Thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngành giáo dục đã kiến nghị, đề xuất, triển khai áp dụng nhiều chính sách ưu tiên và giải pháp giáo dục tích cực nên điều kiện học tập, chất lượng giáo dục khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, hải đảo đã được cải thiện đáng kể trong những năm trở lại đây. Khoảng cách giáo dục giữa vùng khó và thành thị đã dần được thu hẹp.
Tuy nhiên, tình trạng học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa không thích đến trường hoặc bỏ học giữa chừng vẫn diễn ra. Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc (Bộ GD&ĐT) để giải đáp vấn đề này.
Ông có thể cho biết về những số liệu thống kê tỉ lệ học sinh dân tộc đến trường trong năm học 2016-2017 vừa qua?
Ông Lê Như Xuyên: Năm học 2016-2017 là năm thứ 4 ngành giáo dục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/ 2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Với sự nỗ lực của ngành giáo dục và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các địa phương, giáo dục vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi tiếp tục có sự tiến bộ cả về số lượng và chất lượng. Quy mô, mạng lưới trường lớp các cấp học từ mầm non đến phổ thông ở vùng DTTS, miền núi được củng cố phát triển, ngày càng đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc.
Tỉ lệ trẻ nhà trẻ DTTS ra lớp đạt 17,3%, tăng 1,4%, trẻ mẫu giáo và trẻ mẫu giáo 5 tuổi DTTS ra lớp đạt tỉ lệ lần lượt là 87,9% (cả nước đạt 90,6%) và 98,5% (99,7%).
Học sinh DTTS cấp tiểu học chiếm tỉ lệ 17,5%, học sinh DTTS cấp THCS là 16% và cấp THPT là 12,2% trong tổng số học sinh tiểu học, THCS, THPT cả nước.
Đặc biệt, học sinh DTTS được học tập trong trường Phổ thông dân tộc nội trú chiếm tỉ lệ trên 8% so với học sinh DTTS cấp THCS và THPT trong toàn quốc.
Học sinh vùng cao bỏ học không phải là chuyện mới, dù xã hội, ngành giáo dục quan tâm và cũng đã có nhiều giải pháp, nỗ lực nhưng tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính khiến học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa bỏ học giữa chừng?
Ông Lê Như Xuyên: Hầu hết các địa phương vùng DTTS, miền núi tỉ lệ hộ nghèo cao, đa phần các huyện, xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, huyện nghèo thuộc Nghị quyết số 30a của Chính phủ. Nhận thức và nhu cầu học tập của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao. Kinh tế, xã hội vùng DTTS chậm phát triển, cơ hội tìm kiếm việc làm khó khăn, thu nhập thấp, đời sống khó khăn ảnh hưởng đến động cơ, thái độ học tập của con em đồng bào các dân tộc.
Đặc điểm địa lý, tự nhiên và tập quán, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (lễ hội, ma chay, cưới hỏi, canh tác, sản xuất) ảnh hưởng đến sự ra lớp và tính chuyên cần của học sinh.
Công tác quy hoạch mạng lưới, quy mô cơ sở giáo dục vùng DTTS, miền núi trong những năm qua còn một số bất cập. Mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được tăng cường đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục.
Yếu tiếng Việt cũng là một rào cản khiến trẻ cảm thấy việc học tập của mình không có kết quả như các bạn người Kinh.
Ngoài những khó khăn về kinh tế, sự thiếu hiểu biết trong nhận thức của cha mẹ học sinh thì nội dung chương trình học đang bị đánh giá là yêu cầu cao so với năng lực tiếp thu của học sinh vùng cao có phải cũng góp phần khiến học sinh yếu kém bỏ học?
Ông Lê Như Xuyên: Chương trình, sách giáo khoa hiện hành có một số nội dung chưa phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, khả năng nhận thức, trình độ tiếng Việt của học sinh tiểu học vùng DTTS, chưa tạo được sự hấp dẫn đối với các em. Chương trình, sách giáo khoa mới đang được xây dựng sẽ hướng đến việc xây dựng phù hợp với vùng, miền và đối tượng học sinh DTTS. Đặc biệt là phần thời lượng và nội dung dành cho giáo dục địa phương.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em dân tộc không thích đi học hoặc đi học giữa chừng rồi bỏ là do gia đình quá nghèo, đông con… Tại các vùng dân tộc thiểu số, tỉ lệ trẻ em nữ đến trường cũng ngày càng giảm. Thưa ông, việc học sinh dân tộc bỏ học sẽ kéo theo những hệ lụy gì?
Ông Lê Như Xuyên: Trẻ không được chăm sóc, giáo dục kéo theo nhiều hệ lụy, cả trước mắt lẫn lâu dài, không chỉ đối với bản thân các em mà còn có những ảnh hưởng đến cả gia đình và xã hội.
Với trẻ, các em đã tự đánh mất đi tương lai của chính mình mà không hề hay biết. Các em dễ bị lạm dụng sức lao động, thiếu hiểu biết pháp luật dễ bị kẻ xấu lôi kéo tham gia vào các tệ nạn xã hội… Không được học hành, kém hiểu biết, cái nghèo cứ đeo đuổi mỗi người tạo thành một vòng luẩn quẩn mãi không dứt ra được.
Trẻ em thất học, dân trí thấp, chất lượng nguồn nhân lực không đáp ứng yêu cầu của công cuộc phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS, miền núi…
Các chương trình, dự án đầu tư phát triển giáo dục, nhất là các đề án phổ cập giáo dục và phát triển trường phổ thông dân tộc bán trú cùng một loạt các chính sách hỗ trợ cho giáo dục vùng dân tộc, vùng khó khăn của Nhà nước đã thu hút ngày một nhiều học sinh các bậc học ra lớp. Nhờ những chủ trương, chính sách này, giáo dục vùng cao đã có những chuyển biến tích cực như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Như Xuyên: Ngoài chính sách, chế độ của Nhà nước có tính ổn định, còn có các Chương trình, Đề án, Dự án về phát triển giáo dục vùng khó khăn, các tổ chức, cá nhân đều ưu tiên hỗ trợ cho giáo dục đào tạo miền núi, vùng DTTS.
Nhờ đó, trong những năm qua giáo dục miền núi, vùng DTTS đã có những tiến bộ đáng kể. Trường lớp học được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, bảo đảm đủ điều kiện để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Tỉ lệ học sinh đến trường tăng cao, học sinh lưu ban, bỏ học ngày càng giảm, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp tăng rõ rệt. Hệ thống giáo dục chuyên biệt (trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học) ngày càng phát huy hiệu quả tích cực. Chế độ cử tuyển đã góp phần đáng kể trong việc đào tạo cán bộ người DTTS có trình độ ở địa phương.
Các địa phương đã thực hiện các chính sách đối với người học là người DTTS nhìn chung đầy đủ, kịp thời, đạt hiệu quả trong việc khuyến khích học sinh học tập, thực hiện công bằng trong giáo dục. Ngoài việc nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, còn tạo điều kiện cho đồng bào DTTS bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Để hạn chế tình trạng học sinh vùng cao bỏ học hiện nay, Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai những giải pháp nào cụ thể nào, đặc biệt năm học mới 2017-2018 tới đây, Bộ sẽ tiếp tục làm gì để tạo điều kiện đưa các em đến lớp?
Ông Lê Như Xuyên: Ngành giáo dục sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về quyền trẻ em, trong đó có quyền được tham gia học tập, giáo dục. Đặc biệt là nhận thức của cha mẹ học sinh. Tuyên truyền để các cấp uỷ đảng, chính quyền ở miền núi, vùng DTTS quan tâm hơn nữa đến lãnh đạo, chỉ đạo và vận động các tổ chức, nhân dân tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ở vùng DTTS.
Ngành giáo dục tiếp tục rà soát, quy hoạch, sắp xếp hoàn thiện hệ thống trường, lớp, cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện của miền núi, vùng DTTS, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em, người học vùng DTTS được tham gia học tập.
Những người làm công tác giáo dục DTTS sẽ dùng mọi cố gắng để huy động hầu hết học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số, miền núi đến trường, lớp. Đưa chỉ tiêu duy trì phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ vào chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương để chỉ đạo thực hiện. Đưa kết quả thực hiện các chỉ tiêu về phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ vào bình xét thi đua hằng năm.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ triển khai Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng năm 2025. Thực hiện lồng ghép các nội dung, chương trình giáo dục để nâng cao năng lực, kỹ năng sống, gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc. Xây dựng môi trường giáo dục thấu hiểu, thân thiện đối với học sinh người dân tộc thiểu số. Tăng cường giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại cho các đối tượng trẻ em gái trong nhà trường nhằm hạn chế các nguy cơ, tạo môi trường tốt để nâng cao tỉ lệ học sinh, trẻ em gái dân tộc thiểu số đi học ở các cấp học.
Bộ GD&ĐT cũng ưu tiên nguồn lực đầu tư cho giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi để phát triển quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Đặc biệt ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các cơ sở giáo dục mầm non, hệ thống trường Phổ thông Dân tộc nội trú DTNT, Phổ thông Dân tộc góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho vùng DTTS, miền núi bền vững.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc các chính sách đối với trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số như miễn, giảm học phí, cấp học bổng, hỗ trợ học tập (tiền, gạo, sách vở, đồ dùng học tập), duy trì chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi.