Hiểu đúng về ngành Giáo dục: Bài 1: Nhiều vấn đề bị “thổi phồng”

GD&TĐ - LTS: Thời gian qua, xảy ra một số vụ việc tiêu cực liên quan đến ngành GD. Với cái nhìn phiến diện, chưa thấu đáo, một số người đã bày tỏ ý kiến mang tính quy kết, chụp mũ, thổi phồng sự việc. 

 Hiểu đúng về ngành Giáo dục: Bài 1:  Nhiều vấn đề bị “thổi phồng”

Theo các chuyên gia, GD liên quan đến mọi người, mọi nhà, vì thế chỉ một vấn đề nhỏ cũng có thể tác động nhiều chiều đến dư luận xã hội. Điều đáng nói là, có những vấn đề đã bị “thổi phồng” và quy kết một cách thiếu căn cứ khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng.

Trước thực trạng ấy, ngành GD đã chủ động vào cuộc, tiếp cận thông tin, nhìn thẳng vào sự thật với tinh thần cầu thị, kịp thời xử lý khủng hoảng truyền thông, nêu cao trách nhiệm, bảo vệ uy tín của ngành, lấy lại niềm tin của xã hội.  Loạt bài “Hiểu đúng về ngành Giáo dục” hy vọng mang lại cho bạn đọc một cái nhìn công bằng, thấu đáo, đúng đắn về sự nghiệp trồng người trong giai đoạn hiện nay.

Bình tĩnh, không vội quy kết

Còn nhớ một số sự việc xảy ra trong thời gian vừa qua như: “Cô giáo ở Bình Thuận vào nhà nghỉ với nam sinh”; “Thầy giáo ở Bắc Giang bị tố dâm ô nhiều học sinh nữ”, hay vụ học sinh ở Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn… mặc dù chưa có kết luận chính xác nhưng sự việc đã được “thổi phồng” khiến dư luận hoang mang.

Không hài lòng với cách giật tít, viết bài của một số tờ báo và thông tin trên mạng xã hội, PGS.TS Vũ Trọng Rỹ - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý GD Việt Nam - cho rằng, nhiều cơ quan báo chí khai thác sâu các đề tài tiêu cực, nhạy cảm và chạy theo thị hiếu của dư luận xã hội. Trong khi đó có biết bao việc làm tốt và tử tế thì lại ít được nhắc tới. Ngay trong nhà trường cũng vậy, có nhiều thầy cô giáo tâm huyết sẵn sàng hy sinh vì học sinh, vì sự nghiệp GD nhưng ít được báo chí quan tâm và lan tỏa.

“Mong rằng, các cơ quan báo chí, các nhà báo phát hiện nhiều hơn nữa những tấm gương nhà giáo tiêu biểu, những việc làm tốt trong các nhà trường. Tất nhiên báo chí phải phê phán, phản biện nhưng cũng cần đưa tin trung thực, khách quan, không nóng vội và không làm méo mó sự việc, gây hoang mang dư luận”- PGS.TS Vũ Trọng Rỹ trao đổi.

Dẫn giải một vài vụ việc gần đây, PGS.TS Vũ Trọng Rỹ cho biết, chẳng hạn như sự việc “cô giáo ở Bình Thuận vào nhà nghỉ với nam sinh”, mặc dù chủ nhà nghỉ đã lên tiếng minh oan cho cô giáo nhưng báo chí vẫn khai thác mọi “ngóc ngách” khiến sự việc bị đẩy đi quá xa. Hay như sự việc “Học sinh ở Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn”, trong khi các cơ quan chức năng chưa có kết luận chính thức thì chúng ta cũng không nên nóng vội quy kết cho nhà trường. “Vì thế trước khi đưa thông tin có ảnh hưởng, tác động lớn đến xã hội, cần bình tĩnh, cân nhắc, điều tra xác minh thông tin và nghĩ đến toàn cục.

Hiện nay, đã phân cấp quản lý Nhà nước đến các địa phương và các ngành chức năng. Thiết nghĩ, khi có sự vụ xảy ra, các địa phương, các ngành chức năng cần chủ động cung cấp thông tin, có thể mời báo chí cùng vào cuộc xác minh để có thông tin chính xác, khách quan trước khi viết bài. Quan điểm là, sai đến đâu thì xử lý đến đó, tuyệt đối không né tránh và bao che” - PGS.TS Vũ Trọng Rỹ nhấn mạnh.

Thông tin về học sinh ở Thuận Thành (Bắc Ninh) bị nhiễm sán lợn khiến phụ huynh hoang mang, lo lắng và vội vàng đưa con lên Hà Nội xét nghiệm. Ảnh: Thế Đại
Thông tin về học sinh ở Thuận Thành (Bắc Ninh) bị nhiễm sán lợn khiến phụ huynh hoang mang, lo lắng và vội vàng đưa con lên Hà Nội xét nghiệm. Ảnh: Thế Đại 

Từ điểm cá biệt, không thể quy kết tổng thể

Theo bà Phan Thị Hồ Điệp - Khoa Giáo dục Đặc biệt (Trường ĐHSP Hà Nội), truyền thông cần nói sự thật nhưng không nên thổi phồng sự thật. Truyền thông không nên chỉ nhìn vào những điểm cá biệt để quy kết về một nền giáo dục, điều đó vô tình gây hoang mang cho phụ huynh, làm cho bức tranh học đường trở nên u ám. “Hãy khoan trở thành quan tòa, hãy khoan trở thành người đấu tố. GD cần sự điềm đạm và nhìn thẳng vào vấn đề nhưng không phải là sự mạt sát” – bà Điệp chia sẻ.

 

Các đơn vị cần chủ động cung cấp thông tin và lan tỏa các thông tin tích cực về ngành. Cụ thể, tăng cường hệ thống báo cáo, cung cấp thông tin các cấp về hoạt động của ngành, của địa phương cho các cấp lãnh đạo, các bộ, ban, ngành... tăng cường công tác định hướng thông tin cho cán bộ, giáo viên, HSSV....

 
TS Nguyễn Viết Lộc - Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT

Cho rằng, sự thật không phải là một khái niệm đơn giản, bà Điệp dẫn giải: Người ta thường nói: “Thuốc đắng giã tật - sự thật mất lòng”. Nhưng nếu coi sự thật là “thuốc đắng” có nghĩa là đã sắp xếp nó, cân đong đo đếm nó với “thuốc đắng”.

Sự thật là một khái niệm phức tạp, có nội hàm phong phú và nó là một trong ba khía cạnh của cái đẹp, chỉ có điều chúng ta không được rèn luyện, không đủ bản lĩnh, không đủ kinh nghiệm để mô tả sự thật. Thật không dễ nghe khi sự thật được nói ra xâm phạm tới lợi ích của người đối thoại. Trong trường hợp này, phải làm rõ, lợi ích của người đó có chính đáng hay không, nếu có, thì người nói ra sự thật đó có lỗi.

Để tạo chuyển biến căn bản, nâng cao một bước chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông của toàn ngành Giáo dục, TS Nguyễn Viết Lộc - Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT cho rằng, cần phải triển khai kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, một trong những giải pháp quan trọng là cần đồng bộ cách thức truyền thông của ngành theo hướng chuyên nghiệp, tinh gọn và hiệu quả. Các cơ sở giáo dục bám sát kế hoạch truyền thông tổng thể của Bộ để xây dựng các chương trình, kế hoạch truyền thông tại các đơn vị, nhất quán và đồng bộ với Bộ dựa trên thế mạnh, đặc thù riêng của từng đơn vị.

Cùng với đó, cần rà soát và tổ chức xây dựng các văn bản hướng dẫn, quản lý, điều hành về công tác truyền thông của ngành. Các văn bản này gắn với chế tài cụ thể và đồng nhất với văn bản về đánh giá thi đua khen thưởng của ngành để khuyến khích kịp thời cũng như ngăn chặn các hành vi vi phạm về công tác truyền thông và quản trị thương hiệu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ