Làm rõ các phương án quy định về Kỳ thi THPT quốc gia

GD&TĐ - Một trong những vấn đề quan trọng Bộ GD&ĐT xin ý kiến góp ý dự thảo Luật GD (sửa đổi) có nội dung về thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH. Đây cũng là nội dung thu hút sự quan tâm của HS, cha mẹ HS, giáo viên và toàn xã hội.  

HS lớp 12 tìm hiểu các thông tin trước Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018
HS lớp 12 tìm hiểu các thông tin trước Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018

Sẽ có giấy chứng nhận hoàn thành GDPT?

Liên quan đến nội dung về thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, khoản 3 Điều 31 Luật GD 2005 có bất cập: Đối với những người đã học xong chương trình THPT nhưng không dự thi, hoặc dự thi nhưng không đỗ tốt nghiệp THPT, Luật không có quy định về hình thức công nhận hoàn thành chương trình GD phổ thông (PT) cho HS. Luật GD cũng chưa phân biệt giữa công nhận hoàn thành chương trình THPT và bằng tốt nghiệp THPT.

Luật GD 2005 cũng không có quy định việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH; việc tuyển sinh ĐH thuộc về quyền tự chủ của các trường ĐH đã được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH.

Từ những bất cập trên, Ban soạn thảo Luật GD (sửa đổi) đưa ra 2 hướng chỉnh sửa, bổ sung để xin ý kiến góp ý. Theo đó, phương án 1 bổ sung quy định tại Điều 32 dự thảo Luật như sau: HS học hết chương trình THPT mà không dự thi tốt nghiệp THPT hoặc không đỗ tốt nghiệp THPT thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT cho HS; đồng thời sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4 Điều 33 Luật GD nghề nghiệp. Phương án 2 đề xuất giữ nguyên như Luật GD hiện hành.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Nên giao việc đánh giá tốt nghiệp THPT cho các trường?

Góp ý cho dự thảo Luật về nội dung này có những ý kiến khác nhau. GS Đặng Bá Lãm (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) cho rằng, trong GD, “đánh giá hoàn thành” hay “đánh giá cuối cùng” chứng minh cho việc hoàn thành một chương trình. Thi tốt nghiệp một chương trình hay một cấp bậc học chính là đánh giá hoàn thành. Vì vậy không nên phân biệt giữa công nhận hoàn thành chương trình THPT và bằng tốt nghiệp THPT.

Theo GS Đặng Bá Lãm, thi tốt nghiệp THPT nên giao cho địa phương tự tổ chức, trước mắt là Sở GD&ĐT; sau này có thể phân cấp đến phòng, rồi đến trường. Còn tuyển sinh ĐH, CĐ là công việc của trường, hoàn toàn do các trường ĐH, CĐ quyết định.

Có ý kiến lo ngại nhiều nước sẽ không công nhận bằng tốt nghiệp do hiệu trưởng trường THPT cấp. Tuy nhiên, trên thế giới cũng có những nước giao việc đánh giá, cấp bằng tốt nghiệp THPT cho nhà trường. Tôi tin chắc rằng qua theo dõi tình hình, các nước sẽ công nhận bằng tốt nghiệp của những trường THPT tổ chức học tập và thi tốt nghiệp nghiêm túc. Điều này sẽ buộc các trường phải thi đua nâng cao chất lượng GD, bảo đảm chất lượng tốt nghiệp của mình.

 
GS Nguyễn Minh Thuyết

GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình GDPT - thì cho rằng: Tiếp tục duy trì cách thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH như hiện nay sẽ hạn chế việc dạy và học theo Chương trình GDPT mới; khó bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực HS. Thông thường, một cuộc thi toàn quốc hay toàn tỉnh chỉ có thể kiểm tra kiến thức và kĩ năng giải bài tập; như vậy, giáo viên vẫn phải tranh thủ thời gian cung cấp kiến thức, kĩ năng giải bài tập cho HS; còn HS vẫn học để đối phó và chịu áp lực nặng nề.

“Theo tôi, việc tổ chức thi tốt nghiệp quy mô toàn quốc hoặc toàn tỉnh tốn kém mà không cần thiết khi tỉ lệ tốt nghiệp năm nào cũng đạt 98% - 99%. Luật GD nên giao việc đánh giá tốt nghiệp cho các trường THPT. Nhà trường sẽ đánh giá HS dựa trên kết quả học tập, rèn luyện thực chất, trong đó chú trọng kĩ năng thực hành. Căn cứ kết quả tốt nghiệp tại trường, Giám đốc Sở GD&ĐT cấp bằng tốt nghiệp cho HS” - GS Nguyễn Minh Thuyết nêu quan điểm.

Vai trò của các trung tâm khảo thí

Đối với việc đánh giá để tuyển sinh ĐH, theo Tổng chủ biên chương trình GDPT, nên giao cho các trung tâm khảo thí được tổ chức ở ba miền. Mỗi năm, các trung tâm khảo thí có thể đánh giá từ 2 đến 4 lần. Các trường ĐH có thể căn cứ vào kết quả đánh giá này để tuyển sinh hoặc tổ chức thêm một kỳ thi/một cuộc phỏng vấn để lựa chọn những thí sinh thích hợp với ngành đào tạo.

Hiện nay, Việt Nam chưa có trung tâm khảo thí mạnh. Nhưng từ nay đến năm 2025, tức là lúc HS lớp 12 học theo Chương trình GDPT mới tốt nghiệp còn 7 năm nữa, chúng ta có thể đào tạo đội ngũ khảo thí chuyên nghiệp và chuẩn bị ngân hàng đề thi để thực hiện công việc này. Nếu cần, bước đầu có thể mời chuyên gia khảo thí quốc tế sang giúp đào tạo nhân lực kiểm định, xây dựng ngân hàng đề thi và tổ chức một vài kỳ thi đầu tiên.

Ngoài việc đánh giá kết quả học tập để tuyển sinh ĐH, các trung tâm khảo thí cũng sẽ được giao nhiệm vụ tổ chức khảo sát trên diện rộng (có thể là ở từng tỉnh) để thu thập thông tin về GD và đối chiếu với kết quả tốt nghiệp ở các trường. Trên cơ sở đối chiếu, cơ quan quản lý GD địa phương có thể xác định sự tương ứng giữa kết quả đánh giá của từng trường với kết quả khảo sát trên diện rộng, từ đó điều chỉnh “bệnh thành tích” của các trường.

Về việc sử dụng kết quả đánh giá kết quả học tập ở trường, theo GS Nguyễn Minh Thuyết, cũng nên có quy định HS không đạt kết quả được tiếp tục học theo lớp nhưng phải thi lại những môn chưa đạt yêu cầu. Nhà trường có trách nhiệm cử giáo viên hướng dẫn những HS này. Trong trường hợp cần thiết, nhà trường có thể mời chuyên gia GD, chuyên gia tâm lý tư vấn cho HS, cha mẹ HS và nhà trường để giúp những HS này đạt được yêu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chuyên gia đào tạo chia sẻ với học sinh Trường THCS Thành Công.

Cha mẹ hạnh phúc, con thành công

GD&TĐ - Chuyên đề Cha mẹ hạnh phúc, con thành công với góc nhìn mới, tầm quan trọng của "tam giác vàng" gia đình - trẻ em - thầy cô với sự phát triển của trẻ.