Đổi mới vì người học

GD&TĐ - Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương, Luật Giáo dục và Nghị quyết 44/NQ-CP, Bộ GD&ĐT xây dựng phương án đổi mới thi THPT và xác định đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá là khâu đột phá góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT. Lựa chọn này xuất phát từ việc thực hiện đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá sẽ có tác động lớn tới việc đổi mới phương pháp dạy và học.

Đổi mới thi và đánh giá chất lượng GD là yêu cầu căn bản trong lộ trình thực hiện Nghị quyết 29
Đổi mới thi và đánh giá chất lượng GD là yêu cầu căn bản trong lộ trình thực hiện Nghị quyết 29

Từ năm 2015, Bộ GD&ĐT đã xây dựng phương án đổi mới thi với mục tiêu khắc phục các bất cập, đảm bảo trung thực, khách quan, giảm áp lực, giảm chi phí đối với thí sinh, gia đình, xã hội. Mục đích của Kỳ thi THPT quốc gia là đo lường, đánh giá kết quả học tập của học sinh ở mức độ học vấn phổ thông sau 12 năm học để vừa đáp ứng yêu cầu giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, vừa đảm bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh.

Theo đó, kết quả thi bảo đảm chính xác, khách quan và có độ phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT; cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông từ đó điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học; cung cấp dữ liệu làm cơ sở để tuyển sinh ĐH, CĐ.

Không ai có thể phủ nhận, Kỳ thi THPT quốc gia có những ưu điểm vượt trội, chẳng những giảm bớt “gánh nặng” cho học sinh, mà còn tiết kiệm được lượng kinh phí khổng lồ cho phụ huynh, học sinh và cả xã hội. Không còn cảnh thí sinh và người nhà từ các tỉnh xa phải lên Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn để dự thi, vô cùng vất vả, áp lực, tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc...

Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức và rút kinh nghiệm qua từng năm nên ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Trong đó, năm 2018 đã xảy ra tiêu cực và gian lận có tổ chức trong chấm thi tại Hội đồng thi của một số địa phương.

Mới đây nhất, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25/1/2017 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 04/2018/TT-BGDĐT ngày 28/2/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Đây là việc làm đúng đắn và cần thiết, thể hiện tính công khai, dân chủ trong việc điều chỉnh, bổ sung Quy chế thi THPT quốc gia, khắc phục được những hạn chế, tồn tại của Quy chế thi trước đó.

Tuy nhiên, quá trình lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Quy chế nói trên đã nảy sinh những ý kiến khác nhau. Nhiều người cho rằng, Quy chế thi THPT quốc gia mấy năm nay đã tương đối ổn định, không cần điều chỉnh, bổ sung, gây tâm lý lo lắng trong phụ huynh, học sinh. Ý kiến khác lại đề xuất, cần bổ sung thêm những điều khoản cụ thể về cách xử lý mạnh mẽ, quyết liệt những cá nhân (cả học sinh và cán bộ, giáo viên làm công tác thi) vi phạm quy chế thi… Thậm chí, có ý kiến còn đề nghị nên bỏ phần “Đọc hiểu” trong đề thi môn Ngữ văn, vì phần này chỉ phù hợp với môn Ngoại ngữ…

Thiết nghĩ, những ý kiến khác nhau trước những vấn đề mới là đương nhiên, do góc nhìn và quan điểm của mỗi cá nhân mỗi khác. Tuy nhiên, có lẽ điều quan trọng nhất cần quan tâm chính là lợi ích chính đáng của người học, tạo động lực cho người học; để đổi mới thi cử thực sự là khâu đột phá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhiều nhà giáo mong muốn rằng, cùng với những thay đổi cần thiết để hoàn thiện quy trình kỹ thuật đảm bảo giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của kỳ thi, cầu thị lắng nghe ý kiến góp ý, Bộ GD&ĐT sớm công bố Quy chế chính thức; đồng thời tăng cường phổ biến các đề minh họa để định hướng cho giáo viên và học sinh xây dựng kế hoạch dạy, học và ôn tập cho phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.