Đội ngũ giáo viên cốt cán - "mắt xích" quan trọng thực hiện CT, SGK lớp 1 mới

GD&TĐ - Đội ngũ giáo viên (GV) cốt cán được ví như “con chim đầu đàn” về chuyên môn của mỗi trường. Họ có năng lực tự học, tự phát triển tốt, có sức ảnh hưởng nghề nghiệp tới đồng nghiệp. Đặc biệt, trong quá trình triển khai CT và SGK lớp 1 mới, đội ngũ GV cốt cán đóng vai trò không nhỏ trong việc hỗ trợ và nâng cao chất lượng giảng dạy tại các trường.

Giáo viên tự chủ, linh hoạt sáng tạo trong dạy học, cha mẹ học sinh đồng hành thì dạy học Tiếng Việt lớp 1 sẽ không còn khó khăn. Ảnh minh họa
Giáo viên tự chủ, linh hoạt sáng tạo trong dạy học, cha mẹ học sinh đồng hành thì dạy học Tiếng Việt lớp 1 sẽ không còn khó khăn. Ảnh minh họa

Thúc đẩy vai trò GV cốt cán

Thầy Phạm Văn Tường – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Mậu Long (Yên Minh – Hà Giang) cho biết: Trong quá trình triển khai CT và SGK lớp 1 mới, vai trò đội ngũ GV cốt cán của trường đã phát huy tích cực. Mỗi tháng 2 lần, GV cốt cán khối 1 (đồng thời đứng lớp giảng dạy lớp 1) có trách nhiệm tổ chức sinh hoạt chuyên môn, trao đổi nghiệp vụ, rút kinh nghiệm từng bài giảng cùng 16 GV trực tiếp dạy lớp 1. 

Trường PTDTBT Tiểu học xã Mậu Long có 16 lớp 1 học tại 1 điểm trường chính và 15 điểm trường lẻ, do vậy GV cốt cán phải bố trí thời gian để thực hiện dự giờ thăm lớp đủ 15 điểm trường. Có điểm trường cách xa trường chính 10 - 20km, thầy cô đi lại vất vả khó khăn…

Theo thầy Tường, là năm học đầu tiên triển khai CT và SGK lớp 1 mới nên đội ngũ GV dạy lớp 1 không tránh được vướng mắc ban đầu. Do đó, ban giám hiệu (BGH) nhà trường yêu cầu đội ngũ GV cốt cán phải quan tâm, nỗ lực cùng BGH hỗ trợ đồng nghiệp dạy học khối 1. Mỗi tiết dự giờ thăm lớp của GV cốt cán không nhằm mục đích đánh giá xếp loại GV mà thay vào đó để nắm bắt thực tiễn giảng dạy, kết quả tiếp nhận của HS trong mỗi bài học.

Sau mỗi tiết dự giờ, GV cốt cán và GV dạy lớp 1 cùng ngồi lại phân tích bài giảng, rút kinh nghiệm, từ đó đưa ra phương hướng, hoạch định kế hoạch thời gian, khối lượng, nội dung kiến thức phù hợp. Được trao đổi, định hướng chuyên môn với GV cốt cán thường xuyên, sẽ giúp GV thêm vững vàng, có định hướng, phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng HS trên lớp. 

Cô và trò lớp 1A5 Trường Tiểu học Nguyễn Du (TP Lào Cai – Lào Cai). Ảnh: Đức Trí
Cô và trò lớp 1A5 Trường Tiểu học Nguyễn Du (TP Lào Cai – Lào Cai). Ảnh: Đức Trí

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Du – TP Lào Cai (Lào Cai), đội ngũ GV cốt cán trở thành “cánh tay phải” chuyên môn của BGH trong việc hỗ trợ GV lớp 1 nâng cao chất lượng dạy học theo CT và SGK mới. 

Cô Trần Thị Liên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du chia sẻ: Trường đã xây dựng phong trào “Đôi bạn cùng tiến” - GV có năng lực (GV cốt cán) sẽ chịu trách nhiệm kèm trực tiếp về chuyên môn với 1 GV còn hạn chế. GV cốt cán cũng sẽ đảm nhiệm lựa chọn bài và dạy mẫu các chuyên đề cho GV khác dự giờ, học tập kinh nghiệm. Trên cơ sở tiết dạy, GV cốt cán và GV đứng lớp sẽ trao đổi rút kinh nghiệm để đưa chuyên đề vào giảng dạy. BGH và tổ chuyên môn kiểm tra lại lần nữa việc dạy học của GV trên lớp để ghi nhận hiệu quả thực tế. Vướng mắc ở đâu, GV cốt cán, BGH kịp thời tháo gỡ cùng GV dạy lớp 1. 

“Năm học này, nhà trường xây dựng được 2 GV cốt cán cho 5 lớp 1. GV cốt cán và BGH nhà trường thường xuyên đồng hành cùng GV lớp 1 ngày từ ngày đầu triển khai thay SGK lớp 1 nên việc dạy học gần như không gặp khó khăn, quá tải… GV có thể làm tốt vai trò dạy học ngay trên lớp, HS không căng thẳng khi học tập” – cô Liên bày tỏ. 

Tại huyện Quản Bạ (Hà Giang), phòng GD&ĐT cũng triển khai mạnh mẽ nhóm GV cốt cán hỗ trợ chuyên môn cho GV khối 1. Nhóm dành thời gian dự giờ thăm lớp các trường trong huyện và rút kinh nghiệm chung về chuyên môn. Cô Nguyễn Hương Giang – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Thanh Vân đánh giá: Đây là hoạt động bổ ích với GV dạy lớp 1 khi năm đầu tiên triển khai thay SGK, GV vẫn còn bỡ ngỡ vướng mắc. Nhóm GV cốt cán thay mặt BGH, tổ chuyên môn các nhà trường giải đáp bất kỳ thắc mắc hay khó khăn trong soạn bài, kinh nghiệm, phương pháp dạy học… được GV đặt ra. Mặt khác, GV cốt cán cùng GV trực tiếp dạy lớp 1 bàn bạc tìm ra phương hướng dạy học hiệu quả nhất. Như vậy, không chỉ có BGH, tổ GV cốt cán trong mỗi nhà trường mà nhóm GV cốt cán liên trường sẽ đồng hành cùng GV lớp 1 trong suốt quá trình triển khai CT và SGK lớp 1 mới.

Có sự đồng hành của BGH và GV cốt cán nên quá trình triển khai CT và SGK lớp 1 mới tại Trường Tiểu học Nguyễn Du (TP Lào Cai - Lào Cai) diễn ra thuận lợi. Ảnh: Đức Trí
Có sự đồng hành của BGH và GV cốt cán nên quá trình triển khai CT và SGK lớp 1 mới tại Trường Tiểu học Nguyễn Du (TP Lào Cai - Lào Cai) diễn ra thuận lợi. Ảnh: Đức Trí

“Mắt xích” không thể thiếu

Thầy Phạm Văn Tường khẳng định: GV cốt cán là những người có “tầm” về chuyên môn, thậm chí BGH phải học hỏi thêm từ họ để làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hoạch định và điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với điều kiện thực tế. Hiệu quả, chất lượng của việc triển khai CT và SGK lớp 1 mới trong thời gian tới phụ thuộc không nhỏ vào đội ngũ GV này.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du cũng khẳng định: “GV cốt cán đã hỗ trợ tích cực cho BGH, thay BGH kiểm soát chất lượng chuyên môn trong dạy học. Đặc biệt, GV cốt cán góp phần không nhỏ cùng nhà trường trong việc bồi dưỡng GV tại chỗ thực hiện CT, SGK mới”.

Cũng theo cô Trần Thị Liên, với sự hỗ trợ tích cực của GV cốt cán, nhà trường chủ động hơn trong các hoạt động chuyên môn. GV nhà trường được bồi dưỡng thường xuyên liên tục. Thời gian tới, BGH nhà trường sẽ tăng cường vai trò của đội ngũ GV cốt cán trong quá trình đổi mới CTGDPT và SGK.  

Cô Nguyễn Thị Phi Nga – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú (Sơn Tây – Hà Nội) cho rằng: Đội ngũ GV cốt cán đóng vai trò quan trọng trong quá trình triển khai SGK lớp 1 mới tại trường (nghiên cứu bài giảng, quy trình, thống nhất nội dung điều chỉnh giảng dạy, đưa ra đề xuất chuyên môn, sử dụng GV…). Tổ GV cốt cán hỗ trợ cho BGH trong hoạt động nâng cao chất lượng chuyên môn. Thông qua tổ GV cốt cán, BGH nhà trường có thể nắm bắt hiệu quả hơn quá trình triển khai dạy học bên cạnh kết hợp kiểm tra thực tế. 

Để triển khai tốt CT và SGK mới, BGH nhà trường sẽ có chiến lược cụ thể với đội ngũ GV cốt cán. Không chỉ hỗ trợ trong việc nâng cao chuyên môn nghiệp vụ tại chỗ mà còn tạo điều kiện để GV cốt cán được tiếp cận chuyên môn, giải đáp, định hướng từ những chuyên gia giáo dục, chủ biên SGK... 

Phát triển đội ngũ GV cốt cán góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ GV đang trực tiếp dạy học lớp 1 và các lớp học khác ở những năm tiếp theo của đổi mới CT và SGK mới. - Cô Nguyễn Thị Phi Nga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ