Năm học 2020-2021: Những điểm nhấn

GD&TĐ - Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được triển khai năm đầu tiên ở lớp 1 trong điều kiện toàn ngành Giáo dục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

LTS: Năm học 2020-2021 kết thúc trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát ở nhiều địa phương. Học sinh tạm dừng đến trường khi chưa kịp hoàn thành bài thi học kỳ II. Học trò cuối cấp bước vào giai đoạn ôn tập nước rút cho kỳ thi vào 10 và thi tốt nghiệp THPT.

"Dĩ bất biến, ứng vạn biến", ngành GD các địa phương đã nhanh chóng thay đổi hình thức dạy học, hỗ trợ học sinh diện cách ly ôn tập, đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Một số tỉnh/thành lùi thời gian thi vào 10. Nơi đẩy nhanh tiến độ kiểm tra cuối kỳ, kết thúc sớm năm học…

Năm học này lần đầu triển khai chương trình mới với lớp 1 cùng nhiều đổi mới trong kiểm tra đánh giá, công nhận kết quả dạy, học trực tuyến là động lực để thầy trò cùng đổi mới, địa phương tập trung đầu tư, tạo tiền đề vững chắc cho năm học 2021-2022 và những năm tiếp theo.

Bài 4: Chương trình Giáo dục phổ thông mới: Hướng đi đúng trong đổi mới giáo dục

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được triển khai năm đầu tiên ở lớp 1 trong điều kiện toàn ngành Giáo dục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực toàn diện, những chuyển biến tích cực được ghi nhận ở cả người dạy và người học. 

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng (Tổng chủ biên SGK Tiếng Việt - Ngữ văn, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”): Chúng ta đang đi đúng hướng

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng.
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng.

Để đánh giá đầy đủ, chính xác chương trình, SGK mới, cần thời gian ít nhất 2 - 3 năm sau khi triển khai. Tuy vậy, thực tiễn một năm qua có thể thấy những tín hiệu rất tích cực. Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo hướng mở, tạo điều kiện để các nhóm tác giả SGK biên soạn theo những quan điểm khác nhau. Người dạy, người học được sử dụng SGK một cách chủ động, linh hoạt và sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương.

Sau một năm thực hiện, giáo viên, HS, phụ huynh đón nhận SGK mới rất tích cực. Phản hồi từ các địa phương cho thấy sự thay đổi lớn nhất là HS mạnh dạn, tự tin và có hứng thú hơn trong học tập. Kĩ năng cơ bản như đọc, viết, nói và nghe của các em đều đạt ở mức cao hơn so với HS lớp 1 những năm trước đây. Giáo viên đã tích cực đổi mới, được trao quyền chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong khi sử dụng SGK. Các thầy cô cũng được khích lệ trước những thay đổi của HS.

Để triển khai chương trình, SGK trong những năm tiếp theo đạt được hiệu quả tốt, chúng ta cần phải nỗ lực, cải thiện về nhiều mặt. Ở đây, tôi chỉ muốn tập trung vào mấy nhân tố có liên quan trực tiếp.

Trước hết, cần tổ chức tốt hơn nữa công tác biên soạn, thẩm định SGK, tập huấn giáo viên dạy học SGK mới và triển khai kế hoạch dạy học ở các địa phương. Việc biên soạn, thẩm định SGK trong 2 năm qua (SGK lớp 1, lớp 2, lớp 6) đã cho chúng ta kinh nghiệm quý giá để thực hiện tốt hơn trong những năm tới. Công tác tập huấn giáo viên dạy học SGK mới được triển khai khá tốt. Các thầy cô được tập huấn tương đối kĩ với nhiều hình thức đa dạng: Trực tuyến, trực tiếp, tự tập huấn, được tiếp cận SGK mới và tài liệu có liên quan trên trang điện tử của NXB.

Nhà trường cũng chủ động xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp, tổ chức hội thảo chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn để kịp thời rút kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn gặp phải trong quá trình dạy học. Công tác tập huấn, triển khai kế hoạch dạy học ở các địa phương rất cần được đánh giá đầy đủ để phát huy thành quả, kinh nghiệm trong những năm tới.

Cần đẩy mạnh công tác truyền thông về đổi mới Chương trình, SGK. Bộ GD&ĐT, các NXB, tác giả chương trình và SGK… cần giúp công chúng hiểu rõ hơn về đổi mới giáo dục, đặc biệt là cảm thông với những khó khăn, thách thức cần vượt qua để có bộ SGK tốt. Nếu hiểu hơn về đổi mới giáo dục, công chúng sẽ có đánh giá công tâm hơn về những gì ngành Giáo dục đang làm. Trong vấn đề này, đóng góp của các phương tiện truyền thông rất quan trọng.

Về phần mình, các NXB, tác giả SGK cần lắng nghe nhận xét, góp ý của nhà quản lý, giáo viên, phụ huynh HS và công chúng nói chung với tinh thần cầu thị. Sự thấu hiểu, đồng cảm từ các bên liên quan và môi trường trao đổi chân thành, thẳng thắn có mối quan hệ nhân quả khăng khít là điều kiện thiết yếu cho đổi mới giáo dục.

Phạm Đăng Khoa (Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk): Chất lượng tốt hơn, nhất là Tiếng Việt

Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa.
Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa.

Việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ giữa sở, ban, ngành và sự hỗ trợ đồng hành của đơn vị, tổ chức. Công tác chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện chương trình được ngành GD-ĐT Đắk Lắk chỉ đạo sâu sát, đúng kế hoạch, lộ trình và theo định hướng phát triển giáo dục.

Căn cứ kế hoạch, lộ trình triển khai Chương trình GDPT mới, ngành Giáo dục tham mưu cho chính quyền địa phương rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để có kế hoạch xây dựng, sửa chữa, mua sắm, bảo đảm đủ phòng học, thiết bị dạy học tối thiểu. Cùng với đó, rà soát đội ngũ giáo viên đáp ứng đủ số lượng, cơ cấu.

Về phía sở GD&ĐT đã chỉ đạo triển khai thực hiện công tác chuyên môn như: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng các modul của chương trình; bảo đảm 100% cán bộ quản lý, giáo viên được phân công dạy lớp 1 được tập huấn đầy đủ các modul bắt buộc. Việc lựa chọn SGK lớp 1 năm học 2020 - 2021 được thực hiện theo Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã tổ chức nghiên cứu lựa chọn bộ SGK phù hợp để sử dụng cho đơn vị mình.

Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua báo cáo, phản hồi từ cơ sở và từ kết quả thực tiễn kiểm tra, tư vấn, dự giờ lớp 1 năm học 2020 - 2021, chúng tôi nhận thấy kết quả triển khai Chương trình, SGK mới với lớp 1 trên cả nước nói chung, tại Đắk Lắk nói riêng đáp ứng được yêu cầu đổi mới. So với các năm trước, chất lượng giáo dục ở một số môn của HS lớp 1 năm nay tốt hơn, nhất là môn Tiếng Việt.

Đỗ Thị Mỹ (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh Mỹ Hoa Lư - Ninh Bình): Tiền đề vững chắc

Cô Đỗ Thị Mỹ.
Cô Đỗ Thị Mỹ.

Sau một năm triển khai Chương trình GDPT 2018 ở lớp 1, những ưu điểm của chương trình đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong chất lượng dạy và học.

Nhờ tham dự đầy đủ các buổi tập huấn, bồi dưỡng Chương trình, SGK mới, GV đã chủ động, linh hoạt trong xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy học và tổ chức hoạt động giáo dục, phân bổ các tiết dạy phù hợp với từng HS.

Từng tuần, tháng GV được tham gia buổi sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học cấp tổ, trường, liên trường... từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện bài dạy và tổ chức hoạt động giáo dục. Đến nay 100% GV đã chủ động với phương thức dạy học mới, biết kết hợp SGK và hệ thống ngữ liệu minh họa đa dạng trong thực tế làm bài học sinh động, gắn với thực tiễn.

Quá trình thực hiện chương trình mới, việc tiếp cận và ứng dụng CNTT của GV được nâng lên đáng kể. GV tích cực tìm kiếm tài nguyên trên mạng làm giàu hơn vốn kiến thức của bản thân, hỗ trợ đồng nghiệp và tiết học thêm sinh động.

Bên cạnh đó, GV có kỹ năng hơn trong công tác xã hội hóa giáo dục: Huy động cha mẹ HS tham gia các hoạt động giáo dục (hỗ trợ GV tổ chức các hoạt động trải nghiệm, dạy tài liệu địa phương...).

Vững vàng trong chuyên môn, chủ động thích ứng với điều kiện thực tế của đội ngũ là tiền đề vững chắc nhà trường tiếp tục thực hiện Chương trình GDPT 2018, đặc biệt với lớp 2 năm học 2021 - 2022.

Trần Nguyễn Phương Linh (GV lớp 1 - Trường Tiểu học Kim Ngọc Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc): Động lực để thay đổi

Cô Trần Nguyễn Phương Linh.
Cô Trần Nguyễn Phương Linh.

Chương trình GDPT 2018 đã bảo đảm định hướng thống nhất những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc với HS. Chương trình trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn SGK; xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp theo điều kiện của nhà trường, góp phần kết nối hoạt động giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

So với chương trình hiện hành, Chương trình GDPT 2018 bậc tiểu học không chỉ cung cấp kiến thức mà phát triển cả phẩm chất và năng lực. 3 yếu tố này góp phần hình thành và phát triển hài hòa trong một đứa trẻ... Mặt khác, nhiều môn học được tích hợp để thực hiện tinh giản, giảm số lượng môn học. Một số môn học xây dựng theo các chủ đề, tạo điều kiện cho HS lựa chọn những chủ đề phù hợp với sở thích và năng lực.

Không gian học tập đa dạng hóa. Thay vì trước đây HS chỉ học cố định trong lớp học thì giờ có thể di chuyển đến lớp học khác, không gian khác và học các nội dung khác… Đây là áp lực nhưng cũng là động lực buộc người thầy phải thay đổi.

Đặc biệt, thực hiện chương trình mới trong bối cảnh dịch bệnh, với bao khó khăn, bỡ ngỡ nhưng bản thân và đồng nghiệp đã nỗ lực để tiếp cận, truyền tải nội dung chương trình đến học trò. Những giờ học xuyên lớp, xuyên trường… nhờ ứng dụng CNTT, chủ động kế hoạch giảng dạy giúp chúng tôi hiểu rằng trong “nguy” luôn có “cơ” nếu biết nắm cơ hội, hướng đến HS. Sự tiến bộ của trò là thành quả của sự nỗ lực, tin tưởng của phụ huynh, là động lực để mỗi nhà giáo tự tin tiến về phía trước.

Nguyễn Thị Ngọc Liên (Phụ huynh HS Nguyễn Minh Châu, lớp 1A5 Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm Cầu Giấy - Hà Nội): Trút gánh nặng

Chị Nguyễn Thị Ngọc Liên.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Liên.

Theo dõi sát quá trình con học, tôi thấy Chương trình, SGK mới không gây khó khăn cho trẻ và phụ huynh như suy nghĩ ban đầu. Nhà trường, GV đã triển khai chương trình hợp lý hiệu quả. Ngay cả khi dư luận ồn ào xung quanh vấn đề nặng nhẹ, “sạn” SGK, con vẫn nói những câu chuyện trong SGK hay. Con vẫn hiểu và thích đọc, thích đến trường lớp.

Trước khi con vào lớp 1, gia đình không cho con học trước chương trình mà chỉ tổ chức các trò chơi vừa học vừa vui cho cọn nhận diện mặt chữ, số. Quá trình con học tập, gia đình chủ yếu động viên, đồng hành về mặt tư tưởng, trao đổi cùng con vấn đề trường lớp. Còn luyện đọc, viết, làm bài tập, bố mẹ không mất thời gian kèm cặp do nhà trường, cô giáo đã hướng dẫn và giúp trẻ học hoàn thiện tại trường.

Trong gia đình, con lớn học theo Chương trình GDPT hiện hành, con nhỏ học theo Chương trình GDPT 2018. Dù rất khó để so sánh nhưng tôi thấy chương trình mới trẻ dễ tiếp thu và học đơn giản. Hết lớp 1 con đã đọc thông, viết thạo, thích đọc truyện, sách, kể chuyện theo tranh. Kết thúc năm học lớp 1 tôi thấy yên tâm chương trình mới với lớp 1 và những năm tiếp theo.

Bài 1: Dạy và học thời đại dịch, biến nguy thành cơ

Bài 2: Đổi mới kiểm tra, đánh giá: Cải thiện hiệu quả giáo dục

Bài 3: Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ