Chương trình, SGK mới: Vào lớp cùng con

GD&TĐ - Để phụ huynh nắm rõ hơn Chương trình, SGK mới, kết hợp với nhà trường tốt hơn trong giáo dục con em, nhiều trường học ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã linh động tổ chức tuyên truyền đến cộng đồng, đặc biệt là cha mẹ học sinh.

Giờ học lớp 1 Trường Tiểu học An Nghiệp, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ). Ảnh: Quốc Ngữ
Giờ học lớp 1 Trường Tiểu học An Nghiệp, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ). Ảnh: Quốc Ngữ

Nhà trường, phụ huynh cùng đồng hành  

Để phụ huynh nắm rõ hơn về Chương trình, SGK mới, gần đây các trường tiểu học ở Đồng Tháp đã mời cha mẹ học sinh lớp 1 đến dự giờ học của con.

Tại Trường Tiểu học An Thạnh 1 (thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp), sau gần 1 tuần  triển khai mời phụ huynh đến lớp dự giờ học của con, kết quả thu về rất khả quan. Đa số phụ huynh đã nắm được, hiểu rõ hơn về Chương trình, SGK mới. Những thắc mắc, nghi ngờ của phụ huynh trước đây cũng được lãnh đạo trường, giáo viên giải đáp rõ ràng. Nhiều phụ huynh rất vui khi được hướng dẫn cách hỗ trợ con em trong việc học tập, đặc biệt là khai thác tài liệu từ bộ sách điện tử để có thể hướng dẫn, luyện tập cho con tại nhà.

Theo thầy Bùi Văn Sum, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Thạnh 1, việc mời cha mẹ học sinh lớp 1 dự giờ các tiết dạy nằm trong kế hoạch giáo dục của nhà trường, nhằm giúp phụ huynh tiếp cận gần hơn với chương trình mới, đặc biệt là bộ SGK lớp 1 đang được giảng dạy.

“Qua tiết dạy, nhà trường một lần nữa tuyên truyền đến cha mẹ học sinh về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là chương trình lớp 1 của năm học này. Đồng thời, nhân dịp này lãnh đạo nhà trường cũng giải đáp một số băn khoăn, trăn trở… giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về phương pháp dạy học, nội dung Chương trình, SGK”, thầy Sum cho biết.  

Sau buổi dự giờ lớp học của con, phụ huynh Nguyễn Bảo Xuyên (phường An Thạnh, thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp) chia sẻ: “Tiết dạy giúp chúng tôi hiểu hơn về chương trình, hiểu được cách dạy của thầy cô giáo. Phụ huynh sẽ đồng hành cùng giáo viên, nhà trường tốt hơn trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ con em. Đặc biệt, dịp này phụ huynh biết được cách khai thác bộ sách điện tử. Chúng tôi sẽ khai thác bộ sách này để hướng dẫn con em mình tự học ở nhà…”.

Cha mẹ học sinh lớp 1 dự giờ học của con tại Trường Tiểu học An Thạnh 1 (thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp). Ảnh: V.Sum
Cha mẹ học sinh lớp 1 dự giờ học của con tại Trường Tiểu học An Thạnh 1 (thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp). Ảnh: V.Sum

Thông suốt trong và ngoài nhà trường

Để thực hiện tốt Chương trình, SGK mới, bên cạnh việc chủ động chuẩn bị các điều kiện thực hiện, ngành Giáo dục TP Cần Thơ đồng thời huy động sự tham gia của các lực lượng trong và ngoài trường.

Theo đại diện Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai chương trình mới không chỉ ở việc chuẩn bị đội ngũ, cơ sở vật chất, mà còn phải vận động, tuyên truyền các lực lượng liên quan tham gia đồng hành, đặc biệt là cha mẹ học sinh. Ngành Giáo dục TP Cần Thơ đã chủ động xây dựng các phương án tuyên truyền và vận động các lực lượng tham gia bằng nhiều hình thức. Trong đó có công tác tuyên truyền đến phụ huynh học sinh thông qua các buổi tiếp xúc cử tri tại quận/huyện và thành phố.

Theo ông Lê Thanh Long, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ), sở chủ động báo cáo tổng quát các khó khăn cũng như thuận lợi trong công tác triển khai Chương trình GDPT mới cho Ban Tuyên giáo, HĐND cấp thành phố và quận/huyện để tranh thủ vận động sự tham gia của bên liên quan. Đồng thời, thông qua những buổi trao đổi, tiếp xúc với cử tri các cấp, ngành thực hiện việc tuyên truyền đến phụ huynh học sinh về Chương trình GDPT mới…

Giải pháp được ngành Giáo dục Cần Thơ triển khai là tạo sự đồng thuận, thấu hiểu của xã hội, đặc biệt là phụ huynh học sinh. Theo đó, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng chuyên môn và tất cả giáo viên lớp 1 họp chung với phụ huynh học sinh để giới thiệu về chương trình mới. Đồng thời, tại các buổi họp mặt, trao đổi nội dung triển khai chương trình mới của nhà trường đều có sự tham gia của phụ huynh học sinh, giáo viên chủ nhiệm và ban đại diện cha mẹ học sinh.

Yêu cầu đặt ra là hiệu trưởng nhà trường phải hiểu rõ, hiểu sâu và rộng, để trực tiếp lắng nghe những tâm tư của giáo viên và phụ huynh, từ đó có những biện pháp hỗ trợ cũng như giải đáp thắc mắc về chuyên môn, phương pháp giảng dạy, giúp cha mẹ cũng như giáo viên hiểu rõ nội dung triển khai chương trình mới. Qua đó tạo sự đồng thuận và đồng hành của phụ huynh học sinh với nhà trường.

Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nhơn Nghĩa 1 (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) trao đổi: Nhà trường tập trung tuyên truyền cho cán bộ, viên chức về Chương trình GDPT mới. Đồng thời, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, tuyên truyền sâu rộng trong phụ huynh bằng nhiều biện pháp như: Họp phụ huynh, họp hội đồng sư phạm, triển khai cho từng phụ huynh, in thông tin gửi cho phụ huynh, người dân để tạo sự đồng thuận về Chương trình GDPT mới…

Hiện ngành Giáo dục thành phố Cần Thơ chưa ghi nhận kiến nghị nào về Chương trình, SGK mới lớp 1. Qua đó cho thấy công tác định hướng, tuyên truyền, vận động và thuyết phục phụ huynh tham gia của ngành bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, tạo sự đồng thuận của phụ huynh học sinh trong thực hiện Chương trình GDPT mới. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ