Giáo viên vùng cao chung tay góp sức mua SGK mới cho học trò

GD&TĐ - Để đảm bảo không em nào thiếu sách trong năm học mới, các trường học miền núi Quảng Bình đang nỗ lực kêu gọi sự giúp đỡ từ nhiều các nhân, tổ chức xã hội.

Học sinh Trường Phổ thông Bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình)
Học sinh Trường Phổ thông Bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình)

Nỗi lo thiếu sách cho học sinh

Trường phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy) là một trường học nằm ở vùng biên giới xa xôi của tỉnh Quảng Bình, toàn trường hiện có 341 em học sinh chủ yếu là người Bru Vân Kiều. Chuẩn bị cho năm học mới nhà trường đã hoàn thành các khâu và chuẩn bị tâm thế cho công tác dạy và học trong năm học mới.

Tuy nhiên khó khăn lớn nhất hiện nay của nhà trường đó là học sinh đa phần là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn nên việc để mua các bộ sách mới với giá cao hơn bộ sách hiện hành cũng là một điều hết sức vất vả.

Giá thành SGK mới là nỗi lo của nhiều học sinh, phụ huynh vùng khó khăn
Giá thành SGK mới là nỗi lo của nhiều học sinh, phụ huynh vùng khó khăn

Theo thầy Ngô Mậu Tình, Phó Hiệu trưởng, hiện nhà trường cũng đang nỗ lực kêu gọi hỗ trợ để đáp ứng đầy đủ sách giáo khoa mới cho học sinh. Không chỉ riêng đối với SGK lớp 2 và lớp 6, hàng năm ngành giáo dục địa phương và nhà trường phải hỗ trợ cho khoảng 50% học sinh toàn trường có điều kiện và hoàn cảnh khó khăn được có sách để đến lớp học tập.

Thầy Tình cũng cho biết thêm, hiện nhà trường mới chỉ tiếp cận bản PDF và bên nhà xuất bản cũng chưa công bố giá cụ thể. Nhưng theo nhận định chung thì bộ sách giáo khoa mới lớp 2 và lớp 6 sẽ có giá cao hơn bộ sách hiện hành bởi về về in ấn cũng như giấy có thẩm mỹ, chất lượng cao hơn.

Đối với SGK lớp 1 năm học vừa rồi, về chất lượng giấy và in ấn đẹp hơn, nhưng nhược điểm là sách rất dễ tách rời, tuổi thọ không được lâu như các bộ sách hiện hành. Vì vậy, việc tận dùng sách giáo khoa để sử dụng vào các năm sau không nhiều.

Thầy trò cùng vượt khó

Trường Tiểu học và THCS Trọng Hóa 2 (huyện Minh Hóa) cũng đang nỗ lực hết sức để các em học sinh có đầy đủ sách giáo khoa trong năm học mới.

Thầy Cao Viết Hương, Hiệu trưởng nhà trường thông tin: Trường hiện có 501 học sinh, 100% đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, người Khùa chiếm 60% và 40% là người Mày. Trình độ dân trí cũng như sự quan tâm của phụ huynh đối với công tác học tập của con em chưa được chú trọng.

Nhà trường phải thường xuyên tuyên truyền vận động bà con để các em đến trường theo đuổi con chữ. Cũng vì điều kiện kinh tế khó khăn nên năm ngoái giá một bộ sách mới rơi vào khoảng hơn 190 nghìn đồng và nhiều phụ huynh học sinh không thể mua được.

Các năm trước đây, trường Tiểu học và THCS Trọng Hóa 2 phải trích ra khoảng 20 triệu đồng từ nguồn chi thường xuyên để mua sách hỗ trợ cho học sinh. Đồng thời đề nghị cấp trên hỗ trợ và kêu gọi các đơn vị hảo tâm giúp đỡ để các em có đầy đủ sách vở.

Học sinh trường Phổ thông Bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình)
Học sinh trường Phổ thông Bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình)

Thầy cô cũng dặn dò học sinh giữ gìn sách vở cẩn thận cho các em khóa sau tiếp tục sử dụng. Thế nhưng mỗi năm để gom thu lại thì chất lượng không còn được tốt.

“Ở đây, may nhờ có các thầy cho sách, cho quần áo để các con đi học chứ mình không có tiền, đi nương rẫy, đi làm mây cũng chỉ đủ ăn, chứ mình cũng không có tiền.” chị Hồ Thị Din tại bản Si, xã Trọng Hóa nói.

Ông Nguyễn Văn Vững, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lệ Thủy, cho biết hàng năm ngành giáo dục địa phương cũng đã hỗ trợ để giúp học sinh các trường, điểm trường vùng khó trên địa bàn có đầy đủ sách học tập. Tuy nhiên số lượng bộ sách cũng chỉ nằm ở mức tương đối vì số lượng học sinh khó khăn trên địa bàn rất nhiều. Về lâu dài, cần hơn nữa những sự giúp đỡ hỗ trợ của các đơn vị cũng như các nhà tài trợ, hảo tâm để cùng giúp đỡ các em có điều kiện khó khăn ở các trường học, đặc biệt là các trường học miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ