Chuẩn bị triển khai Chương trình GDPT mới: Trường miền núi khắc phục khó khăn

GD&TĐ - Trong không ít khó khăn về cơ sở vật chất, nhiều điểm lẻ, lớp ghép cần dồn dịch, các trường học vùng cao đã không ngừng nỗ lực khắc phục, sửa chữa trường lớp… tạo tiền đề tốt nhất để chuẩn bị thực hiện Chương trình GDPT mới.  

HS Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng (Lào Cai) đọc sách trong giờ sinh hoạt CLB Tiếng Anh. Ảnh: TG
HS Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng (Lào Cai) đọc sách trong giờ sinh hoạt CLB Tiếng Anh. Ảnh: TG

Trong không ít khó khăn về cơ sở vật chất, nhiều điểm lẻ, lớp ghép cần dồn dịch, các trường học vùng cao đã không ngừng nỗ lực khắc phục, sửa chữa trường lớp… tạo tiền đề tốt nhất để chuẩn bị thực hiện Chương trình GDPT mới.

Ổn định cơ sở vật chất

Trong ngôi trường khang trang, thầy giáo Phạm Đức Chính, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Đồng Sơn (Hoành Bồ, Quảng Ninh) cho biết: Trường TH&THCS Đồng Sơn thuộc địa bàn xã Đồng Sơn, dân cư sống không tập trung, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 98% dân số. Trường gồm 1 điểm trung tâm và 4 điểm trường lẻ, các điểm trường lẻ cách xa điểm trường trung tâm (Phủ Liễn, Đồng Cẩm, Cẩm Kèn, Khe Nội). Năm học 2019 - 2020, trường huy động 28 lớp với 455 học sinh, trong đó có 103 HS tiểu học học nội trú tại điểm trường trung tâm do dồn ghép các điểm trường lẻ.

Năm 2019, Trường TH&THCS Đồng Sơn được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vận động tài trợ xây dựng thông qua việc trao tặng bóng và áo thi đấu với chữ ký của các thành viên đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam. Trường được khởi công từ tháng 3/2019, với kinh phí trên 8,3 tỷ đồng, bao gồm 18 phòng học, 21 phòng nội trú, đáp ứng nhu cầu dạy và học của 456 học sinh, 42 giáo viên. Hiện tại các hạng mục xây dựng của nhà trường đã hoàn thiện và sẵn sàng đưa vào phục vụ công tác dạy và học.

Theo thầy Phạm Đức Chính, đây là công trình có ý nghĩa quan trọng bổ sung cơ sở vật chất của trường, tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc trên địa bàn xã Đồng Sơn được nuôi dạy tốt hơn.

Công trình đưa vào sử dụng sẽ huy động HS từ các điểm trường lẻ về học tập và sinh hoạt tại điểm trường trung tâm. Các em được đảm bảo an toàn do không phải đi lại qua các khe suối. Môi trường học tập nội trú giúp các em được giao lưu, học hỏi, hoàn thiện kỹ năng trong học tập và sinh hoạt.

Học sinh vùng cao. Ảnh minh họa/ INT
 Học sinh vùng cao.       Ảnh minh họa/ INT

Chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đổi mới cho đội ngũ

Việc xóa các điểm trường lẻ về điểm trường chính đã góp phần đưa chất lượng giáo dục các tỉnh miền núi khởi sắc. Hệ thống mạng lưới trường lớp từng bước được rà soát, sắp xếp và hoàn thiện ở các cấp học, ngành học theo hướng hợp lý và hiệu quả hơn.

Thầy Đào Đình Nguyên, Hiệu trưởng Trường TH&THCS số 2 Cam Cọn (Bảo Yên, Lào Cai) cho biết: Từ năm học 2018 - 2019, nhà trường đã đưa 35 học sinh ở các điểm trường lẻ về trung tâm. Ở các điểm trường lẻ chỉ có học sinh lớp 1 và lớp 2, còn học sinh lớp 3, 4, 5 đã chuyển về điểm trường chính. Các em được nhà trường bố trí ở nội trú tại trường. Năm học 2019 - 2020, nhà trường có 22 lớp (15 lớp TH, 7 lớp THCS) với 474 học sinh, trong đó có 101 học sinh ở bán trú tại trường.

Hiện nay, việc quan trọng nhất với nhà trường là chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đổi mới cho đội ngũ CBQL, GV. Để chuẩn bị thực hiện Chương trình GDPT mới từ năm học 2020 – 2021 đối với lớp 1, nhà trường đã rà soát, chọn lọc giáo viên trong nhà trường tham gia các lớp tập huấn do ngành tổ chức, tập trung tập huấn cho các giáo viên dạy lớp 1 năm học 2019 - 2020 và giáo viên dự kiến dạy lớp 1 năm học 2020 - 2021.

Chia sẻ về việc triển khai Chương trình GDPT mới ở bậc tiểu học, cô Ma Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng (Lào Cai) cũng cho biết: Theo kế hoạch chỉ đạo của Sở GD&ĐT Lào Cai, nhà trường đã thực hiện dạy hai môn học GD lối sống và Hoạt động trải nghiệm sáng tạo theo Chương trình, SGK GDPT mới từ năm học 2017 – 2018. Nhà trường lựa chọn, chuẩn bị đội ngũ GV dạy các lớp đầu cấp để có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cho 100% GV được phân công dạy theo Chương trình, SGK GDPT mới theo lộ trình của Bộ GD&ĐT. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ