Giáo dục mầm non Yên Bái đổi thay nhờ STEM

GD&TĐ - Tổ chức tốt các hoạt động giáo dục STEM cho trẻ mầm non đã tạo chuyển biến tích cực ở các trường mầm non khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Yên Bái.

STEM giúp trẻ hoạt bát và hiểu biết hơn về cuộc sống.
STEM giúp trẻ hoạt bát và hiểu biết hơn về cuộc sống.

Thông qua STEM, các nhà trường lồng ghép giáo dục truyền thống, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ an toàn theo yêu cầu.

Trường Mầm non Kim Nọi là đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đưa vào thực hành thử nghiệm STEM tại trường. Thầy Nguyễn Long Giang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Kết hợp cùng hội cha mẹ học sinh, chúng tôi tổ chức hoạt động trải nghiệm, tạo điều kiện cho các em thực hiện trồng rau xanh, giáo dục kỹ năng sống. Giáo viên chủ nhiệm các lớp cho trẻ tham quan, quan sát những hoạt động như trồng rau; hướng dẫn các em cách làm, dạy tên từng loại rau và lợi ích của chúng. Cuối cùng là trẻ cùng tham gia trồng rau với cô và cha mẹ, anh em trong nhà”.

Theo anh Giàng A Mùa, Trưởng ban Đại diện cha mẹ học sinh Trường Mầm non Kim Nọi, các con tham gia chăm sóc vườn rau, nhìn từng cây rau bắp cải tự tay mình trồng lớn lên rất thích thú. Chào đón xuân Nhâm Dần 2022, cha mẹ và các thầy cô giáo tạo cho trẻ một môi trường giáo dục toàn diện nhất thông qua góc chợ phiên với những sản phẩm của địa phương (sáo, khèn, đàn nhị và các trò chơi như ném còn, ném pao của đồng bào Mông).

Trường Mầm non Suối Giàng (huyện Văn Chấn), thuộc vùng 135 nhưng các cô giáo đã tạo sự đổi thay từ chính những lớp học STEM. Cô Đỗ Thuỳ Quyên, giáo viên nhà trường cho biết: Nếu như những năm trước, giờ lên lớp chỉ đơn thuần là nuôi dạy, đảm bảo an toàn cho hết giờ thì nay đã khác, nhà trường và giáo viên ý thức trách nhiệm cao hơn về chất lượng.

Những ngày cận Tết Nguyên đán này, cô Quyên và các đồng nghiệp lại tổ chức các phiên chợ quê giả định cho các em học tập trải nghiệm và chơi các trò chơi dân gian. Đơn giản, nhưng lại đạt được mục đích, đặc biệt với trẻ người dân tộc thiểu số, việc hiểu biết về trang phục truyền thống người Mông sẽ giúp các em yêu mảnh đất sinh ra mình hơn. Phụ huynh sẽ thi gói bánh giầy (loại bánh của người Mông) cũng là cách giáo dục truyền thống hết sức ý nghĩa.

Cô Đỗ Thùy Quyên đặc biệt nhấn mạnh nội dung giáo dục STEM của trường trong đó có giáo dục để học sinh nhận thức được giá trị của cây chè cổ thụ Shan tuyết tại địa phương. Đây là kế hoạch được thực hiện nhiều năm, học sinh được dạy nhận biết về 4 loại trà truyền thống, so sánh và phân biệt được 4 loại trà; nhận biết giá trị của trà. Với cách thức tổ chức chuyên đề giúp kết nối với các anh chị cấp học trên, vừa giáo dục truyền thống cho học sinh lại giúp trường có thêm thu nhập do bán được sản phẩm trà.

Bà Nguyễn Vy, Trưởng phòng GDMN, Sở GD&ĐT Yên Bái chia sẻ: STEM trong chương trình GDMN là bước khởi đầu để trẻ  được học tập và trải nghiệm từ cuộc sống thực tế một cách trực quan, từ đó khơi dậy niềm say mê, hứng thú, sự sáng tạo. Ở các trường khu vực miền núi, vùng dân tộc của tỉnh Yên Bái, STEM vẫn còn khá mới mẻ, tuy nhiên việc triển khai đã cho thấy sức hút và hiệu quả lớn. Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu và đẩy mạnh triển khai, góp phần nâng cao chất lượng GD trẻ tại các cơ sở GDMN trên địa bàn tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ