Cần một hệ quy chiếu mới đào tạo tín chỉ trong bối cảnh chuyển đổi số

GD&TĐ - Trong bối cảnh chuyển đổi số và giáo dục thông minh, phương thức đào tạo theo tín chỉ cần được nhìn nhận, đánh giá lại theo một hệ quy chiếu mới.

SV Trường Đại học Bách khoa trao đổi kiến thức về CNTT trong thư viện. Ảnh: Thiên Thanh
SV Trường Đại học Bách khoa trao đổi kiến thức về CNTT trong thư viện. Ảnh: Thiên Thanh

Bảo đảm chất lượng đầu ra 

Theo ông Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng, phương thức đào tạo theo tín chỉ lấy người học làm trung tâm trong quá trình dạy và học, giảm sự nhồi nhét kiến thức của người dạy, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học. Trong phương thức này, tự học, nghiên cứu của sinh viên được coi trọng, được tính vào nội dung và thời lượng của chương trình. Người học vừa tiếp nhận kiến thức, đồng thời chủ động tạo kiến thức, hướng tới đáp ứng những nhu cầu của thị trường lao động ngoài xã hội. 

Vấn đề đặt ra là công cụ nào giúp sinh viên có thể tự học, nghiên cứu và sáng tạo tri thức? Công cụ nào giúp giám sát, đánh giá quá trình tự học,  nghiên cứu của sinh viên? Đặt câu hỏi này, ông Nguyễn Vinh San khẳng định: Vấn đề đặt ra không còn khó giải quyết với sự phát triển của công nghệ số, công nghệ giáo dục. Điều này được minh chứng rõ nét khi giáo dục Việt Nam phải chuyển mình để ứng phó với dịch bệnh Covid-19, các trường đại học nhanh chóng chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến với đa dạng các hình thức dạy và học trên môi trường công nghệ số.

Trong những năm gần đây, đào tạo tín chỉ đã đi vào ổn định và phát huy được những ưu điểm vượt trội, thúc đẩy quá trình đào tạo hiệu quả, bảo đảm chất lượng đầu ra, thực hiện sứ mệnh và tầm nhìn của các đơn vị, cơ sở giáo dục đại học. Đưa đánh giá này, TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cũng nhìn nhận: Các hình thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học, nguyên tắc xây dựng và phát triển chương trình, kiểm tra đánh giá theo tiếp cận tín chỉ… (từng là thế mạnh của đào tạo tín chỉ so với đào tạo theo niên chế) đã bị “cơn lốc số” nhấn chìm với hàng loạt các xu hướng, giải pháp và công cụ công nghệ số trong dạy học phi truyền thống (MOOC, SPOC, Blended/Flipped/Personalized learning…).

Quá trình đào tạo tại cơ sở giáo dục đại học lúc này không thể chỉ dựa vào một mô hình (hay phương thức duy nhất) để vận hành hệ thống. Điều này đòi hỏi phải “cấu hình lại” và “khởi động lại”, thậm chí “tăng hiệu suất chức năng” của hệ thống trong nhà trường để thích ứng với những thay đổi và ứng đáp trước các tác động vào quá trình giáo dục đang diễn ra hiện nay. 

Phát huy lợi thế công nghệ số

Để có thể phát huy lợi thế của công nghệ số trong đào tạo tín chỉ, ông Nguyễn Vinh San cho rằng: Chúng ta cần có một hành lang pháp lý đầy đủ (đặc biệt là kiểm tra, đánh giá, công nhận kết quả) để có thể sử dụng kết hợp các công nghệ giáo dục vào hoạt động dạy và học. Đã đến lúc chúng ta phải xem E-learning, Blended-Learning, LMS… là những giải pháp quan trọng trong việc hỗ trợ sinh viên tự học, tự nghiên cứu, tự chiếm lĩnh tri thức.

Một số điểm quan trọng cần chú ý khi áp dụng công nghệ số vào dạy và học trong học chế tín chỉ, theo ông Nguyễn Vinh San, hệ thống cơ sở vật chất, đường truyền Internet, phần mềm…; phương pháp dạy và học thích hợp cho từng loại hình; thư viện số, tài nguyên học liệu; đặc biệt là hành lang pháp lý hoàn chỉnh để người học yên tâm sử dụng và được công nhận.

TS Tôn Quang Cường thì nhấn mạnh: Giáo dục thông minh, hệ sinh thái giáo dục… đang trở thành một xu hướng tất yếu trong bối cảnh giáo dục đại học của thế kỉ 21. Cùng với sự phát triển của công nghệ giáo dục, chuyển đổi số trong giáo dục đại học đang thực hiện một chức năng kép: Như một mô hình tái cấu trúc nhằm đổi mới quá trình đào tạo đồng thời là một “quy trình công nghệ” của giáo dục tương lai, cung cấp một cơ hội học tập mở suốt đời cho mọi người và cho mỗi cá nhân. 

Trong thời gian tới, việc chuyển đổi mô hình, phương thức đào tạo cần được tiếp tục nghiên cứu một cách bài bản, khoa học theo một số định hướng sau: xây dựng các mô hình thiết kế, phát triển chương trình đào tạo theo hướng cá nhân hóa; phát triển các nền tảng công nghệ mới, quy mô lớn, diện rộng nhằm đáp ứng đa dạng các nhu cầu đào tạo; xây dựng hệ thống LMS, LCMS; tích hợp các phương thức phi truyền thống (MOOC); công nhận kết quả và chuyển đổi tín chỉ trong đào tạo trực tuyến; xây dựng mô hình hiệu quả tổ chức và quản lí đào tạo dựa trên công nghệ; tìm kiếm các phương pháp sư phạm và công cụ công nghệ phù hợp cho dạy học cá nhân hóa…

Đào tạo theo tín chỉ có lịch sử gần 150 năm từ ĐH Havard, phổ biến ở châu Âu hơn 50 năm và áp dụng ở Việt Nam từ năm 2006. Bản chất của học chế tín chỉ không phụ thuộc vào công nghệ số hay Internet. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của công nghệ số đã giúp khắc phục hạn chế của học chế tín chỉ khi thời lượng học trực tiếp trên lớp không đủ để truyền tải đầy đủ khối lượng kiến thức của môn học. - Ông Nguyễn Vinh San

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ