Hành trình gieo chữ bớt chông gai
Từ đầu năm học đến nay, lớp học do thầy Lê Ngọc Tuấn – Trường Tiểu học Hải Hà (Nghi Sơn, Thanh Hóa) chủ nhiệm vẫn duy trì đều sĩ số. Ý thức học tập của các em khá tốt, phụ huynh ngày một quan tâm đến con cái. “Có kiến thức sẽ giúp tương lai của con em mình xán lạn hơn, ít nhất là không phải “chân lấm tay bùn” nên phụ huynh chủ động phối hợp với giáo viên, nhà trường trong giáo dục. Giáo dục vùng khó không còn khó như trước đây, ít nhất là từ trong tư duy, nhận thức của người dân” – thầy Tuấn chia sẻ.
Không còn là những lớp học tạm, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Pố Lồ (Hoàng Su Phì, Hà Giang) đã có những phòng học, nhà ở nội trú khang trang, với đầy đủ đồ dùng, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy - học và sinh hoạt của học sinh.
Cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Tuyến cho hay: Toàn trường có hơn 300 học sinh đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Trường có 2 điểm lẻ là: Cóc Sọc và Thu Mưng. Vài năm trở lại đây, cơ sở vật chất của trường được đầu tư xây dựng nên khang trang, sạch đẹp; học sinh được tạo điều kiện học bán trú tại trường từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.
Cũng theo cô Tuyến, những năm trước đây, nhà trường vẫn phải cắt cử giáo viên “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động phụ huynh đưa con em đến trường. Vất vả nhất là sau dịp nghỉ hè và nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, hiện tình trạng này không còn xảy ra, phụ huynh đã chủ động đưa con em đến trường theo lịch học tập của nhà trường. Vấn đề giữ chân học sinh không còn đáng lo ngại.
Có được kết quả này là nhờ nỗ lực của các thầy, cô giáo; cán bộ ngành Giáo dục và chính quyền địa phương trong việc vận động, tuyên truyền bà con dân bản, đưa con em tới trường. Cùng với đó là những chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số thiết thực và hiệu quả. “Quan trọng nhất là sự thay đổi tư duy, nhận thức của bà con, bởi nếu “tư tưởng không thông thì vác bình tông cũng nặng”. Đây là một trong những thành công lớn của giáo dục vùng khó”, cô Tuyến bày tỏ.
Cánh cửa đến với tri thức
Tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Tả Ván (Quản Bạ, Hà Giang), thầy Hiệu trưởng Hoàng Văn Hiếu cho biết: Khoảng 5 năm gần đây, gần như không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng hoặc tảo hôn. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh học nghề và học lên THPT tăng lên rõ rệt, trung bình mỗi năm đạt hơn 70% trên tổng số hơn 200 học sinh.
“Kết quả này là sự thay đổi đáng kể về chất lượng và số lượng cũng như nhận thức của phụ huynh, học sinh. Có thể nói, đây là sự “thay da, đổi thịt” rất lớn của giáo dục vùng khó. Giờ đây, phụ huynh đã quan tâm, chăm lo tới việc học của con cái. Minh chứng rõ nhất là, các buổi họp phụ huynh của trường, họ đều tham gia đầy đủ. Nhiều phong trào, hoạt động của nhà trường có sự chung tay góp sức của phụ huynh” – thầy Hiếu cho hay.
Chia sẻ về những đổi mới của ngành Giáo dục địa phương, ông Đặng Hữu Dương – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) - phấn khởi chia vui: Sự nghiệp trồng người nơi vùng khó không còn gian nan, vất vả như những năm về trước, mà đã bước sang một trang mới, với diện mạo mới. Trường học giờ đây là ngôi nhà thứ hai của học sinh. Trên khắp rẻo cao này, những ngôi trường khang trang, sạch đẹp đang là cánh cửa để con em đồng bào dân tộc thiểu số đến với con chữ.
Theo ông Lê Như Xuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GD&ĐT), những năm qua, Đảng, Nhà nước và xã hội dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã có những chuyển biến đáng kể như: Hệ thống trường, lớp học được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, bảo đảm đủ điều kiện, từng bước nâng cao chất lượng dạy - học. Tỷ lệ học sinh đến trường tăng cao, học sinh lưu ban, bỏ học ngày càng giảm. Qua đó, kết quả phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS ngày càng được duy trì bền vững.
Đặc biệt, hệ thống giáo dục chuyên biệt gồm: Trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học ngày càng phát huy hiệu quả tích cực vào công tác tạo nguồn nhân lực có chất lượng.
Chế độ cử tuyển đã góp phần đáng kể trong việc đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số có trình độ ở địa phương. Các chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên và người học là người dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Qua đó, đã khuyến khích công tác dạy - học, tạo sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.