Luân chuyển giáo viên: Để nước mắt thôi rơi

Luân chuyển giáo viên: Để nước mắt thôi rơi

Góc khuất cần làm rõ

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) - cho biết: Sau nhiều ý kiến của GV, cử tri, huyện Hướng Hóa đã xây dựng đề án về luân chuyển cán bộ, GV, đến nay đề án thực hiện được khoảng 4 năm. Đơn vị xây dựng đề án là Phòng Nội vụ của huyện, người ký ban hành là Chủ tịch huyện, không cần thông qua Ban Thường vụ cấp địa phương. Việc triển khai đề án không có đơn vị nào giám sát, kể cả Hội đồng nhân dân huyện.

“Có GV làm việc từ 10 - 20 năm trong bản nhưng không được luân chuyển, trong khi quy định thời gian luân chuyển với nữ là 3 năm, nam là 5 năm. Dù được trả lời là do những GV này không có nhu cầu, nhưng tôi cho rằng không phải vậy. Trên thực tế, nhiều GV có nhu cầu nhưng không dám làm hồ sơ nếu không chắc chắn được chuyển. Thực ra chế độ vùng sâu, vùng xa có cao gấp đôi đi chăng nữa cũng không bằng được gần gia đình, gần con” - đại biểu Hồ Thị Minh nói.

 Đối với việc luân chuyển cán bộ, GV, phải thành lập một hội đồng, bao gồm nhiều cơ quan, đơn vị, đủ các ban bệ theo phân cấp. Tại địa phương, tôi cũng đã có ý kiến này và đề nghị hội đồng huyện hằng năm phải tổ chức giám sát chuyên đề. Làm quyết liệt từng bước một, tôi tin việc luân chuyển cán bộ, GV sẽ có chuyển biến tốt. 
Đại biểu Hồ Thị Minh

Với công tác luân chuyển cán bộ, đại biểu Hồ Thị Minh chia sẻ: “Nếu đề án được tuân thủ thì sau 5 năm dạy ở vùng thuận lợi, GV phải vào vùng bản 3 năm; rải đều như vậy sẽ không có gì trăn trở. Nhưng thực tế, đề án có thực thi đúng, hiệu quả hay không đến nay chưa có con số báo cáo chính xác, chưa có cơ quan giám sát để nắm được quy trình đó đúng hay sai, mà chỉ có Trưởng phòng Nội vụ và Chủ tịch UBND huyện biết. Đó là hạn chế, bất cập mà tôi nghĩ phải thay đổi”.

Để làm tốt đề án luân chuyển GV, theo bà Minh, ngành GD cần đưa ra quy định phải luân chuyển cán bộ đồng đều, đơn vị, địa phương nào không làm được sẽ đánh giá thi đua. Và quan trọng nhất, khi quy định được đưa ra phải có nhiều cấp để giám sát thực hiện. Việc luân chuyển buộc phải thông qua Ban Thường vụ, không phải chỉ Chủ tịch UBND ký ban hành… Nếu đơn vị nào không thực hiện đúng thì quy trách nhiệm rõ ràng, xử lý nghiêm.

Công tâm, công bằng, minh bạch

Những năm qua, Nhà nước có các quy định về luân chuyển GV, viên chức cùng nhiều chính sách đãi ngộ để thu hút GV đến với miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, nhờ vậy việc điều động, luân chuyển GV đã có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Thuỷ (Phú Thọ) - cho biết: Trong thực tế, công tác tổ chức cán bộ, công chức, viên chức luôn là vấn về nan giải, phức tạp, vì đụng chạm đến lợi ích sát thực của từng cá nhân.

Để luân chuyển vừa đáp ứng yêu cầu công tác, vừa bảo đảm nguyện vọng của GV là việc không dễ. Vấn đề đặt ra là làm sao để họ yên tâm công tác, có định hướng để trau dồi chuyên môn, trình độ năng lực của mình. Có nhiều nơi làm tốt, nhưng cũng còn những nơi làm không tốt, thiếu công bằng.

Thực tế, với địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH), điều kiện giao thông giữa các vùng miền tương đối tương đồng, việc điều động, luân chuyển GV không quá khó khăn. Nhưng địa phương có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, giao thông không thuận tiện, điều kiện KT-XH, phong tục tập quán giữa các vùng, miền nhiều khác biệt, sẽ gặp nhiều khó khăn trong thực thi nhiệm vụ này. Với GV miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, Nhà nước đã có nhiều chính sách đãi ngộ để thu hút. Tuy nhiên, đãi ngộ đó cũng chưa thỏa đáng, chưa bù đắp được khó khăn về vật chất, thiếu hụt về đời sống tinh thần của các thầy cô.

Để điều chuyển GV thuận lợi, hợp tình, hợp lý, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Địa phương và ngành GD cần làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền để GV hiểu, chia sẻ và thấy rõ trách nhiệm của mình. Việc luân chuyển GV cũng cần phải thực hiện một cách căn cơ, bài bản, không chỉ bảo đảm về mặt cơ học, mà phải đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ công tác. Không điều chuyển GV có năng lực thực thi nhiệm vụ hạn chế, yếu kém từ vùng thuận lợi đến các vùng khó khăn, mà phải coi trọng xem xét nhu cầu, cái yếu, cái thiếu, cần thiết của nơi thiếu GV để điều động luân chuyển người phù hợp, có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Cũng cần xem xét kĩ khi thực hiện điều chuyển GV dư thừa của bậc THPT, THCS xuống dạy mầm non, tiểu học, bởi có sự khác biệt khá lớn về tâm lí lứa tuổi học sinh, sự đa dạng các môn học. Bản thân GV THPT, THCS chắc chắn cũng không muốn điều này. Việc đào tạo, bồi dưỡng lại cho các GV này cũng rất tốn kém và không thực sự hiệu quả. Hơn nữa, mầm non, tiểu học là nền móng cho các cấp học sau, do đó, HS mầm non, tiểu học rất cần được quan tâm GD bài bản, chuẩn mực ngay từ những ngày đầu đến trường.

“Một trong những vấn đề cần đặc biệt quan tâm với việc điều động, luân chuyển GV đến những vùng khó khăn là phải có hạn định thời gian cụ thể và phải bảo đảm đúng hạn định để họ yên tâm công tác, đến khi hoàn thành nhiệm vụ được trở về đơn vị cũ hoặc nơi thuận lợi hơn. Nhà nước, địa phương cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng hơn nữa để bù đắp khó khăn về vật chất, thiếu hụt về đời sống tinh thần của các thầy cô ở vùng miền thực sự khó khăn, nhất là GV công tác ở các trường, điểm trường phải đi bộ hàng giờ mới đến được” - ông Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị.

Điều động, luân chuyển GV vùng thuận lợi đến công tác ở vùng khó khăn là biện pháp quản lý cần thiết nhưng hết sức nhạy cảm. Vì vậy, việc xây dựng, ban hành các văn bản quy định, tiêu chuẩn, điều kiện luân chuyển GV cần cụ thể, rõ ràng, công khai. Các nhà lãnh đạo, quản lý khi thực hiện điều động, luân chuyển GV cần xem xét mọi trường hợp kĩ lưỡng, công tâm, công bằng, minh bạch mới có thể nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao. 
                                                                  Ông Nguyễn Mạnh Hùng  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ