang lại rất lớn. Hệ thống văn bản bằng giấy được thay thế hoàn toàn, các thầy cô quản lí nhà trường bằng hệ thống điện tử, tiết kiệm được chi phí tiền mực in, máy in hàng năm. Các thầy cô cũng được giảm đi rất nhiều về “gánh nặng sổ sách”.