Luân chuyển giáo viên: Đi dễ khó về, do đâu?

GD&TĐ - Những năm qua, với nhiều chính sách đãi ngộ để thu hút giáo viên lên miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, việc điều động, luân chuyển giáo viên đã có nhiều thuận lợi.

Giáo viên cắm bản. Ảnh minh họa: IT
Giáo viên cắm bản. Ảnh minh họa: IT

Tuy nhiên, trong thực tế, việc “đi dễ, về khó” vẫn luôn là nỗi niềm của nhiều giáo viên từ vùng thuận lợi luân chuyển đến vùng khó khăn.

Còn nhiều trăn trở

Nằm trên địa bàn đặc biệt khó khăn, Trường Tiểu học và THCS Ea Trol (Sông Hinh, Phú Yên) hiện có 54 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Theo thầy Lê Xuân Thiều, Phó Hiệu trưởng nhà trường, trong số các giáo viên của trường, chỉ 4 người có hộ khẩu thường trú tại địa bàn xã; còn lại đều là người ở địa bàn khác, đặc biệt có nhiều người sinh sống tại thành phố Tuy Hòa và thị xã Đông Hòa - cách trường trên 60 cây số.

“Ở bậc THCS có 3 cô giáo đã công tác tại trường gần 20 năm, tha thiết có nguyện vọng xin chuyển về gần nhà công tác. Tuy nhiên, chuyển được về là quá khó vì những vùng thuận lợi gần như đã thừa giáo viên”, thầy Thiều chia sẻ. Nêu quan điểm về chủ trương luân chuyển, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Ea Trol, cho rằng: Đây là giải pháp điều tiết đội ngũ, tạo được mặt bằng giáo viên trong một địa phương, tránh thừa thiếu giáo viên cục bộ. Cách làm này cũng tạo động lực cho các thầy cô được điều chuyển đến công tác tại vùng khó khăn phấn đấu để được trở về theo nguyện vọng. Tuy nhiên, trên thực tế việc này vẫn còn gặp nhiều khó khăn bất cập.

Từng gần 10 năm công tác trong ngành Giáo dục, bà Hồ Thị Minh, Phó ban Dân tộc tỉnh, Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Quảng Trị trăn trở về những vướng mắc còn tồn tại trong công tác luân chuyên giáo viên. “Công tác luân chuyển cán bộ quản lý đã có bước chuyển tốt. Nhiều địa phương thực hiện luân phiên cán bộ, bảo đảm không ai quá 2 nhiệm kỳ công tác. Điều này nhận được sự đồng tình và đánh giá cao. Tuy nhiên, luân chuyển giáo viên vẫn còn nhiều trăn trở”.

Đưa nhận định này, bà Hồ Thị Minh dẫn chứng câu chuyện về một thầy giáo, đã công tác ở trường vùng khó hơn 20 năm, nhiều lần làm đơn nhưng vẫn chưa được chuyển về dạy học tại quê nhà. Hoặc câu chuyện về một cô giáo mà mình từng công tác cùng trường, nhiều năm nay vẫn chưa hiện thực được nguyện vọng luân chuyển từ trường vùng khó về để gần gia đình.

“Là trẻ mồ côi cha mẹ từ nhỏ, giáo viên đó đã nỗ lực phấn đấu, đạt được danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, huyện, tỉnh. Thời gian sau, cô được điều đi dạy ở trường trong bản. Vì chồng là con một, làm công việc lái xe đường dài, nhà còn cha mẹ già, nên sau một số năm công tác, cô có nguyện vọng được chuyển về Đông Hà để chăm sóc cha mẹ chồng nhưng không được xem xét vì không có chỉ tiêu”. Kể lại câu chuyện này, bà Hồ Thị Minh cho rằng những câu chuyện tương tự như vậy không phải là ít.

Giờ học của cô trò Trường Tiểu học và THCS Ea Trol (Sông Hinh, Phú Yên). Ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19. Ảnh: NTCC
Giờ học của cô trò Trường Tiểu học và THCS Ea Trol (Sông Hinh, Phú Yên). Ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19. Ảnh: NTCC

“Tự bơi” chiều về

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thời hạn luân chuyển nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là 3 năm đối với nữ và 5 năm với nam. Sau khi hoàn thành thời hạn phục vụ nêu trên, thầy cô được cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo có thẩm quyền sắp xếp luân chuyển công tác đến nơi không thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nguyên tắc luân chuyển cũng được quy định rất rõ ràng.

Tuy nhiên, theo Phó ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, thực tế triển khai tại địa phương thì không được đúng như vậy. Giáo viên luân chuyển đi thì dễ, nhưng trở về lại khó vô cùng. Thông thường, khi giáo viên được luân chuyển đến công tác ở vùng khó khăn, khi đủ điều kiện họ không khó xin địa phương nơi đang công tác cho đi, nhưng được đi rồi thì về đâu mới là nan giải. Thầy cô thường phải “tự bơi” để tìm được chỗ quay về bởi trường vùng thuận lợi thường đủ giáo viên, tìm được chỗ để về không hề đơn giản.

“Việc một giáo viên phải luân chuyển và công tác quá lâu ở vùng khó mà không đạt được nguyện vọng trở về gia đình có thể làm giảm, thậm chí mất đi nhiệt huyết, động lực làm việc. Đây là điều đáng tiếc và sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Bởi vậy, tôi cho rằng công tác luân chuyển giáo viên cần làm đúng theo quy định của Bộ GD&ĐT, nhất là thời gian luân chuyển. Bên cạnh tăng cường kiểm tra, giám sát công tác này, có thể đưa vào đánh giá thi đua và đơn vị nào không thực hiện đúng thì quy trách nhiệm rõ ràng và xử lý nghiêm”, bà Hồ Thị Minh nêu quan điểm.

Thầy Lê Xuân Thiều cùng nhận định: “Chiều đi” vẫn còn có tồn tại, nhưng khó khăn nhất là “chiều về”. Lý do chính, nơi về thường là vùng thuận lợi hơn và đã thừa giáo viên. Hơn nữa nếu chuyển về thì địa phương, đơn vị có giáo viên chuyển đi đã thiếu giáo viên nay lại càng thiếu.

Để làm tốt công tác luân chuyển, đặc biệt là giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn, thầy Lê Xuân Thiều cho rằng: Sở Nội vụ cần thống kê tất cả lực lượng giáo viên trên toàn tỉnh và nhu cầu tuyển mới hằng năm, nhu cầu luân chuyển của từng người cụ thể để xây dựng đề án chi tiết, tạo tính pháp lý trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt, công tác luân chuyển và tuyển mới phải gắn liền với nhau. Ưu tiên tuyển mới cho những vùng khó khăn và luân chuyển những giáo viên đã công tác lâu năm ở những vùng này về theo nguyện vọng.

“Hệ lụy từ việc này có lẽ ai cũng biết. Có câu “an cư mới lạc nghiệp”, thầy cô yên ổn gia đình mới yên tâm cống hiến. Giáo viên xa gia đình, hoặc ở quá xa nên đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến công việc, chất lượng giảng dạy. Có thầy cô 4 – 5 giờ sáng đã phải lên đường để có mặt tại trường cho kịp giờ vào lớp, 5 - 10 cây số ở đồng bằng là bình thường, nhưng ở vùng núi đây là quãng đường rất khó khăn vất vả, nhất vào mùa mưa lũ” - thầy Thiều trăn trở.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ