Giáo dục vùng đất Tháp Mười vươn lên nhờ khát khao con chữ

GD&TĐ - Với khát khao con chữ đổi đời, giáo dục vùng đất Tháp Mười từ nghèo khó, vô vàn khó khăn, đã trở thành điểm sáng của Đồng Tháp, có nhiều trường dẫn đầu tỉnh về kết quả thi tuyển sinh, học sinh giỏi, học sinh trúng tuyển ĐH, học sinh đỗ đạt cao, học sinh thành đạt để trở thành các nhà khoa học, nhà chính trị, nhà kinh tế, nhà quản lý xuất sắc ở địa phương và trung ương...

Giáo dục vùng đất Tháp Mười vươn lên nhờ khát khao con chữ

Thay đổi từ “vùng trũng” giáo dục

Là người nhiều năm gắn bó với giáo dục Tháp Mười, ông Nguyễn Văn Định - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp – nhớ lại: những năm đầu thành lập, đất rộng, người thưa, hệ thống giáo dục nơi đây vô vàn khó khăn; tỷ lệ bỏ học hằng năm rất cao do giao thông không thuận lợi, học sinh đến trường nhiều trở ngại.

Đội ngũ giáo viên hầu hết đến từ nhiều địa phương khác, không ít người đến từ tỉnh xa nên nhân sự thiếu ổn định, giáo viên chuyển công tác thường xuyên. Vì thiếu giáo viên nên việc dạy nhiều môn và dạy trái môn là khá phổ biến... Chất lượng giáo dục phổ thông vào những năm đầu đạt thấp so với mặt bằng chung của Đồng Tháp.

“Thuận lợi gần như duy nhất nhưng có tính quyết định chính là sự “khát khao con chữ đổi đời” của bà con nhân dân nghèo và lòng quyết tâm phát triển giáo dục của Đảng bộ và chính quyền huyện mới.

Về chất lượng đội ngũ CBQL và giáo viên, huyện Tháp Mười cũng là 1 trong ít địa phương có tỉ lệ giáo viên dạy giỏi các cấp, giáo viên đạt Viên phấn vàng, giáo viên có trình độ vượt chuẩn, giáo viên được phong tặng Nhà giáo ưu tú, Huân chương Lao động.... cao nhất trong tỉnh.

Minh chứng rõ ràng nhất cho sự “lột xác” của giáo dục vùng đất này là hệ thống trường lớp. Năm 1981, cả huyện chưa có trường mầm non và mẫu giáo, chỉ có 6 trường phổ thông cơ sở cho học sinh của 9 xã với 2 cấp học tiểu học và trung học cơ sở học chung và 1 trường phổ thông trung học là Trường PTTH Mỹ An (nay là THPT Tháp Mười) dành cho học sinh toàn huyện.

Nhưng sau hơn 35 năm, huyện đang có 6 trường mầm non, 13 trường mẫu giáo (7 trường đạt chuẩn quốc gia), 30 trường tiểu học (10 trường đạt chuẩn), 13 trường THCS (9 trường đạt chuẩn), 2 trường TH & THCS, 5 trường THPT (3 trường đạt chuẩn).

Điểm nổi bật là huyện Tháp Mười từng có 3 trường đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp ở 3 cấp học khác nhau là: Tiểu học Dương Văn Hòa (năm 2003), Mầm non Tháp Mười (2004), THPT Tháp Mười (2004).

Học sinh Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp)
Học sinh Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp)

Sau nhiều năm duy trì kết quả ở mức cao trong tỉnh, năm học 2016-2017 là năm đạt thành tích rực rỡ về chất lượng giáo dục THPT huyện Tháp Mười khi lần đầu tiên huyện có 2/5 trường THPT có kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh tốt nhất tỉnh về số lượng và chất lượng, có nhiều học sinh đạt giải nhất. Nếu kể cả 2 trường chuyên, Trường THPT Tháp Mười và THPT Phú Điền lần lượt xếp thứ ba và thứ năm tỉnh.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, lần đầu tiên cả huyện có 100% học sinh tốt nghiệp THPT với chất lượng rất cao. Trong số 32 điểm 10 của toàn tỉnh, huyện Tháp Mười đạt 6, đáng chú ý là cả 5/5 trường đều có học sinh đạt điểm 10.

Trường THPT Tháp Mười nhận Huân chương Lao động hạng nhất
Trường THPT Tháp Mười nhận Huân chương Lao động hạng nhất

Những động lực mạnh mẽ

Từ một vùng đất bị chiến tranh tàn phá qua hai thời kì, cuộc sống của nhân dân Mỹ An nghèo khó, thiếu cái chữ để đổi đời. Nhưng với ước mơ của nhân dân vùng sâu, vùng kháng chiến bị thất học luôn tha thiết và quyết hi sinh cho con em vượt lên nghèo đói đã tạo ra truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của nhân dân Tháp Mười. Sức mạnh của nhân dân đã tạo ra truyền thống hiếu học góp phần vào mọi thắng lợi của giáo dục Tháp Mười ngày nay.

Chia sẻ nguyên nhân quan trọng này cho thay đổi ngoạn mục của giáo dục nơi đây, ông Nguyễn Văn Định cũng nhấn mạnh vai trò của Đảng bộ và Chính quyền huyện Tháp Mười qua các thời kì thấu hiểu được mong ước của nhân, luôn quyết tâm lãnh đạo và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho sự nghiệp giáo dục phát triển. Nhiều lãnh đạo huyện Tháp Mười đã mạnh mẽ tuyên bố: luôn hết lòng chăm lo giáo dục, xem giáo dục là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân huyện nhà.

Đó chính là nguồn động lực để đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên toàn huyện làm việc không biết mệt mỏi, lấy kết quả học trò làm nguồn cảm hứng và động lực làm việc. Hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên các trường luôn tâm niệm hết lòng phục vụ, dạy dỗ học sinh thân yêu để không phụ tấm lòng của nhân dân và niềm tin của Đảng bộ huyện.

“Ý thức trách nhiệm và tinh thần vượt khó, ham học của học sinh Tháp Mười qua các thời kì đã làm nên truyền thống không có gì là không thể, tạo tiền đề cho các thế sau tiếp nối vươn lên. Kết quả đáng tự hào này cũng khẳng định, sức mạnh tổng thể của Đảng bộ và nhân dân, sự quyết tâm cao của thầy và trò, mối liên hệ khăng khích giữa nhà trường và gia đình trong giáo dục” – ông Nguyễn Văn Định chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chỉ có một lý do duy nhất khiến một người đàn ông chia tay: anh ta không còn yêu bạn nữa. (Ảnh: ITN).

Đàn ông nghĩ gì sau khi chia tay?

GD&TĐ - Việc chia tay của một người đàn ông chắc chắn không phải là ý định nhất thời mà là kết quả của kế hoạch đã ấp ủ từ lâu của anh ta.