Lai Châu sẵn sàng chuyển "trạng thái" dạy - học khi cần

GD&TĐ - Nằm trong “vùng xanh” trước đại dịch Covid-19, các trường học trên địa bàn huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) đã linh hoạt trong phòng chống dịch để hoàn thành tốt mục tiêu giáo dục trong năm học mới.

Ngành GD&ĐT huyện Nậm Nhùn thực hiện tốt việc phòng chống dịch trong dạy học trực tiếp.
Ngành GD&ĐT huyện Nậm Nhùn thực hiện tốt việc phòng chống dịch trong dạy học trực tiếp.

Quan tâm nuôi dưỡng học sinh nhà xa trường

Năm học 2021-2022, huyện Nậm Nhùn có hơn 10.000 học sinh. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Nhùn, cho biết: “Đây là năm học đặc biệt bởi chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Cùng với đó, một số chế độ, chính sách không còn như hỗ trợ sách giáo khoa (SGK), vở viết theo Nghị quyết 34 HĐND tỉnh. Một số trường ở xã Pú Đao, Lê Lợi, Mường Mô về vùng I theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ nên không còn được hưởng hỗ trợ chế độ chính sách. Điều đó ảnh hưởng đến công tác huy động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số, nâng cao tỷ lệ chuyên cần”.

Năm học mới đã bước sang tuần thứ 2, song đến nay vẫn còn 4,8% học sinh toàn huyện chưa ra lớp. Trước tình hình trên, Phòng GD&ĐT đã tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện Nậm Nhùn có văn bản chỉ đạo và gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc huy động học sinh ra lớp. Hoạt động này được đặc biệt quan tâm tại thời điểm đầu năm học, các ngày lễ, hội và lúc bà con thu hoạch mùa vụ. Những học sinh thuộc các xã không còn chế độ hỗ trợ cũng được cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm, vận động thường xuyên.

Trường THCS Nậm Manh đảm bảo huy động học sinh ra lớp.
Trường PTDTBT THCS Nậm Manh đảm bảo huy động học sinh ra lớp.

Cùng với đó, các trường trên địa bàn khuyến khích học sinh tham gia trải nghiệm ở các khâu “trồng, nuôi, chăm sóc, thu hoạch” các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương. Tạo quỹ đất để hỗ trợ học tập và tăng gia cải thiện bữa ăn bán trú.

“Chúng tôi đã chỉ đạo các trường rà soát học sinh hằng ngày. Thống kê học sinh chưa ra lớp, báo cáo UBND xã thành lập các tổ đi vận động, đến tận gia đình học sinh để tuyên truyền. Giáo viên cũng phải nắm rõ hoàn cảnh của từng học sinh, thấu hiểu được những khó khăn của từng gia đình để có hình thức vận động phù hợp. Các trường cũng chú trọng tới công tác xã hội hóa để hỗ trợ cho học sinh tại vùng đặc biệt khó khăn. Quan tâm, nuôi dưỡng học sinh xa trường, không có điều kiện đi về trong ngày”, cô Thủy cho biết thêm.

"Nội bất xuất"...

Năm học này, trường THPT huyện Nậm Nhùn có 10 lớp với 511 học sinh. Ông Bùi Sỹ Tiếp, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là trọng tâm để tiến tới hoàn thành mục tiêu năm học. Chúng tôi đã chỉ đạo tập thể giáo viên, học sinh thực hiện tốt quy định về 5K. Cùng với đó, thực hiện việc quét mã QR đối với tất cả các khách vào trường. Thành lập Ban phòng chống dịch Covid-19, xây dựng các kịch bản để thực hiện đối phó".

Theo nội quy của nhà trường, học sinh trong ký túc xá được khuyến cáo hạn chế ra ngoài khi không có công việc thực sự cần thiết. Còn đối với học sinh thuê trọ bên ngoài hoặc đi - về trong ngày, khi vào trường phải thực hiện nghiêm quy tắc phòng dịch.

Em Trần Thị Hồng, học sinh lớp 12C1 chia sẻ: “Là lớp trưởng, em luôn gương mẫu thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch mà nhà trường đã đề ra. Cùng với đó, thường xuyên nhắc nhở các bạn trong lớp, tuyên truyền đến người thân, bạn bè đảm bảo an toàn trước đại dịch”.

Học sinh trường PTDTNT huyện Nậm Nhùn
Học sinh trường PTDTNT huyện Nậm Nhùn rửa tay sát khuẩn khi lên lớp

Tại trường PTDTNT huyện Nậm Nhùn, 100% học sinh ăn, ở nội trú. Ngay từ ngày tựu trường, toàn trường đã nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng dịch. Học sinh ở đây hầu như đều tự giác chấp hành nội quy của nhà trường trên tinh thần "nội bất xuất".

Bám sát chỉ đạo của Phòng GD&ĐT huyện, các trường trực thuộc trên địa bàn đang tập trung vận động phụ huynh có con học bán trú hạn chế đưa đón về nhà để hạn chế việc tiếp xúc với người bên ngoài. Trường hợp nào có việc buộc phải về thì giáo viên chủ nhiệm sẽ thường xuyên trao đổi với phụ huynh để cập nhật thông tin của học sinh mỗi ngày. 

Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Nậm Nhùn, đơn vị này đã chỉ đạo các trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục, giảng dạy một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình tại địa bàn. Trong đó, tận dụng tối đa thời gian “an toàn” để tổ chức dạy học trực tiếp. Khi có dịch, tùy vào tình hình thực tế để lựa chọn hình thức dạy học phù hợp. Nếu đơn vị nào kiểm soát, đảm bảo an toàn có thể đề xuất với cấp có thẩm quyền tiếp tục cho học sinh ăn, học trực tiếp tại trường. Như vậy, mỗi trường sẽ là một "pháo đài" để vừa học tập trực tiếp vừa chống dịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ