Luồng gió mới
Từng là giáo viên, rồi làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thọ Sơn (TP Việt Trì, Phú Thọ), cô Nguyễn Thị Minh Thịnh được điều động về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng với kỳ vọng sẽ mang một “luồng gió mới” để cải thiện chất lượng giáo dục đến với ngôi trường nằm ở cuối thành phố này.
Đáp lại niềm tin của lãnh đạo TP Việt Trì, cô Thịnh cùng tập thể nhà trường từng bước xây dựng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng trở thành “lá cờ đầu” của ngành Giáo dục địa phương. Cô chia sẻ: Trước kia, cơ sở vật chất nhà trường chưa được khang trang thì nay được khắc phục. Điều cô tâm đắc nhất đó là đã sửa chữa, nâng cấp khu nhà vệ sinh cho học sinh sạch, đẹp, không kém gì khách sạn 4 sao.
Đặc biệt chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên rõ rệt. Cô Thịnh cho biết: Trước kia, học sinh của trường đoạt giải cao nhất là cấp quốc gia, nay đã có học sinh đoạt giải quốc tế. Đơn cử như năm học 2018 - 2019, nhà trường có 39 giải quốc tế. Ngoài ra, trung bình mỗi năm học sinh của trường đạt từ 60 đến trên 100 giải quốc gia các loại.
Từ thực tế của bản thân, cô Thịnh cho rằng, việc luân chuyển giáo viên, nhà giáo có những tác dụng và hiệu quả nhất định.
Từ đất liền, thầy Lê Văn Mạnh được ngành Giáo dục tỉnh Khánh Hòa cử đến đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) để dạy học. Thầy Mạnh nhớ lại, ngày mới đến đảo, mọi thứ không như những gì thầy từng tưởng tượng. Khó khăn thiếu thốn đủ bề, học trò nhút nhát, thiếu kỹ năng; phụ huynh chưa thực sự cởi mở và chưa chăm lo cho con cái ăn học.
Sau bao nỗ lực cố gắng của thầy cùng một đồng nghiệp khác, mọi thứ đã được thay đổi. Học sinh của thầy mạnh dạn hơn, học được nhiều kỹ năng sống. Các em đã ý thức được việc học và ngày càng được bồi đắp thêm tình yêu với biển đảo quê hương.
“Tôi làm tất cả những gì có thể chỉ mong các em có được con chữ. Thiếu đồ dùng học tập, tôi lấy trái bàng vuông, vỏ ốc để dạy các em. Tôi cũng chủ động nói chuyện, giao tiếp với phụ huynh để cùng phối hợp giáo dục con cái” - thầy Mạnh chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh về việc mình được điều động đến dạy học ở đảo là vinh dự và tự hào. Ở đó, thầy học được nhiều điều và thấy mình trưởng thành hơn trong nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống.
“Kích cầu” chất lượng
Mặc dù được chuyển về công tác tại đất liền (Trường THCS Nguyễn Huệ (Vạn Ninh)) nhưng với thầy Mạnh, “việc luân chuyển giáo viên như một giải pháp “kích cầu” cho chính cá nhân nhà giáo và cho ngôi trường mà mình đến nhận công tác. Nhận nhiệm vụ ở môi trường mới, buộc giáo viên phải vận động, sáng tạo để thích nghi với đồng nghiệp mới, học sinh mới và phụ huynh mới”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Tuấn Tứ - đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa nhấn mạnh: Luân chuyển giáo viên chính là chúng ta đang thổi hồn cho những vùng đất mới. Đây là việc nên làm và cần phát huy theo chiều hướng tích cực, tất cả vì mục tiêu chung là nâng cao chất lượng giáo dục.
Ông Lê Tuấn Tứ dẫn giải: Thực tế, chủ trương luân chuyển giáo viên đã phát huy hiệu quả. Đơn cử, nếu chúng ta không thực hiện luân chuyển giáo viên ra quần đảo Trường Sa để dạy học sẽ rất khó để đáp ứng được mục tiêu giáo dục. Khi thực hiện việc tiếp nhận, luân chuyển giáo viên ra đảo, chất lượng giáo dục đã thực sự khởi sắc, học sinh phát triển toàn diện và hoàn toàn có thể thích ứng học tập khi các em chuyển về đất liền.
Lấy ví dụ từ thực tế, bà Hồ Thị Minh - đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị trao đổi: Chúng ta đã thực hiện điều động, luân chuyển giáo viên từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn để dạy học. Chủ trương này đã tạo ra những hiệu ứng giáo dục tích cực trong xã hội.
Thứ nhất, số lượng học sinh đến lớp nhiều hơn, một phần có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ giáo viên “cắm bản”, họ đã lặn lội đến các gia đình để vận động học sinh đến trường. Thứ hai, chất lượng giáo dục của vùng đặc biệt khó khăn được nâng lên rõ rệt, rút ngắn khoảng cách với vùng thuận lợi. Thứ ba, ở một góc độ nào đó, khi được luân chuyển công tác, chính các thầy, cô cũng có thêm trải nghiệm trong nghề và được trang bị thêm nhiều kiến thức, năng lực nghề nghiệp và kinh nghiệm sống.