Dạy học trực tuyến: Từng bước tháo gỡ rào cản

GD&TĐ - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tổ chức dạy học trực tuyến cho HS trường phổ thông là cần thiết.

Một tiết học ứng dụng CNTT của cô trò Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Việt Cường
Một tiết học ứng dụng CNTT của cô trò Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Việt Cường

Hơn nữa, triển khai dạy học trực tuyến sẽ góp phần quan trọng vào giáo dục toàn diện cho HS, bắt kịp sự phát triển của kỷ nguyên số…

Thuận lợi và khó khăn luôn song hành

Trước tác động của đại dịch  Covid-19, tại các trường phổ thông ở Việt Nam dạy học trực tuyến được khởi phát từ nhu cầu học tập, nghiên cứu của HS. Ngoài truyền thụ kiến thức, dạy học trực tuyến còn được xem là giải pháp hữu hiệu trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh Covid-19. Thông qua hình thức học tập này, GV sẽ chuyển tải được kiến thức bài học giúp HS lĩnh hội được các tri thức từ đó làm chủ các nội dung cốt lõi của bài học. Dạy học trực tuyến đã và đang giúp trường phổ thông ngày càng duy trì được hoạt động học tập, bảo đảm kiến thức, kỹ năng các bộ môn cho HS. 

Thầy Nguyễn Đăng Hùng - GV Trường THPT Vạn Xuân (Hà Nội) nhận định: Hệ thống học trực tuyến giúp các em luyện tập thêm, rèn kỹ năng phản xạ, vì ứng dụng có thể phân tích được điểm mạnh yếu HS đang gặp phải để tự động đưa ra dạng bài phù hợp. Thầy Phạm Công Hiệp - giảng viên Trường Đại học RMIT Việt Nam cho rằng: Ưu điểm lớn nhất của học trực tuyến là tài liệu học tập, câu hỏi thảo luận, bài kiểm tra đều được lưu trữ trên nền tảng trực tuyến, người học có thể dễ dàng truy cập những nội dung này vào bất kì thời gian nào, ở bất cứ đâu. 

Bài giảng được phát trực tiếp để người học tham gia, đồng thời cũng được ghi hình lại làm tài liệu hỗ trợ để sử dụng khi cần. Như vậy, rõ ràng dạy học trực tuyến nâng cao hiệu quả công tác dạy học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục, khuyến khích sự sáng tạo của GV, HS trường phổ thông. Bên cạnh những thành tựu đạt được, tổ chức dạy học trực tuyến còn không ít hạn chế, thiếu sót và và đem đến những điều không mong đợi. Nhiều gia đình ở địa bàn khó khăn không có máy vi tính, mạng Internet, tivi, điện thoại thông minh... để con học trực tuyến. 

Minh chứng tại huyện Con Cuông (Nghệ An), toàn huyện có 44 trường trực thuộc huyện và chỉ có 8 trường ở vùng thuận lợi có thể triển khai được dạy học trực tuyến vì phụ huynh có điều kiện hơn. Các trường còn lại phần lớn chưa thể dạy - học trực tuyến. Tại Hà Nội, có trường lên thời khóa biểu rõ ràng về thời gian học từng môn gần giống như giờ lên lớp trực tiếp khiến cho tiết học kéo dài. Nhiều khi chờ các em đăng nhập, điểm danh xong đã mất vài chục phút. Trong khi đó, một giờ học online chỉ kéo dài trong 40 phút.

Chưa kể, trong quá trình học còn trục trặc về kết nối mạng, đường truyền, micro của HS phát biểu mà cô không nhận được… Điều này cản trở phát triển tư duy logic, sáng tạo, khiến HS không thể hiện được sự tự tin, tự lực trong học trực tuyến.

Các cô giáo Trường MN Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) thực hiện bài giảng online trong mùa Covid-19. Ảnh: Lan Anh
Các cô giáo Trường MN Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) thực hiện bài giảng online trong mùa Covid-19. Ảnh: Lan Anh

Nỗ lực để bắt nhịp kỷ nguyên số

Nhằm tháo gỡ những rào cản trong dạy học trực tuyến, các địa phương đã cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch, chỉ thị hướng dẫn các trường phổ thông thuộc địa bàn quản lí triển khai thực hiện dạy học trực tuyến phù hợp với điều kiện cụ thể của từng tỉnh, thành phố. 

Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Đắk Lắk đã sớm triển khai dạy học qua Internet và dạy qua truyền hình với 3 môn Toán, Văn, Tiếng Anh ngay từ khi HS bắt đầu nghỉ học phòng dịch. Những HS sinh sống ở vùng sâu, vùng xa ngoài dạy học qua Internet, trên truyền hình, các GV còn đến tận nơi giao bài trực tiếp cho HS.  

Theo ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, việc dạy học trên truyền hình, qua Internet là giải pháp cần thiết để thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học” của ngành Giáo dục trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, việc dạy học trên truyền hình cũng đem lại nhiều tác dụng tích cực đối với học sinh và phụ huynh. Ngành GD-ĐT Đắk Lắk đã lựa chọn những giáo viên dày dặn kinh nghiệm, có nghiệp vụ chuyên môn cao. Bài giảng cũng được đầu tư kỹ lưỡng, nội dung hàm súc cùng với cách thức truyền đạt mới mẻ, tạo được hứng thú cho học sinh, đồng thời duy trì thói quen học tập và giúp các em củng cố kiến thức đã được học. 

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn đến các trường trong việc tổ chức thực hiện, đồng thời giới thiệu phần mềm, đường truyền, hỗ trợ băng đĩa ghi hình cho các trường. Sở GD&ĐT còn huy động số lượng lớn GV giỏi thực hiện các bài giảng trên truyền hình, thu hút được sự quan tâm của đông đảo HS, cha mẹ HS. Ông Chử Xuân Dũng Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ: Sở đã phổ biến tới các đơn vị, trường học một số phần mềm ứng dụng hiệu quả để giáo viên lựa chọn cho phù hợp với điều kiện thực tế, giúp HS dễ tiếp cận và học tập chất lượng. Sở cũng đã yêu cầu các nhà trường rà soát, nắm bắt tình hình học tập của học sinh tại nhà để kịp thời có biện pháp hỗ trợ.

Trong thời gian nghỉ phòng dịch Covid-19, Điện Biên đã triển khai đồng bộ các giải pháp dạy học trực tuyến. Trong đó, tập trung ưu tiên dạy - học trên sóng truyền hình, qua Internet với HS lớp 9 và HS lớp 12. Trường hợp HS không thể học qua Internet hay truyền hình, các trường sẽ phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để chuyển tải nội dung, phát phiếu học tập trực tiếp đến HS. Đối với các môn học và khối lớp học còn lại, Sở GD&ĐT giao thủ trưởng các cơ sở giáo dục căn cứ đặc điểm, điều kiện thực tế lựa chọn hình thức dạy học phù hợp. - Ông Cù Huy Hoàng (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ