Dạy học phát triển năng lực: Tích cực hóa hoạt động của học sinh

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Chương trình được triển khai bắt đầu từ lớp 1 năm học 2020 - 2021. Tuy nhiên, dạy học phát triển năng lực không chờ đến khi thực hiện chương trình mới.   

Phát triển năng lực người học thông qua đổi mới phương pháp giảng dạy là yêu cầu thực tiễn trong đổi mới GD phổ thông. Ảnh: INT
Phát triển năng lực người học thông qua đổi mới phương pháp giảng dạy là yêu cầu thực tiễn trong đổi mới GD phổ thông. Ảnh: INT

Sớm triển khai các phương pháp dạy học tích cực

Nhằm tiếp tục thực hiện chương trình GDPT hiện hành theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học, năm 2017, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH; hướng dẫn cụ thể các cơ sở giáo dục thực hiện có hiệu quả việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá; công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động dạy học, giáo dục. Đây là hướng dẫn cụ thể, chi tiết giúp các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình GDPT hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh.

Lưu ý giáo viên khi vận dụng các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển năng lực học sinh, cô Trần Thị Hải Yến – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm (Hà Nội) – cho biết: Mỗi phương pháp dạy học có đặc điểm và tác dụng khác nhau. Với mỗi bài học, giáo viên (GV) cần lựa chọn phương pháp dạy học cho phù hợp với mục tiêu, nội dung, phương tiện dạy học.

Dạy học theo hoạt động nhóm, GV phải giao nhiệm vụ cụ thể rõ ràng cho HS. Câu hỏi đưa ra trong hoạt động nhóm phải là câu hỏi mang tính tư duy. Sau đó, HS phải được báo cáo sản phẩm của mình trước tập thể lớp, để các bạn cùng góp ý. GV sẽ là người cuối cùng “chốt” lại kiến thức và giải đáp những thắc mắc của HS.

Nhưng dù lựa chọn phương pháp dạy học nào, GV phải tích cực hóa hoạt động của học sinh (HS). Vì thế, nhà trường lưu ý các thầy cô cần vận dụng phương pháp thích hợp và không lạm dụng, độc tôn một phương pháp nào cả. Một số phương pháp dạy học được nhà trường khuyến khích thực hiện nhằm thực hiện dạy học phát triển năng lực cho HS như: Nêu và giải quyết vấn đề, theo nhóm, tích hợp, theo dự án…

Cô Mai Thị Hà – Tổ trưởng Tổ Xã hội, Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), cho biết: Trường THPT Yên Hòa luôn khích lệ GV áp dụng phương pháp dạy học tích cực như: Dạy học theo nhóm; giải quyết vấn đề, đóng vai, trò chơi và dạy học theo dự án… Việc vận dụng thế nào tùy thuộc vào sự sáng tạo, đổi mới của mỗi GV, nhưng phải đảm bảo tính hiệu quả, đặc biệt là tránh hình thức.

Ảnh minh họa/ INT
 Ảnh minh họa/ INT

Quá trình quan trọng hơn kết quả

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai dạy học phát triển năng lực tại Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm, cô Trần Thị Hải Yến nhấn mạnh: Đối với dạy học theo định hướng phát triển năng lực, quá trình quan trọng hơn kết quả. Bởi vì quá trình đúng dẫn đến kết quả đúng. Điều này được GV của trường thực hiện như sau: Xác định mục tiêu dạy học theo định hướng năng lực cho mỗi bài học.

Từ mục tiêu, xác định nội dung, phương pháp dạy học và cách kiểm tra đánh giá để đạt được mục tiêu đó. Tích cực tổ chức cho HS luyện tập, tăng cường vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn. Trong quá trình dạy học, GV quan sát, nhận xét, đánh giá, phản hồi một cách chính xác để giúp HS điều chỉnh mình ngay trong quá trình học; đồng thời dựa vào kết quả HS đạt được, GV điều chỉnh phương pháp, kỹ thuật, phương tiện cho phù hợp.

Cũng theo cô Trần Thị Hải Yến, Chương trình GDPT tổng thể đã quy định các năng lực chung, chương trình các môn học quy định các năng lực đặc thù mà mỗi môn học góp phần phát triển cho HS. Trong chương trình môn học có những mô tả cụ thể yêu cầu cần đạt về năng lực cho mỗi cấp/lớp. Nhà trường sẽ yêu cầu GV phân tích chương trình, nắm vững các yêu cầu cần đạt của mỗi năng lực ở từng khối lớp để xác định nội dung, phương pháp, phương tiện dạy học cho phù hợp, nhằm đạt được mục tiêu phát triển năng lực cho HS.

“Trong môn Ngữ văn cấp THPT, chương trình quy định GV cần phát triển cho HS 2 năng lực đặc thù là ngôn ngữ và văn học. Ngoài ra, GV còn góp phần phát triển cho HS những năng lực chung như giải quyết vấn đề và sáng tạo, tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác…

Chương trình đã mô tả các yêu cầu cần đạt cho hai năng lực chuyên biệt, qua các hoạt động đọc, viết, nói và nghe. GV sẽ dựa vào yêu cầu cần đạt, kiến thức Ngữ văn đã được chương trình quy định cho từng khối lớp, kết hợp với những định hướng về phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá mà chương trình nêu ra để dạy học nhằm phát triển các năng lực chung và năng lực đặc thù cho HS” – cô Trần Thị Hải Yến nêu ví dụ.

Đổi mới kiểm tra, đánh giá

Đổi mới kiểm tra, đánh giá có vai trò quan trọng để từ đó tác động trở lại với việc dạy học phát triển năng lực. Cô Trần Thị Hải Yến cho rằng, đánh giá kết quả học tập của HS là quá trình thu thập và xử lý thông tin về trình độ, khả năng thực hiện, đạt mục tiêu học tập xác định, về tác động và nguyên nhân của tình hình đó nhằm tạo cơ sở cho những quyết định sư phạm của GV và nhà trường, cho bản thân HS để họ học tập ngày một tiến bộ hơn. Đánh giá năng lực là đánh giá khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng và thái độ trong một bối cảnh có ý nghĩa. Nói cách khác, đánh giá năng lực là đánh giá khả năng làm, giải quyết các tình huống của đời sống và học tập.

Chia sẻ quan điểm về đánh giá năng lực, cô Mai Thị Hà phân biệt: Đánh giá kết quả học tập của HS là đánh giá qua các bài kiểm tra với các mức độ khác nhau. Còn đánh giá năng lực chủ yếu thông qua quá trình học tập của HS (quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập, sản phẩm học tập, báo cáo, thảo luận…).

“Tại Trường THPT Yên Hòa, công tác kiểm tra đánh giá HS được thực hiện khá bài bản và theo hướng đổi mới. Cụ thể: Các kỳ thi tập trung được thực hiện theo quy trình của Bộ GD&ĐT từ việc thành lập ban ra đề, phản biện đề, làm phách cho đến tổ nhập điểm đều được làm việc độc lập; đồng thời các quy định đối với GV và HS được áp dụng theo Quy chế thi Kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT.

Với các bài kiểm tra thường xuyên, GV chú trọng đánh giá qua các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở học tập; qua HS báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập. GV sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra được quy định trong chương trình GDPT hiện hành” – cô Hà thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mẫu viên nang điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu: Xấu hổ, vông nem, hậu phác nam và cam thảo nam.

Viên nang dược liệu chữa mất ngủ

GD&TĐ - Các nhà khoa học Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu bào chế viên nang hỗ trợ điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu.
Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.