Luân chuyển giáo viên: Dùng dằng kẻ ở, người đi...

Luân chuyển giáo viên: Dùng dằng kẻ ở, người đi...

Ở đâu mình cũng là nhà giáo

Thầy giáo Dương Văn Cương (GV Vật lý, Trường THPT Chu Văn An, Đại Lộc, Quảng Nam) được nhắc đến như một câu chuyện đẹp về tinh thần sẻ chia cùng đồng nghiệp trong đợt thực hiện luân chuyển GV của Sở GD&ĐT Quảng Nam.

Đầu năm học 2019 – 2020, Sở GD&ĐT Quảng Nam tiến hành điều động, luân chuyển khoảng 100 GV bậc THPT để cân đối tình trạng thừa – thiếu GV cục bộ. Ở bộ môn Vật lý, Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển (Đại Lộc, Quảng Nam) thừa hai GV, trong khi Trường THPT Chu Văn An (Đại Lộc, Quảng Nam) lại thiếu GV môn này.

Sau khi xem xét hoàn cảnh cũng như tiêu chí, 2 GV nữ môn Vật lý của Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển thuộc diện luân chuyển đi các trường khác với thời gian là 1 năm. Riêng thầy Dương Văn Cương không nằm trong diện đi “nghĩa vụ” vì trước đó, thầy đã có 5 năm dạy học tại Trường THPT Tây Giang (Quảng Nam) thuộc huyện miền núi Quảng Nam và mới được luân chuyển về đồng bằng từ năm 2015.

“Xét hoàn cảnh hai GV này đều khó khăn vì con còn nhỏ, đường sá đi lại xa xôi, lại là nữ nên mình tình nguyện đi thay đồng nghiệp” – thầy Cương giải thích việc mình xung phong nằm trong diện GV được điều động rất nhẹ nhàng. Nhận nhiệm sở ở Trường THTP Chu Văn An, quãng đường đến trường của thầy Cương dài thêm khoảng 6 - 7km, tổng cộng cả đi lẫn về là trên dưới 40km mỗi ngày.

“Được Ban giám hiệu Trường Chu Văn An tạo điều kiện trong bố trí thời khóa biểu để không phải di chuyển quá nhiều nên mỗi tuần mình chỉ đến trường 4 ngày, ngày thứ 2 - 3 và chiều thứ 5 - 6 chứ không phải ngày nào cũng có tiết. Mình hiểu đây là sự linh động của ban giám hiệu trong phân công đứng lớp” - thầy Cương cho biết.

 Khi biết mình tình nguyện luân chuyển thay các cô giáo trong tổ, gia đình cũng nói ra nói vào chuyện này, vì mình không nhận đi cũng không sao, nhưng sau khi giải thích bà xã cũng “thông”. Mình đã có 5 năm công tác ở vùng miền núi, ở nhà công vụ, cũng cơm niêu nước lọ, vợ ở nhà có con nhỏ mà không chia sẻ gì được nên hai vợ chồng đều “thấm” những khó khăn do công tác xa nhà. 
Thầy Cương chia sẻ

Thầy Dương Văn Cương cho rằng, gần như GV nào trong diện luân chuyển cũng đều có những băn khoăn, lo lắng, “áp lực tâm lý là rất lớn” khi phải di chuyển xa, thậm chí xa gia đình nếu đơn vị công tác mới nằm ở vùng miền núi khó khăn. Thế nhưng, “sắp tới, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong bối cảnh HS được chọn tổ hợp môn, tình trạng GV thừa - thiếu cục bộ trong một năm học sẽ diễn ra ở nhiều trường với nhiều môn học. GV vì vậy sẽ phải làm quen dần với việc điều động, luân chuyển hoặc sẽ phải dạy liên trường” - thầy Cương nhận xét.

Hành trang của GV miền núi Quảng Trị trở lại trường sau thời gian nghỉ hè
Hành trang của GV miền núi Quảng Trị trở lại trường sau thời gian nghỉ hè

Chọn cách... chấp nhận

Do tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ nên mấy năm gần đây, Sở GD&ĐT Quảng Trị đã điều động, luân chuyển GV để điều tiết đủ GV đứng lớp. Theo đó, tình trạng thiếu GV chủ yếu tập trung ở các trường vùng khó. Thời gian thực hiện “nghĩa vụ” luân chuyển là 2 năm đối với GV nữ và 3 năm đối với GV nam. Khi thực hiện luân chuyển, Sở GD&ĐT Quảng Trị đều tổ chức gặp mặt các GV được điều động.

Bà Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cho biết: “Một số GV cũng có tâm tư, tâm lý chần chừ là điều không tránh khỏi. Nhưng Sở cũng giải thích là bất cứ GV nào chưa đi dạy học ở miền núi trước sau gì cũng phải đi, mình có đi thì anh em mới về được. Đối với những GV đã có thời gian công tác ở các trường đặc biệt khó khăn Sở sẽ không điều động trở lại vùng khó”.

Tại Thanh Hóa, tình trạng GV đi dễ khó về diễn ra nhiều năm nay. Thầy Chung Trường Thành – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Mèo (huyện vùng biên Quan Sơn) lên nhận công tác từ năm 1993. Hết thời gian đi “nghĩa vụ”, thầy Thành nhiều lần làm đơn xin chuyển công tác về xuôi nhưng đều không thành. Vậy là thầy quyết định kết duyên với cô giáo cùng quê ở huyện Hậu Lộc, cũng lên nhận “nghĩa vụ” ở huyện Quan Sơn. Có gia đình rồi, thầy Thành cố gắng “xoay xở” xin cho vợ trở về quê sau khi đã đóng góp “nghĩa vụ” 9 năm ở vùng biên giới này. Còn thầy xác định “chấp nhận, an phận” cống hiến sức lực, trí tuệ cho ngành đến khi về hưu.

“Từ quê lên đơn vị dù hơn 200km nhưng may đường sá đã thuận tiện lắm rồi. Từ khi xin chuyển công tác cho vợ về quê, mình cũng thấy an tâm. Năm nay, con trai đầu lòng đã vào đại học năm thứ 2, con gái út cũng lên lớp 6. Hơn nữa, mẹ các cháu lại được chuyển về dạy ở huyện Hậu Lộc, nên không còn khó khăn như trước nữa. Vì thế, mình quyết định ở lại trên này tiếp tục cống hiến cho đến tuổi về hưu. Điều cơ bản nhất hiện giờ là có “hậu phương” vững chắc rồi”, thầy Thành bộc bạch.

 Trước kia, bản thân tôi nhiều lần làm đơn xin chuyển công tác về xuôi cho gần gia đình nhưng khó quá, còn bây giờ, việc đó lại càng không dễ chút nào. Bởi lẽ, các trường ở dưới xuôi đang thừa GV, còn cán bộ quản lý thì đã ổn định hết rồi. Mình không thể xin về, để bỗng dưng thay thế một người quản lý nào đó. Hơn nữa, điều kiện giao thông, đi lại đã thuận tiện hơn trước, trong khi đó chế độ lương bổng cũng ngày càng được Nhà nước quan tâm cho GV vùng khó... Vì thế, tôi xác định sẽ ở lại cho tới khi đến tuổi nghỉ chế độ. 
Thầy Tuấn Anh cho hay

Cùng chung suy nghĩ như thầy Thành, thầy Lưu Tuấn Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Trung Sơn (Quan Hóa), kể: Năm 1998 lên nhận công tác ở Trường THCS Hiền Kiệt, sau đó được điều chuyển công tác đi rất nhiều trường vùng xâu, vùng xa của huyện Quan Hóa. Và đến bây giờ, thầy Tuấn Anh lại được huyện điều chuyển lên Trường THCS Trung Sơn – một ngôi trường xa xôi, khó khăn nhất của huyện. Còn vợ và con của thầy đang sống cùng ông bà ngoại ở huyện Yên Định. Mỗi tháng, thầy Tuấn Anh tranh thủ về xã Mỹ Lộc, huyện Hậu Lộc thăm bố, mẹ đẻ của mình một lần.

Câu chuyện của thầy Thành, thầy Tuấn Anh cho thấy, luân chuyển GV từ vùng khó về miền xuôi ở Thanh Hóa không đơn thuần hết thời gian “nghĩa vụ” sẽ về. Nguyên nhân có nhiều trong đó phải kể đến việc “thả nổi” cơ chế một thời cho những người đứng đầu chính quyền thoải mái ký tiếp nhận, điều chuyển GV một cách “vô tội vạ”. Vì lẽ đó, nơi thừa cứ thừa, chỗ thiếu cứ thiếu diễn ra và hàng nghìn GV đi theo diện “nghĩa vụ” bị mắc kẹt bởi cơ chế, nên họ đành chọn cách... “chấp nhận” là vậy.

Cô Mai Thị Lâm, Trường PTDT BT THCS Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) vẫn chờ ngày được về xuôi
 Cô Mai Thị Lâm, Trường PTDT BT THCS Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) vẫn chờ ngày được về xuôi

Gỡ bỏ áp lực tâm lý cho GV

Ngoài thầy Dương Văn Cương, năm học 2019 - 2020 này, Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển (Đại Lộc, Quảng Nam) có thêm 3 GV Tổ Ngữ văn nằm trong diện luân chuyển. Khi nhận quyết định luân chuyển, ai cũng băn khoăn, lo lắng, thậm chí có người đã khóc khi cầm quyết định điều động vì không ghi thời gian luân chuyển. Băn khoăn lớn nhất của GV thuộc diện điều động là thời gian luân chuyển công tác trong bao lâu, hết thời gian luân chuyển có được quay về lại giảng dạy ở trường cũ hay không?

Những thắc mắc này, ban giám hiệu các trường có GV trong diện luân chuyển đã chuyển đến lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Nam, đề nghị ghi rõ thời gian thực hiện luân chuyển trong quyết định điều động. Cả lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Nam cũng như ban giám hiệu các trường đều có cam kết sẽ tạo điều kiện cho GV được điều động trở lại trường cũ công tác.

Dù quy định thời gian thực hiện luân chuyển với GV nữ từ 2 - 3 năm hoặc 5 năm với nam nhưng theo bà Lê Thị Hương có thể rút ngắn lại tùy theo tình hình đội ngũ thực tế tại trường cũ nơi GV được điều động đi “nghĩa vụ”.

Một kinh nghiệm nữa trong thực hiện công tác luân chuyển, điều động GV, theo như ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam, thay vì trao quyền cho hiệu trưởng các trường trong việc lựa chọn GV luân chuyển như trước đây, Sở GD&ĐT Quảng Nam quyết định trao cho các tổ chuyên môn bàn bạc, thảo luận dưới sự chủ trì của tổ trưởng tổ chuyên môn.

“Trên cơ sở thống nhất biên bản của tổ chuyên môn, ban giám hiệu các trường sẽ chuyển tờ trình lên sở. Sở cũng chưa ra quyết định ngay mà phải kiểm tra lại, xem việc thực hiện có đúng quy trình không, các ý kiến cá nhân trong biên bản có đúng không. Nếu đúng mới ra quyết định, còn không thì phải thực hiện lại” – ông Quốc cho biết.

Những trường hợp GV nằm trong diện điều đi vùng khó nhưng có hoàn cảnh khó khăn như con bị khuyết tật, tai nạn, ốm đau… sở sẽ có bộ phận tiếp nhận hồ sơ để thẩm tra, giải quyết. Chính vì đảm bảo sự công khai, minh bạch, tôn trọng ý kiến của từng tổ viên tổ chuyên môn nên những GV nằm trong diện luân chuyển, điều động đều cảm thấy thoải mái khi nhận nhiệm vụ và nói như ông Quốc là “không có điều tiếng gì về việc chạy chọt”.

Trường hợp của thầy Dương Văn Chương là câu chuyện “dễ thương” nhất trong những trường hợp luân chuyển. Nói “dễ thương” cũng phải thôi bởi gần như GV nào khi có quyết định điều động, luân chuyển đều có nguyện vọng xin ở lại trường cũ vì lý do cá nhân. 
                                                                          Ông Hà Thanh Quốc 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.