Có nên chọn ngành “hot”

GD&TĐ - Đây là một câu hỏi khá phổ biến mà các phụ huynh thường đặt ra khi hướng nghiệp, chọn ngành cho con. Tuy nhiên, chuyên gia hướng nghiệp chỉ ra rằng, độ “hot” của các ngành có thể thay đổi và nếu chạy theo một cách thiếu cân nhắc sẽ lợi bất cập hại.

Thạc sĩ Phoenix Hồ Phụng Hoàng - chuyên gia về tư vấn hướng nghiệp
Thạc sĩ Phoenix Hồ Phụng Hoàng - chuyên gia về tư vấn hướng nghiệp

Trả lời trong hội thảo trực tuyến “Hướng nghề” hay “hướng nghiệp” do Trường PTLC Olympia tổ chức, thạc sĩ Phoenix Hồ Phụng Hoàng - chuyên gia về tư vấn hướng nghiệp – cho rằng: Cha mẹ đều muốn khi hoàn tất một chương trình đào tạo nào đó, con mình có thể tự kiếm tiền nuôi sống bản thân. Nhưng cũng có thể lật lại một vấn đề. Đó là, những yếu tố nào quan trọng nhất để chúng ta có thể tự đứng vững và tìm chỗ đứng cho mình ở một thị trường lao động thay đổi tới từng phút – đây mới là điều quan trọng, vì độ “hot” của nghề thì có thể thay đổi.

Ví dụ như 2002, IT rất “hot” ở Việt Nam nhưng vài năm sau đó không còn “hot” nữa. Năm 2005, ngành tài chính ngân hàng cũng “hot”, nhưng đến 2008 thì kinh tế lại suy giảm, mọi thứ không còn như cũ. Và nhiều ngành khác nhau cứ xuất hiện, thay đổi liên tục. Vậy nếu mình chạy theo ngành thì rất nguy hiểm”.

Do đó, các bạn hãy quay trở lại với những điều bất biến ở bên trong. Khi chọn nghề, không nên chỉ nhìn cái tên của nghề mà phải nhìn vào những đặc tính, đặc điểm trong đó. Ví dụ, một người có 3 nhóm sở thích, kỹ năng là nghệ thuật, xã hội, vận động thì chỉ cần đi tìm theo những nhóm nghề đó.

- Vậy nên bắt đầu hướng nghiệp từ khi nào? Phụ huynh nên làm gì để định hướng đúng đắn cho con mình?

Hướng nghiệp nên bắt đầu càng sớm càng tốt. Từ lúc có thể quan sát bé thì phụ huynh đã có thể giúp con hướng nghiệp rồi, nhưng theo từng độ tuổi. Khi con còn nhỏ, bố mẹ là người hiểu con hơn ai hết, biết con thích gì và giúp con trải nghiệm và khám phá.

Để định hướng đúng nghề nghiệp cho con, cha mẹ cần cho con được trải nghiệm nhiều như: đi làm thiện nguyện, đi chơi, đi khám phá…

Hội thảo trực tuyến “Hướng nghề” hay “hướng nghiệp” do Trường PTLC Olympia tổ chức
Hội thảo trực tuyến “Hướng nghề” hay “hướng nghiệp” do Trường PTLC Olympia tổ chức

- Hướng nghiệp với hướng nghề khác nhau ra sao?

Hướng nghiệp là hành trình hiểu mình là ai và hướng nghề là một phần trong đó. Hướng nghề là lúc mình phải ra quyết định chọn lựa những nghề nghiệp sắp tới. Còn hướng nghiệp thực ra là một quá trình rất dài và là một cuộc hành trình cả đời. Nó sẽ bắt đầu từ việc nhận thức mình là ai, điểm mạnh, sở thích của mình như thế nào rồi sau đó nhìn ra những chọn lựa nghề nhiệp khác nhau trên thị trường và xem chọn lựa nào ở thời điểm đó phù hợp nhất.

- Nếu đã biết khả năng, đam mê của mình nhưng gặp khó khăn về tài chính cũng như thời gian thì nên làm gì?

Đây là vấn đề của rất nhiều người gặp phải khi có mong muốn cho con đi du học nhưng nguồn tài chính có hạn. Mình thì rất thích một câu từ xưa đó là “Liệu cơm gắp mắm”. Nếu như hiện tại mình chưa có đủ điều kiện theo một ngành mình thích 100% thì có thể tạm thời cân nhắc tới những phương án khác, 50% thôi chẳng hạn.

Một trường hợp mình biết: em rất muốn vào showbiz nhưng hoàn cảnh khó khăn. Em đã có một lựa chọn khác là học trang điểm chuyên nghiệp, rồi từ đó tiến vào con đường mình yêu thích. Sau nhiều năm thì bạn ấy đã thực hiện được điều mình muốn và đang rất hạnh phúc. 

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Duyên (Phó hiệu trưởng trường PTLC Olympia): Nếu đã coi hướng nghiệp là một phần của giáo dục thì không nên chỉ cân nhắc nó là một “chương trình bài bản” mà cần lồng ghép trong mọi hoạt động và mục tiêu khi xây dựng chương trình.
Học sinh của luôn được khuyến khích trải nghiệm rất nhiều để tự nhận ra thế mạnh và sở thích của mình với các chương trình được xây dựng từ từ tiểu học lên đến hết THPT với nhiều hình thức đan xen như: trong các môn học chính khóa, các câu lạc bộ (khoa học, lập trình, truyền thông, chế tạo robot…) các môn học tự chọn, các hoạt động ngoại khóa… để các bạn phần nào hình dung ra con đường nghề nghiệp phía trước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.