Đà Nẵng: Thiếu hụt giáo viên hỗ trợ giáo dục hòa nhập

GD&TĐ - Quá tải học sinh, không đáp ứng hết được nhu cầu của phụ huynh, nhất là nhu cầu GD cá nhân cho HS khuyết tật là thực trạng chung trong GD chuyên biệt tại Đà Nẵng. Thậm chí, để bảo đảm thực hiện chức năng hỗ trợ GD hòa nhập cho các trường học trên địa bàn thành phố có HS khuyết tật học hòa nhập, Trung tâm Hỗ trợ phát triển GD hòa nhập Đà Nẵng còn phải dồn HS của hai lớp làm một ở những buổi học thiếu giáo viên (GV).

Một giờ học GD cá nhân của HS trường ngoài đang theo học tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển GD hòa nhập Đà Nẵng
Một giờ học GD cá nhân của HS trường ngoài đang theo học tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển GD hòa nhập Đà Nẵng

GV làm việc quá định mức

Thầy giáo Phan Ngọc Trang, GV Âm nhạc của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng (gọi tắt là trung tâm) vừa có một tiết dạy mẫu cho các GV giảng dạy các lớp có HS khuyết tật học hòa nhập tổ chức các tiết GD cá nhân và phương pháp trị liệu bằng âm nhạc theo yêu cầu của Phòng GD&ĐT Sơn Trà. Đây là một trong những chức năng của Trung tâm Hỗ trợ phát triển GD hòa nhập Đà Nẵng, tiền thân là Trường Phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu.

Hiện, trung tâm có 10 phòng nguồn ở 10 trường tiểu học thuộc 7 quận, huyện, trong đó riêng quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang và quận Hải Châu mỗi quận có 2 phòng nguồn theo cụm trường. Ngoài việc mỗi tháng cử giáo viên đến hỗ trợ một buổi tại phòng nguồn thì trung tâm còn đảm nhiệm việc hỗ trợ các trường có HS khuyết tật đang theo học hòa nhập, từ tập huấn, hướng dẫn phương pháp, cung cấp tài liệu, dạy mẫu cho đến hỗ trợ ban giám hiệu các trường cũng như giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và phụ huynh trong việc xây dựng kế hoạch, mục tiêu giúp HS khuyết tật tiến bộ.

Cô Đỗ Thị Đỗ Quyên - Giám đốc trung tâm cho biết, phòng nguồn được xây dựng ở những trường có từ 10 - 15 trẻ khuyết tật theo học, các trường chỉ có dưới 10 HS sẽ đến tham gia học chung. Ngoài lịch làm việc cố định tại 10 phòng nguồn theo cụm trường, nếu các trường học có HS khuyết tật học hòa nhập và các Phòng GD&ĐT có nhu cầu hỗ trợ từ tập huấn phương pháp, tư vấn hỗ trợ hay đánh giá các dạng tật… trung tâm đều phải đáp ứng đầy đủ.

Trong khi đó, theo định mức lao động thì mỗi GV mầm non chỉ phải làm việc 6 giờ/ngày, GV tiểu học ở mức 21 tiết/tuần nhưng hiện nay đều phải làm việc vượt quá định mức để đảm bảo công tác hỗ trợ phát triển GD hòa nhập. Với khoảng 1.100 HS khuyết tật học hòa nhập ở các bậc học từ mầm non đến THPT, trong đó, số HS khuyết tật ở bậc tiểu học có khoảng 750 em thì khối lượng công việc của trung tâm là rất nhiều, nhất là tập huấn về các phương pháp giúp trẻ quản lý hành vi và các tiết học GD cá nhân, GD nhóm…

Thiếu giáo viên, thiếu cả nguồn tuyển

“So với nhu cầu, hiện nay trung tâm còn thiếu 5 GV nữa để đảm nhận tốt chức năng hỗ trợ, tư vấn và đánh giá. “Có những trường hợp HS chỉ cần 2 tiếng đồng hồ là có thể đánh giá được dạng tật nhưng cũng có trường hợp giáo viên phải mất 2 ngày để đánh giá” - cô Đỗ Quyên chia sẻ. Và không phải giáo viên nào cũng có thể đảm nhận được công việc hỗ trợ phát triển GD hòa nhập. Những GV không đi hỗ trợ thì cùng nhau chia sẻ, gánh vác phần việc ở nhà, có một số tiết học, trung tâm phải dùng đến giải pháp dồn hai lớp thành một vì thiếu GV.

Cũng theo cô Đỗ Quyên thì những tiết học như vậy, trung tâm cũng xác định là “giữ HS” là chủ yếu, việc cung cấp kiến thức và kỹ năng thì GV sẽ phải bù đắp vào những giờ học sau đó. Hầu như GV nào ở trung tâm cũng phải đảm nhận từ 25 - 27 tiết/tuần, và chủ yếu là tự nguyện “vượt giờ”; thậm chí như thầy Đỗ Trọng Tư - GV dạy Thể dục thì “không thể tính được số lượng giờ vượt” vì thầy thường hỗ trợ GV đứng lớp để cho những HS vận động tại hồ bơi hoặc khu vui chơi nhằm giảm độ căng thẳng cho HS, nhất là HS tự kỷ vào mùa hè.

Trung tâm đang hợp đồng với 3 GV để đảm nhận các tiết GD cá nhân. “Nếu không hợp đồng với GV ngoài thì trung tâm không đủ GV để thực hiện các tiết GD cá nhân cho HS. Với đặc thù của một trường chuyên biệt thì phải có GV đứng lớp và GV can thiệp cá nhân thì hiệu quả mới rõ rệt, vì quá trình dạy học giúp GV phát hiện và dạy theo đặc thù riêng của từng trẻ” - cô Đỗ Quyên cho biết. Trong khi đó, trung tâm chỉ có một giáo viên đảm nhận tiết GD cá nhân cho HS của 13 lớp ở bậc tiểu học đang theo học tại đây. Chưa kể là rất nhiều phụ huynh có con đang theo học tại các trường mầm non, tiểu học ở bên ngoài gặp một số vấn đề như chậm, khó đọc, tự kỷ dạng nhẹ, rối loạn hành vi… có nhu cầu gửi con học các tiết học cá nhân ở trung tâm là rất lớn.

Với số GV hợp đồng các tiết GD cá nhân, trung tâm cũng phải tuyển các GV tốt nghiệp sư phạm tiểu học hoặc tâm lý GD rồi tổ chức bồi dưỡng, đào tạo các kiến thức, phương pháp liên quan đến GD đặc biệt cho họ. Thiếu nguồn tuyển là tình trạng chung chứ không riêng gì trung tâm. Ngay như Trường Chuyên biệt Tương Lai, năm học này cũng thiếu 2 GV ở bậc Tiểu học, mặc dù đã có chỉ tiêu tuyển dụng nhưng thầy Nguyễn Duy Quy - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hầu hết các SV tốt nghiệp ĐH Sư phạm tiểu học đều nộp hồ sơ ứng tuyển tại các trường tiểu học chứ không muốn đầu quân vào trường chuyên biệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ