Đề xuất chuẩn cho giáo dục đại học

GD&TĐ - Sau khi kết thúc chuyến đi học tập kinh nghiệm về quản trị và tự chủ ĐH tại Australia, mới đây, nhóm các chuyên gia gồm ông Lê Mỹ Phong – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT); 2 chuyên viên chính của Vụ GD ĐH (Bộ GD&ĐT) là bà Nguyễn Thị Thu Thủy và ông Nguyễn Mạnh Hùng; bà Trần Thị Thu Phương – Chuyên viên Văn phòng Chương trình Khoa học GD - đã có những chia sẻ về điều tâm đắc liên quan đến vấn đề đảm bảo chất lượng đào tạo GD ĐH.

Đoàn công tác làm việc tại Trường Đại học RMIT, bang Victoria. Ảnh: Aus4Skills
Đoàn công tác làm việc tại Trường Đại học RMIT, bang Victoria. Ảnh: Aus4Skills

Trách nhiệm giải trình của GD ĐH Australia

Nhóm chuyên gia đã đề cập đến những quy định tiêu biểu nhất bắt buộc phải thực hiện đối với tất cả các loại cơ sở GD ĐH, các loại chương trình tại Australia. Đó là Luật đưa ra tiêu chuẩn đối với các trường đào tạo SV quốc tế; Khung trình độ quốc gia của Australia (AQF) xác định các chuẩn đầu ra của từng trình độ đào tạo liên quan đến giới công nghiệp, các dịch vụ, nghề nghiệp… và Khung tiêu chuẩn chất lượng GD Australia.

Tất cả các cơ sở GD ĐH sau khi tuân thủ các quy định về chuẩn, có ý kiến, đề đạt phải thông qua cơ chế Hội đồng trường. Một cơ quan của chính phủ sẽ giám sát, quản lý việc các nhà trường thực hiện theo quy định bằng cách yêu cầu tất cả dữ liệu của các nhà trường hoạt động trên toàn Australia đều phải đăng ký tại đây. Việc đăng ký này giúp cơ quan quản lý nắm rõ số lượng, chế độ, việc kiểm tra đánh giá… của các chương trình đang đào tạo trên toàn quốc, quá trình học tập của một SV từ lúc nhập trường đến khi đi làm…

Cơ sở dữ liệu này do các Hội đồng trường đệ trình lên Cơ quan Tiêu chuẩn và Chất lượng GD ĐH – TEQSA. Theo quy định, trung bình 7 năm phải đăng ký để xem xét chất lượng lại. Không như ở Việt Nam hiện nay, một trường có thể đăng ký điều kiện ban đầu, nhưng đào tạo 10 – 20 năm sau vẫn chưa xác định được hiện trạng thực tế đã thay đổi, phát triển hoặc không đáp ứng với thời cuộc như thế nào…

Điều khiến nhóm chuyên gia tâm đắc nhất là việc xem xét trách nhiệm giải trình của các cơ sở GD ĐH Australia. Chính phủ Australia có cơ quan đánh giá kết quả đào tạo của các cơ sở GD ĐH một cách độc lập thông qua đơn vị sử dụng lao động và người học sau khi tốt nghiệp ra trường. Thông tin này được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của Tổ chức Chỉ số chất lượng về dạy và học (Quality Indicator for learning and teaching, viết tắt là QILT).

Vào trang web của QILT có thể so sánh được một chương trình của trường A với trường B có số SV tốt nghiệp hay số SV kiếm được việc làm hơn/kém nhau như thế nào; đồng thời có thể so sánh hai trường ĐH với nhau… Đây chính là công cụ giúp cho các trường cải tiến chất lượng đào tạo của mình.

Đáng chú ý, tại Australia, trường nào có nhiều phản hồi không hài lòng từ SV, giảng viên, cán bộ nhân viên…, trường đó sẽ bị xem xét ngay, không nhất thiết phải chờ thời gian quy định là 7 năm mới xem xét lại.

3 đề xuất cho hệ thống GD ĐH Việt Nam

Theo nhóm chuyên gia, cần xây dựng các bộ chuẩn chất lượng để rà soát, sắp xếp lại hệ thống các cơ sở GD ĐH, cùng đó cần xây dựng chuẩn đối với các chương trình đào tạo được triển khai trong các cơ sở GD ĐH.

Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cho hệ thống GD ĐH đặc biệt cần thiết. Muốn xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu này phải dựa trên toàn bộ thông tin do các cơ sở GD ĐH cung cấp, hình thức cung cấp không chỉ bằng báo cáo mà còn cung cấp thông qua việc đăng ký để xem xét điều kiện của mỗi chương trình. Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia đề xuất xây dựng khung đảm bảo chất lượng cho GD ĐH.

Liên quan đến việc bảo đảm chất lượng đào tạo cho GD ĐH, nhóm chuyên gia bày tỏ mong muốn được nghiên cứu sâu hơn về quy trình xây dựng chuẩn cho GD ĐH; Quy trình đánh giá cụ thể đối với từng loại trường và từng loại chương trình đào tạo ở các trình độ của GD ĐH dựa trên các quy định của chuẩn; Chế tài áp dụng đối với các cơ sở GD ĐH không thực hiện trách nhiệm giải trình hoặc không đáp ứng quy định theo yêu cầu của chuẩn, từ đó có thể rút ra các bài học kinh nghiệm cho GD ĐH Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ