Như vậy giáo viên phải rất chú trọng đến đặc trưng của từng lớp để áp dụng các hoạt động phù hợp nhằm mang lại không khí hào hứng sôi động trong lớp.
Ví dụ như lớp nào sôi động có thể cho làm các hoạt động role-play còn lớp nào trầm hơn thì nên áp dụng role-card nhiều. Vấn đề cốt lõi là làm cho sinh viên sử dụng tiếng Anh để đạt được mục đích giao tiếp.
Hơn thế nữa, trong khi cho sinh viên nghe các cuộc đối thoại, giáo viên còn phải chú trọng đến việc phân tích cho sinh viên thấy rõ tác dụng của ngữ điệu (intonation) trong giao tiếp và tác dụng của các từ đệm (discourse markers) và khuyến khích sinh viên sử dụng chúng trong các cuộc đối thoại của mình.
“Trong hệ tín chỉ, việc giảng dạy môn Speaking không chú trọng quá nhiều đến độ chính xác của ngôn ngữ (accuracy) do sinh viên tạo ra mà chú trọng nhiều hơn đến độ phù hợp của ngôn ngữ trong văn cảnh (appropriateness).
Để làm được điều này, giáo viên cần phải chú ý rất nhiều đến sinh viên của mình, cụ thể là cách sinh viên dùng ngôn từ giải quyết các vấn đề được đưa ra.
Tóm lại, giáo viên cần phải làm sinh viên để ý đến những điểm làm cho một bài đối thoại được tự nhiên và tập cho sinh viên mình cách đối thoại cũng tự nhiên như thế.
Ngoài ra, việc thảo luận về một số nét văn hóa của các nước nói tiếng Anh cũng là một điều hết sức cần thiết. Ta không muốn sinh viên nói tiếng Anh giỏi nhưng lại không cư xử phù hợp về mặt văn hóa.
Do đó việc thảo luận các vấn đề về những điều mà văn hóa phương Tây cho là không phù hợp là hết sức cần thiết để sinh viên có thể nói tiếng Anh thực sự theo kiểu Anh. Như vậy, giáo viên phải chú trọng đền việc nâng cao kiến thức và nhận thức về văn hóa để có thể nhận xét và góp ý chính xác cho các bài nói của sinh viên” - cô Nguyễn Diên Châu Giang nhấn mạnh.
Đối với kỹ năng nghe, cô Nguyễn Diên Châu Giang cho rằng, giáo viên cần tập trung vào việc sinh viên hiểu ý của bài nghe và phản ứng phù hợp hơn là nghe đề làm bài tập. Đôi khi cần phải nhấn mạnh, để làm các bài tập nghe hiệu quả cần cả kỹ năng nghe nói chung (listening skill) và cả kỹ năng làm bài (test-taking skill).
Giáo viên cần phải làm rõ điều này với sinh viên và tập trung phát triển kỹ năng nghe trước khi tập trung nâng cao kỹ năng làm cho sinh viên.
“Thực ra, việc học nghe nói kết hợp đem lại sức sống cho các lớp học nghe truyền thống khi sinh viên chỉ nghe từ băng cassette và làm bài. Trong một lớp học nghe nói kết hợp, việc giáo viên cho sinh viên thảo luận nhóm cũng là cách luyện kỹ năng nghe, cụ thể là nghe ý chính, cho sinh viên và việc phản hồi phù hợp đòi hỏi cả một sự thấu hiểu những gì nghe được về mặt ngôn ngữ và về mặt tư duy. Điều này xóa bỏ việc nghe sáo rỗng như các lớp học listening truyền thống” – chia sẻ của cô Châu Giang.
Ngoài việc dạy các chủ điểm trong giáo trình, thêm vào các hoạt động khác trong sách nhằm phát triển một tiểu kỹ năng (sub-skill) nào đó của sinh viên, giáo viên cũng nên sắp xếp thời gian cho sinh viên tiếp xúc với phim ảnh bằng tiếng Anh.
Giáo viên có thể soạn những câu hỏi để sinh viên trả lời sau khi xem để kiểm tra kỹ năng nghe và kỹ năng tư duy. Ngoài ra trong lúc cho sinh viên xem phim, giáo viên cũng nên tập trung sự chú ý của sinh viên vào các cụm từ (expressions) thông dụng trong văn nói và giải thích sau đó để sinh viên có thể học theo.