Yên Bái: Nỗ lực nuôi dưỡng trẻ an toàn

GD&TĐ - Dịch Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, nuôi dạy trẻ an toàn là một trong những yêu cầu đặt lên hàng đầu ở các nhà trường trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Trẻ làm trung tâm trong mọi hoạt động ở Trường Mầm non Hưng Khánh.
Trẻ làm trung tâm trong mọi hoạt động ở Trường Mầm non Hưng Khánh.

An toàn từ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm tuyệt đối đến phòng dịch đã được các trường thực hiện bài bản và hiệu quả.

An toàn và đảm bảo chất lượng dinh dưỡng trong nuôi dạy trẻ là điều các trường đặc biệt quan tâm. Như ở Trường Mầm non Hồng Ca, huyện Trấn Yên, cô Hà Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Tại 4 điểm lẻ là Khuôn Bổ, Khe Cắt, Khe Tiến, Khe Ron có 100% là con em dân tộc Mông, trình độ nhận thức của phụ huynh không đồng đều. Nhưng nhờ tuyên truyền, vận động của giáo viên tại các nhóm lớp, phụ huynh đã hiểu được tầm quan trọng cho bữa ăn của trẻ có đủ chất dinh dưỡng.

Đến nay, 100% phụ huynh đã nhất trí cho con em mình được ăn bán trú tại trường, đảm bảo đúng chế độ sinh hoạt trong ngày và trẻ được hưởng một chế độ ăn cân đối dinh dưỡng. Nhờ đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng tại các nhóm lớp giảm đi khá rõ rệt, trẻ phát triển đồng đều về thể chất.

Còn ở Trường Mầm non Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, cô Hiệu trưởng Vũ Thị Huyền Trang tự hào “khoe” mô hình “Vườn rau của bé”. Mô hình tạo sự đa dạng trong nuôi dạy trẻ theo hướng lấy trẻ làm trung tâm trong hoạt động nuôi dạy. Trẻ được trải nghiệm thực tế, hào hứng và thích thú khi được cùng cô làm việc, được cùng bạn tự tay chăm sóc rau, thu hoạch và thưởng thức sản phẩm mình tạo ra.

Trường Mầm non Yên Ninh, TP Yên Bái năm học này có 8 lớp/230 trẻ ăn, ngủ tại trường 2 bữa/ngày. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Băng cho biết: Xác định vệ sinh an toàn thực phẩm trong tổ chức ăn uống cho trẻ đóng vai trò rất quan trọng. Do vậy, việc mua thực phẩm, yêu cầu nhà cung cấp phải có đủ các giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, thức ăn chế biến đúng theo quy trình bếp một chiều.

Nhân viên phục vụ bán trú của trường được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm tra sức khỏe định kỳ đúng quy định. Từ khâu tiếp phẩm đến phục vụ ăn, nhân viên phải mang khẩu trang, găng tay, đeo tạp dề, mũ khẩu trang tuyệt đối không đeo nữ trang… Các đồ dùng như bát, thìa… luôn được vệ sinh sạch sẽ, hạn chế tối đa các nguy cơ xảy ra lây nhiễm chéo.

Phụ huynh Đỗ Minh Phú, có con đang học lớp 5 tuổi B tại Trường Mầm non Yên Ninh, phấn khởi nói: “Qua bảng công khai thực đơn ăn hàng ngày của cháu tại trường, tôi thấy chế độ dinh dưỡng đầy đủ, các món ăn đa dạng, phong phú. Từ việc trường đẩy mạnh dạy học lấy trẻ làm trung tâm cho đến an toàn chất lượng nuôi dạy khiến chúng tôi hết sức yên tâm”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giải thoát cho rùa biển

GD&TĐ - Chấm dứt hành vi xả chất thải nhựa xuống biển mới là cách giải thoát căn cơ cho các loài thủy sinh trong lòng đại dương, trong đó có loài rùa.