Đà Nẵng: Các trường phổ thông rà soát hạ tầng, chuẩn bị kiểm tra trực tuyến

GD&TĐ - Các trường THCS, THPT ở Đà Nẵng đang xây dựng phương án tối ưu nhất để tổ chức kiểm tra cuối kỳ II bằng hình thức trực tuyến. HS sẽ được kiểm tra thử để làm quen vừa khảo sát số HS có thể tham gia trực tuyến.

Trường THCS Lê Thánh Tôn (quận Hải Châu) tổ chức ôn tập trực tuyến trong thời gian HS tạm dừng đến trường.
Trường THCS Lê Thánh Tôn (quận Hải Châu) tổ chức ôn tập trực tuyến trong thời gian HS tạm dừng đến trường.

Tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh

Ông Lại Tiến Hương – Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) cho biết: Qua khảo sát của các trường THCS thì có một số trường, số HS không có thiết bị kết nối internet để tham gia kiểm tra trực tuyến khá lớn. Như Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu đều có khoảng 40% HS không có máy tính hoặc điện thoại thông minh. Trường THCS Chu Văn An có khoảng 95% HS có thể tham gia theo hình thức trực tuyến.

Mặc dù vậy, các trường THCS của quận Thanh Khê cũng linh hoạt trong hình thức ra đề kiểm tra. Tùy theo đặc thù của môn học, như môn Ngữ văn, các trường sẽ ra đề theo hình thức tự luận. Các môn còn lại, kể cả môn Lịch sử, Địa lý hầu hết đều chuyển sang trắc nghiệm.

Giờ học trực tuyến của trường THCS Lê Thánh Tôn (quận Hải Châu).
Giờ học trực tuyến của trường THCS Lê Thánh Tôn (quận Hải Châu).

“Ra đề trắc nghiệm không quá mới mẻ với các trường THCS. Trong 3 đợt triển khai dạy học trực tuyến khi HS tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch, GV đều có những bài tập nhỏ theo hình thức trắc nghiệm sau mỗi tiết học giúp HS củng cố kiến thức. Các trường như THCS Hoàng Diệu, Chu Văn An, Nguyễn Trãi đều làm rất tốt vấn đề này. HS chỉ cần quét mã vạch là tải được bài tập về. Vì vậy, cả HS và GV đều không quá bỡ ngỡ. Chỉ khác chăng là ở quy mô tổ chức” – ông Hương cho biết thêm.

Theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, các trường THCS, THPT phải cho HS hướng dẫn học sinh làm quen với hình thức kiểm tra, đánh giá trực tuyến như cung cấp đường link, hướng dẫn đăng nhập, kiểm tra thử,…

Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu) sử dụng phần mềm Elearning của VNPT. Theo thầy Phạm Thanh Bửu – Hiệu trưởng nhà trường thì đây là phần mềm HS đã quen với các thao tác làm bài tập trắc nghiệm nhỏ trong quá trình học trực tuyến. Nhà trường sẽ kiểm tra thử 2 môn Ngữ văn và Toán để HS làm quen với các thao tác, quy trình vừa là để khảo sát số lượng HS có thể tham gia kiểm tra trực tuyến.

Tuy chưa có số lượng HS đăng ký kiểm tra trực tuyến nhưng các trường đều đã xây dựng phương án kiểm tra trực tiếp cho HS. Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu) đều thông qua kênh GV chủ nhiệm, thông báo với HS nếu bị rớt mạng, mất điện trong quá trình làm bài kiểm tra trực tuyến thì không nên hốt hoảng, mất tinh thần vì còn có thể tham gia kiểm tra trực tiếp.

Xây dựng phương án kiểm tra tối ưu

Trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu) đang chọn thống nhất một ứng dụng phần mềm để triển khai kiểm tra trực tuyến, đảm bảo chất lượng đường tuyền thông suốt trong cả quá trình kiểm tra. “Trong quá trình dạy học trực tuyến, GV tùy theo thế mạnh của mình, có thể tự chọn các ứng dụng dạy học khác nhau để sử dụng. Tuy nhiên, khi tổ chức kiểm tra thì phải có sự thống nhất trong toàn trường” – thầy Lê Phước Bình, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu) chọn phần mềm Microsoft Teams để tổ chức kiểm tra trực tuyến. Cô Hồ Thị Thảo Nguyên – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trừ môn văn, cấu trúc đề các môn sẽ là 70% trắc nghiệm và 30% tự luận. Trong đó, HS có 30 phút làm các câu trắc nghiệm, nộp bài trên ứng dụng phần mềm và có kết quả ngay. Phần thi tự luận, với các môn Toán, Vật lý, Hóa. Sinh học, vì có hình vẽ, đồ thị… nên HS làm ở giấy, chụp lại và nộp bài cũng trên phần mềm này. Với môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân, các em làm luôn phần thi tự luận trên ứng dụng phần mềm sau khi nộp phần trắc nghiệm”.

Học sinh sẽ được hướng dẫn để làm quen với cách đăng nhập, thao tác làm, nộp bài... trước khi các trường tổ chức kiểm tra trực tuyến.
Học sinh sẽ được hướng dẫn để làm quen với cách đăng nhập, thao tác làm, nộp bài... trước khi các trường tổ chức kiểm tra trực tuyến.

Thầy Phan Thanh Bửu cho biết: “Mỗi buổi, HS sẽ kiểm tra 2 môn, riêng môn Ngữ văn, thời gian thi làm bài là 60 phút, các môn còn lại là 45 phút. Các em sẽ có khoảng nghỉ giữa 2 môn là 30 phút.

Sở GD&ĐT Đà Nẵng yêu cầu các ứng dụng phần mềm kiểm tra trực tuyến phải có xác nhận việc học sinh đã nộp bài từ phần mềm, từ giáo viên… để học sinh an tâm đã hoàn thành bài kiểm tra.

Tuy nhiên, ông Lại Tiến Hương cho rằng, khó nhất vẫn là việc thực hiện ghi hình quá trình làm bài của HS. “Nếu HS sử dụng thiết bị máy tính có kết nối internet thì còn có thể thực hiện được. Vì cùng một lúc có thể mở 2 đường link hoạt động và cũng đủ dung lượng để ghi lại. Với những HS sử dụng điện thoại thông minh thì việc ghi hình sẽ ảnh hưởng đến các thao tác làm bài của HS, thậm chí là không thể ghi hình được. Vì vậy, cũng phải tin tưởng vào tính tự giác, sự trung thực của các em”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) trong giờ dạy môn Khoa học tự nhiên.

Giúp dạy học hiệu quả môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, các nhà trường đã rút ra những kinh nghiệm để triển khai dạy học hiệu quả môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên.
Minh họa/INT

Bóng ma hạt nhân ở Trung Đông

GD&TĐ - Tình hình Trung Đông đã đột ngột căng thẳng kể từ đêm 13/4 rạng sáng 14/4 khi Iran lần đầu tiên trong lịch sử thực hiện một cuộc không kích quy mô lớn.