Hỗ trợ giáo viên phổ thông phát triển nghề nghiệp: Giảng viên sư phạm được gì?

GD&TĐ - Hoạt động bồi dưỡng, hỗ trợ giáo viên tự bồi dưỡng, sự gắn kết giữa giảng viên sư phạm và giáo viên phổ thông đem lại lợi ích kép.

Giảng viên ĐHSP - ĐH Huế hỗ trợ giáo viên cốt cán.
Giảng viên ĐHSP - ĐH Huế hỗ trợ giáo viên cốt cán.

Với các “vòng tròn chia sẻ và kết nối”, giảng viên không chỉ “cho đi” những thông tin hữu ích, mà còn được “nhận lại” vô số bài học quý giá cho nghề nghiệp, trao - nhận cơ hội để hợp tác và giao lưu học thuật. 

Cùng win – win

PGS.TS Lê Quang Sơn - Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng nhận xét: Cùng với việc nghiên cứu sâu về lý luận dạy học ĐH, giảng viên sư phạm cần phải đến với trường phổ thông để tìm hiểu thực tế dạy học ở trường phổ thông nhiều hơn nữa. Hỗ trợ giáo viên phổ thông phát triển nghề nghiệp thông qua các hoạt động bồi dưỡng, hỗ trợ bồi dưỡng cũng là cơ hội để rút ngắn khoảng cách giữa giảng viên với giáo viên phổ thông và trường phổ thông, góp phần nâng cao năng lực giảng viên.

Tương tác với giáo viên, nhà trường phổ thông là cách để các trường đào tạo sư phạm không bị “lạc lõng” trong quá trình thực hiện việc đổi mới. PGS.TS Lưu Trang – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng chia sẻ: Chưa bao giờ các trường sư phạm có sự gắn kết chặt chẽ với sở GD&ĐT; giảng viên sư phạm gắn kết với giáo viên phổ thông như hiện nay. Giảng viên sư phạm đã có sự nhìn nhận và thấu hiểu hơn công tác giảng dạy cũng như nắm bắt được nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên phổ thông, từ đó điều chỉnh hoạt động đào tạo cho phù hợp. Giáo viên phổ thông cũng có nhiều cơ hội để trao đổi, học hỏi và tham vấn trực tiếp các vấn đề về chuyên môn với giảng viên sư phạm, hiểu hơn về hoạt động đào tạo của trường sư phạm. Đây là thành công lớn của Chương trình ETEP.  

“Giảng viên, trong hoạt động  seminar, sinh hoạt chuyên đề bộ môn đều tăng cường kết nối với các tổ bộ môn của trường phổ thông để trao đổi, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, phương pháp. Kết hợp với đội ngũ CBQL, GV ở các trường phổ thông trong NCKH để cả đội ngũ giảng viên và SV sư phạm nắm bắt thực trạng đội ngũ giáo viên và việc giảng dạy ở trường phổ thông; tiếp nhận những phản hồi từ phía người sử dụng lao động cả về chương trình đào tạo, chất lượng SV… Đây sẽ là cơ sở để các trường sư phạm có những bước đi phù hợp với thực tiễn, hướng tới mục tiêu khi SV ra trường, bắt nhịp ngay sự đổi mới ở phổ thông và có thể dạy học ngay mà không cần phải tập huấn thêm”, PGS.TS Lưu Trang nhấn mạnh. 

PGS.TS Lê Anh Phương – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) dẫn chứng: Tập huấn các mô-đun là trải nghiệm giúp giảng viên làm đầy thêm vốn kinh nghiệm từ thực tiễn giáo dục phổ thông. Qua thiết kế kế hoạch dạy học thử nghiệm mang tính ứng dụng của giáo viên cốt cán, giảng viên chủ chốt học hỏi được rất nhiều về cách chuyển hóa yêu cầu cần đạt thành những hoạt động sinh động phù hợp lứa tuổi; cách mềm hoá các nguyên tắc sư phạm bằng nhiệm vụ học tập hấp dẫn; cách vận dụng kĩ thuật dạy học tích cực ở từng giai đoạn của bài học...

Tiếp cận và thâm nhập nội dung bồi dưỡng giáo viên, các giảng viên chủ chốt hiểu biết sâu sắc hơn về chương trình, về chiến lược giáo dục và định hướng nâng cao năng lực nghề nghiệp. Đặc biệt, việc gắn kết kiến thức, kĩ năng ở từng mô-đun với thực tiễn đặt ra yêu cầu đọc, xử lí thông tin một cách linh hoạt, khoa học nhằm đảm bảo các đường hướng đổi mới từ chương trình GDPT được chuyển tải một cách hiệu quả nhất, sát thực nhất, tinh gọn nhất. 

Vòng tròn chia sẻ và kết nối

TS Trần Văn Hưng (giảng viên chính, giảng viên sư phạm chủ chốt, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng) chia sẻ: Về mặt chuyên môn, giảng viên sư phạm là chuyên gia nghiên cứu, nhưng lợi thế của giáo viên phổ thông là thực tiễn dạy học rất phong phú. Sự kết nối cộng đồng giáo viên với giảng viên ĐH của những trường sư phạm trọng điểm, rồi giảng viên đại học với các học viên là giáo viên phổ thông, từ tiểu học cho đến THPT đã có sự bổ trợ giữa lý thuyết và thực tiễn. Có thể nói rằng, đây là kết nối cực kỳ tốt.

Trước đây, khi chưa diễn ra các hoạt động hỗ trợ giáo viên phổ thông phát triển nghề nghiệp, việc kết nối giữa giảng viên đại học với các trường phổ thông hầu như mờ nhạt, chỉ thông qua những buổi dự giờ, qua các đợt thực tập sư phạm của SV. Còn bây giờ có thể nói là kết nối chặt chẽ, tạo ra những nhóm để chia sẻ kinh nghiệm dạy học cũng như quá trình thiết kế bài dạy, cách tổ chức dạy học trên lớp. Đây là một trong những điều kiện giúp phát triển phẩm chất, năng lực người học bởi năng lực được hình thành thông qua hoạt động. Sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn sẽ giúp HS hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực một cách rõ ràng. 

Giảng viên Trương Thị Thanh Mai (Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng) cho rằng: “Từ những thông tin giữa giảng viên với các cấp quản lý và giáo viên phổ thông giúp cho chúng tôi hiểu hơn thực trạng dạy học tích hợp ở các trường phổ thông nhằm đề ra hướng nghiên cứu, phương pháp giảng dạy hiệu quả. Việc xây dựng, tổ chức dạy học tích hợp ở Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng vì vậy cũng được sát thực với chương trình phổ thông hơn”.

Giảng viên ngoài trực tiếp đóng góp, nhận xét cho việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, còn phải bám sát chương trình phổ thông để vận dụng thực tiễn vào đào tạo. Có hiểu biết chương trình phổ thông, giảng viên mới có thể xây dựng chương trình đào tạo giáo viên theo hướng hình thành và phát triển các năng lực thiết yếu cho nghề nghiệp dạy học. 

Ở một góc độ khác, PGS.TS Lê Anh Phương nhận xét: Cùng với quá trình tập huấn, giảng viên phát triển hơn các kĩ năng sư phạm như: Kĩ năng giao tiếp, lắng nghe và nắm bắt nhu cầu bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp của giáo viên từ thực tiễn; kĩ năng chia sẻ cảm xúc và tạo động lực để giáo viên sẵn sàng cho quá trình đổi mới; kĩ năng tự điều chỉnh các hoạt động, phương pháp sư phạm, cách thức tập huấn phù hợp với từng đối tượng, nhóm đối tượng, khu vực. 

Theo đánh giá của PGS.TS Lê Anh Phương: Với các “vòng tròn chia sẻ và kết nối”, giảng viên không chỉ “cho đi” những thông tin hữu ích mà còn được “nhận lại” vô số bài học quý giá cho nghề nghiệp, trao - nhận cơ hội để hợp tác và giao lưu học thuật. Đặc biệt, thông qua tập huấn mô-đun, giảng viên có điều kiện tương tác với mạng lưới giáo viên phổ thông ở nhiều tỉnh, thành, xây dựng môi trường sư phạm tích cực, thống nhất được các quan điểm phát triển giáo dục trong bối cảnh mới.

Tham gia Chương trình ETEP, các trường sư phạm đã kết nối chặt chẽ với nhà trường và giáo viên phổ thông. Chính sự kết nối này đem lợi ích cho cả hai bên. GV phổ thông được tiếp cận nhanh nhất, hiệu quả nhất nguồn kiến thức mới từ giảng viên sư phạm. Giảng viên sư phạm có cơ hội tiếp cận, ứng dụng nghiên cứu của mình vào thực tiễn, mang lại hiệu quả trong đổi mới GDPT, hiểu rõ hơn nhu cầu của GV phổ thông trong đào tạo, bồi dưỡng để thực hiện thành công đổi mới GDPT. - TS Lê Quang Vượng (Phó ban điều phối Chương trình ETEP - Trường Đại học Vinh)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ