Đường đến trường của trẻ “Chanchu”

GD&TĐ - Mười năm sau thảm họa bão Chanchu, đã có nhiều câu chuyện được viết nên bởi sự sẻ chia, yêu thương, đùm bọc của cộng đồng và nghị lực vươn lên của con em nạn nhân bão Chanchu. 

Đường đến trường của trẻ “Chanchu”

Những đứa trẻ ngày ấy, có em giờ đã tốt nghiệp CĐ, ĐH, trở thành trụ cột kinh tế của gia đình, san sẻ gánh nặng mưu sinh oằn trên vai mẹ suốt chục năm qua.

Nuôi ước mơ ở làng Hy Vọng

Chỉ 3 tháng sau khi cơn bão Chanchu (5/2006) tan trên biển, gần 20 chục đứa trẻ mồ côi cha ở xã Bình Minh khóc rấm rứt rời khỏi vòng tay mẹ, đến ở các trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi ở Đà Nẵng, Quảng Nam và cả TP Hồ Chí Minh để không phải bỏ ngang chuyện học hành.

Cô học trò Đặng Thị Sáu (HS lớp 12, Trường THPT Thanh Khê, TP Đà Nẵng) rơm rớm nước mắt, kể về những ngày đầu mới ra ở làng Hy Vọng: “Em học xong lớp 2 là mẹ quyết định gửi ra làng Hy Vọng để không phải nghỉ học.

Một mình mẹ nuôi 6 chị em ăn học là quá sức, nhưng mãi sau này thì em mới ý thức được điều này, chứ hồi đó, lúc mẹ ra về em cứ chạy theo níu áo mẹ khóc đòi về theo. Mẹ hứa đến cuối tuần sẽ ra đón về nhà chơi, đến chiều thứ 7 chưa thấy mẹ đâu thì cứ thế ngồi khóc”.

Những năm học sau đó, năm nào Sáu cũng đạt danh hiệu HS giỏi, vì “mẹ hứa đạt được HS giỏi thì mẹ sẽ đón về nhà ở hẳn”. Sớm xa vòng tay mẹ, phải tự lập từ những ngày còn rất nhỏ, cô bé Sáu ý thức được hoàn cảnh của gia đình mình để nỗ lực trong học tập. Giờ thì Sáu đang tăng tốc cho Kỳ thi THPT quốc gia trước mắt.

“Em dự định sẽ đăng ký xét tuyển vào khoa Sư phạm tiểu học của Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Đó là một cách để tri ân những gì tốt đẹp mà thế hệ chúng em nhận được từ nhiều tấm lòng hảo tâm đã giúp đỡ, chia sẻ trong suốt mười năm qua”.

Chắc rằng khi tuyệt vọng chìm dần vào lòng biển, anh Trần Văn Cường (xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam) không thể hình dung được 4 đứa con của mình sẽ đánh vật với giấc mơ học hành, chữ nghĩa như thế nào khi lao động chính của cả nhà không còn nữa. Bé Trần Thị Gái, đứa con út của anh Cường khi ấy mới chỉ 4 tuổi. Đứa con đầu, Trần Thị Kiều cũng chỉ mới đang học lớp 7, chỉ biết đứng nhìn mẹ khóc ngất trước sự ra đi quá đột ngột của cha.

Chị Trần Thị Sau gạt nước mắt, gửi đứa con đầu ra ở làng Hy Vọng, dồn sức nuôi 3 đứa con còn lại ăn học. Học hết lớp 12, Kiều xin mẹ thôi không tiếp tục học để sớm đi làm phụ mẹ nuôi các em ăn học.

Nhưng rồi khi đứa con thứ 3 đỗ vào Trường ĐH Quảng Nam, gánh cá trên vai chị Sau nặng hơn, oằn xuống mãi vẫn không đủ tiền lo chi phí học hành cho cả 3 đứa con. Ba năm nay, bé Trần Thị Gái xa mẹ và anh chị đến với mái ấm ở làng Hy Vọng để đường học của cả 3 chị em không đứa nào bị đứt đoạn.

Ba mất khi em Võ Thị Thu Thảo (HS lớp 10, Trường THPT Thanh Khê) mới chỉ 5 tuổi, đứa em út còn chưa kịp chào đời. Ngày đến trường đầu tiên trong đời, cũng là lúc Thảo phải rời khỏi vòng tay của mẹ để đến sống ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ khó khăn ở TP Tam Kỳ. Đầu năm lớp 6, Thảo chuyển về sống ở làng Hy vọng. “Hồi nhỏ, em khóc ghê lắm, thèm được ở nhà với mẹ nên lúc nào được mẹ đón về nhà chơi cũng muốn ở lỳ ở nhà.

Rồi em còn nghĩ là mình không được mẹ thương bằng hai em. Nhưng rồi dần dà, em hiểu rằng mình sướng hơn hai em ở nhà vì điều kiện ăn học đủ đầy hơn”. Thảo đang nuôi ước mơ để trở thành một nhà thiết kế, có điều kiện được gần gũi mẹ, bù đắp cho mẹ vì “mẹ em vất vả, lam lũ lắm”.

Trẻ “Chanchu” vào giảng đường ĐH

Chị Nguyễn Thị Phượng (phường Thanh Khê Đông - Thanh Khê - Đà Nẵng) vợ của ngư phủ Trần Văn Quang - mất tích trong cơn siêu bão Chanchu không có công việc gì là không làm để nuôi 4 đứa con ăn học, từ buôn cá, bán bắp cho đến đi xe thồ.

Chồng mất khi đứa con đầu, cháu Trần Thị Mai An vừa bước vào lớp 10, đứa con gái út bắt đầu học lớp Một, chị quả quyết: “Bằng mọi giá tui cũng phải lo cho các cháu đến trường. Để các cháu thất học là có tội với vong hồn anh ấy, cũng là phụ tấm lòng của bà con xa gần đã giúp mẹ con tui qua cơn ngặt nghèo”.

Cô con gái đầu đã tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế, có việc làm ổn định và đã lập gia đình. Đứa thứ hai học xong ngành Mầm non, chưa xin được việc nên đang đi làm công nhân may. Hai đứa còn lại đang học lớp 10, 12. “Sức cháu học được đến đâu thì mình theo đến đấy, làm mẹ có cái gì cho con ngoài cái chữ đâu cô”.

Suốt mười năm nay, chưa bao giờ chị em của Vương Thị Tín có được một ngày hè thảnh thơi. Ba và người anh trai mất trong thảm nạn bão Chanchu khi mới 10 tuổi, Tín còn nhớ như in, trong tột cùng đau khổ, mẹ vẫn dặn dò ba chị em: “Ước mơ của ba là lo cho các con học hành đến nơi đến chốn, có khổ mấy cũng ráng chịu. Giờ ba mất rồi, các con gắng lo học hành cho vong linh của ba đỡ tủi”.

Cứ ngày nghỉ, chị em Tín dậy từ tờ mờ sáng, theo mẹ ra bãi biển mua cá rồi ngồi còng lưng cả ngày hết xẻ rồi phơi cá trong xưởng cá bò, “có những lúc chúng em nhịn cả đi vệ sinh vì đi là mất chỗ, mùi cá thì tanh khủng khiếp”. Nhưng đổi lại, số tiền công của mỗi ngày đủ để cho chị em Tín trang trải, chi dùng trong học tập.

Cứ tằn tiện, lam lũ như thế, chị em Tín lần lượt bước chân vào giảng đường ĐH, chị gái đã tốt nghiệp ngành Sư phạm Vật lý, Trường ĐH Quảng Nam, Tín đang là SV khoa Tiếng Trung, Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, anh trai đang học năm thứ 3, Trường ĐH Kinh tế: “Để mẹ không phải vất vả thêm, tụi em tranh thủ xin đi làm thêm tại các quán cà phê, nhận dạy kèm… để chi trả tiền ăn học”.

Dù xác định phải đi làm thêm, tự lập để “xin mẹ viện trợ ít nhất có thể”, nhưng chị em Tín đều tự nhủ phải học thật giỏi để kiếm học bổng, để sau này ra trường dễ kiếm việc làm. Những “cây phong ba non nớt” đã không để cơn bão quét trên trang vở, dẫu đường đến trường của các em có không ít gập ghềnh…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng rùa với thiết bị gây nhiễu đặc biệt.

Clip UAV FPV chịu thua xe tăng rùa

GD&TĐ - Máy bay không người lái kamikaze góc nhìn thứ nhất (FPV) của Ukraine đã không hiệu quả khi tấn công những xe tăng rùa của Nga trên chiến trường.
Minh họa/INT

Khi nào Hamas buông súng?

GD&TĐ - Việc phát hiện hố chôn gần 240 thi thể trong bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, thể hiện rõ nhất sự đẫm máu của cuộc xung đột.