Mô hình bồi dưỡng giáo viên mới: Không thể thiếu vai trò giáo viên cốt cán

GD&TĐ - Vai trò, nhiệm vụ của giáo viên cốt cán theo mô hình bồi dưỡng mới là hỗ trợ đồng nghiệp tự học, tự bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Mô hình 5- 3 -7 trong bồi dưỡng giáo viên

Mô hình bồi dưỡng giáo viên/cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông Bộ GD&ĐT đang triển khai có nhiều điểm mới. Theo đó, bồi dưỡng, thường xuyên, liên tục, tại chỗ; kết hợp trực tiếp - trực tuyến với sự hỗ trợ của đội ngũ cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt; biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng có hỗ trợ - xây dựng cộng đồng học tập tại nhà trường phổ thông.

Chương trình bồi dưỡng thường xuyên gồm có 9 mô đun, trong đó có 2 mô đun bắt buộc và giáo viên được lựa chọn 3 trong số 4 mô đun (tổng cộng là 5 mô đun). Ngoài ra, giáo viên có thể tham khảo tài liệu học tập của 3 mô đun còn lại.

TS Nguyễn Thị Kim Dung, chuyên gia tư vấn của Ban Quản lý Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP), cho biết: Một mô đun được thiết kế với khối lượng kiến thức cho thời gian học tập là 5- 3 -7.

Trong đó, 5 ngày học tập trực tuyến. 3 ngày học trực tiếp - hỗ trợ trực tiếp, giải đáp thắc mắc, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, sinh hoạt chuyên môn trực tiếp tại trường/cụm trường. Tùy theo điều kiện của từng địa phương, có thể tổ chức bồi dưỡng trực tiếp do giảng viên sư phạm giảng dạy và giáo viên cốt cán là trợ giảng hỗ trợ; 7 ngày tiếp tục tự học, hoàn thành các bài kiểm tra, bài tập cuối khóa, bài khảo sát) …

Trên thực tế, do học tập trực tuyến và giáo viên vẫn phải đảm bảo nhiệm vụ ở trường nên thời gian học tập cho mỗi mô đun khoảng từ 20 đến 40 ngày.

TS Nguyễn Thị Kim Dung, chuyên gia tư vấn của Ban Quản lý Chương trình ETEP.
TS Nguyễn Thị Kim Dung, chuyên gia tư vấn của Ban Quản lý Chương trình ETEP.

Hỗ trợ đồng nghiệp phát triển năng lực nghề nghiệp

Vai trò, nhiệm vụ của giáo viên cốt cán theo mô hình bồi dưỡng mới là hỗ trợ đồng nghiệp tự học, tự bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nhấn mạnh điều này, TS Nguyễn Thị Kim Dung cho rằng, đội ngũ giáo viên cốt cán được xem như là cánh tay nối dài giữa trường đại học sư phạm, giảng viên sư phạm với trường phổ thông và các giáo viên phổ thông.

Theo đó, sau khi được bồi dưỡng vừa trực tuyến, vừa trực tiếp bởi các giảng viên sư phạm chủ chốt, các thầy cô cốt cán sẽ có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp với sự hỗ trợ, góp ý của giảng viên sư phạm chủ chốt về chuyên môn.

Đồng thời, triển khai kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp, như: Tổ chức tự bồi dưỡng cho giáo viên hoàn thành các mô đun theo kế hoạch năm trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS); hỗ trợ giáo viên/cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông truy cập vào tài khoản học tập trên Hệ thống LMS.

Giáo viên cốt cán cũng có nhiệm vụ hỗ trợ giáo viên/cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông tự học trên hệ thống LMS.

Cụ thể, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc trực tuyến trên LMS để giáo viên/cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông hoàn thành khối lượng học tập qua mạng và hoàn thành bài kiểm tra trắc nghiệm qua mạng;

Hỗ trợ giáo viên/cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông làm bài tập thực hành mô đun bồi dưỡng, tải kết quả trên hệ thống LMS;

Chấm/đánh giá các bài tập hoàn thành mô đun, đôn đốc trả lời khảo sát về mô đun bồi dưỡng và khảo sát về chương trình bồi dưỡng;

Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng trực tiếp, trao đổi kế hoạch bài dạy, dự giờ, thảo luận chuyên đề, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục năm cho các đồng nghiệp…

“Những hỗ trợ này là thường xuyên, liên tục ngay cả khi đồng nghiệp hoàn thành các mô đun bồi dưỡng hoặc chưa được học tập trên hệ thống LMS; từ đó xây dựng và phát triển cộng đồng học tập theo môn học và trong chính trường của mình” -  TS Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Điểm tựa” của giáo viên cốt cán

Theo TS Nguyễn Thị Kim Dung, Ban Quản lý Chương trình ETEP là đơn vị điều phối các trường đại học sư phạm/Học viện Quản lý giáo dục tham gia ETEP đồng hành cùng đội ngũ cốt cán trong hỗ trợ đồng nghiệp hoàn thành các mô đun bồi dưỡng phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều hình thức và các kênh khác nhau.

Có thể kể đến việc phối hợp với các trường sư phạm được giao nhiệm vụ biên soạn các mô đun bồi dưỡng đảm bảo chất lượng, bám sát những yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tổ chức bồi dưỡng đội ngũ cốt cán có đủ năng lực về chuyên môn và phương pháp hỗ trợ; nhiệt huyết và sẵn sàng nhận nhiệm vụ hỗ trợ đồng nghiệp tự học, tự bồi dưỡng;

Lựa chọn, phân công các giảng viên sư phạm chủ chốt hỗ trợ đội ngũ cốt cán trong bồi dưỡng đại trà.

Ban Quản lý Chương trình ETEP cũng tham gia xây dựng và trình ban hành các văn bản chỉ đạo từ cấp Bộ, đến cấp Sở, trường đại học sư phạm/Học viện Quản lý giáo dục để đôn đốc đội ngũ đại trà hoàn thành các mô đun bồi dưỡng. Tham gia hoàn thiện hệ thống LMS để đội ngũ cốt cán thuận lợi, dễ dàng tương tác với đồng nghiệp và sự hỗ trợ của các nhà cung ứng LMS đến từng đơn vị cơ sở.

“Tóm lại, theo mô hình bồi dưỡng mới, giáo viên tự học, tự bồi dưỡng trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS), với sự hỗ trợ của giáo viên phổ thông cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt.

Điều này sẽ giúp cho giáo viên được tiếp cận với nguồn tài liệu gốc, biến quá trình bồi dưỡng thành quá trình tự học, tự bồi dưỡng, phát triển năng lực nghề nghiệp thường xuyên, liên tục, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 và xây dựng các cộng đồng học tập tại nhà trường” - TS Nguyễn Thị Kim Dung cho hay.

Từ năm 2018, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 20 về chuẩn nghề nghiệp giáo viên; trong đó quy định rõ về những tiêu chuẩn và tiêu chí của giáo viên cốt cán. Cụ thể, đối tượng cốt cán là các thầy cô đã đạt được chuẩn nghề nghiệp ở mức tốt; có kinh nghiệm trong việc bồi dưỡng, chia sẻ hướng dẫn đồng nghiệp; có tinh thần, thái độ sẵn sàng tham gia phát triển tài liệu cũng như sẵn sàng chia sẻ với đồng nghiệp...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ