Cùng chủ trì buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Văn Vịnh - Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai.
Dự buổi làm việc, về phía Bộ GD&ĐT có đại diện Văn phòng Bộ, các Cục, Vụ chức năng, cơ quan trực thuộc là các thành viên trong đoàn công tác.
Về phía tỉnh Lào Cai có ông Đặng Xuân Phong – Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Anh Ninh – Giám đốc Sở GD&ĐT cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh
Tháo gỡ khó khăn cho giáo dục vùng khó phát triển
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong quy hoạch mạng lưới trường lớp, phổ cập giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục..., để GD&ĐT có những bước tiến mới, tỉnh Lào Cai cần phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức.
Theo ông Đặng Xuân Phong – Chủ tịch UBND tỉnh, những thách thức chủ yếu trong phát triển giáo dục của tỉnh là: Trình độ dân trí ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số còn lạc hậu, 2/3 cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh ở vùng cao, trên 70% học sinh là người dân tộc thiểu số;
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nhất là ở vùng cao còn thiếu hụt nghiêm trọng phòng học, phòng học bộ môn, phòng học ngoại ngữ, tin học, công trình nhà vệ sinh, nước sạch, công trình giáo dục thể chất...
Đội ngũ giáo viên còn thiếu nhiều về số lượng và bất hợp lý về cơ cấu; số lớp ở điểm trường lẻ của cấp học mầm non, tiểu học còn nhiều, tỷ lệ học sinh học lớp ghép còn cao;
Chính vì vậy, tại buổi làm việc, tỉnh Lào Cai đã có những đề xuất với Bộ GD&ĐT, với Chính phủ hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn để giáo dục Lào Cai phát triển.
Cụ thể, tỉnh đề nghị: Chính phủ hỗ trợ kinh phí thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2016-2020, hỗ trợ kinh phí để thực hiện Đề án quy hoạch mạng luới trường, lớp học;
Cùng đó, tiếp tục có cơ chế, chính sách đầu tư phát triển giáo dục vùng cao, tiếp tục hỗ trợ kinh phí thực hiện đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020; Hỗ trợ tỉnh đầu tư cơ sở vật chất trường THPT Chuyên; Bổ sung chế độ hỗ trợ học sinh người dân tộc thiểu số, con hộ nghèo, trẻ mẫu giáo 2 tuổi để các em bớt khó khăn, có thêm điều kiện đến trường…
Những định hướng đổi mới
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi nhận và đánh giá cao tỉnh Lào Cai trên 3 phương diện: Tỉnh đã đặt ưu tiên số một cho công cuộc đổi mới GD&ĐT; Tỉnh đã đầu tư, phát triển GD&ĐT thiết thực hiệu quả, chọn những khâu đột phá để thực hiện; Lào Cai đang là một trong những địa phương điểm sáng về đổi mới GD&ĐT, là địa phương biết cách khắc phục khó khăn, đưa sự nghiệp giáo dục phát triển đúng hướng.
Chia sẻ những khó khăn của Lào Cai cũng như các địa phương miền núi khó khăn trên cả nước trong phát triển sự nghiệp giáo dục, Bộ trưởng yêu cầu các Cục, Vụ trong đoàn công tác lưu ý đến những đề xuất, kiến nghị của tỉnh để tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho giáo dục tỉnh Lào Cai phát triển.
Qua chuyến khảo sát này, Bộ sẽ có những điều chỉnh trong cơ chế, chính sách phù hợp hơn với những đặc thù của các tỉnh miền núi để các tỉnh phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn.
Đối với công cuộc đổi mới GD&ĐT tỉnh đang triển khai, thực hiện, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Lào Cai cần bám sát Nghị quyết số 29 của BCH T.Ư để triển khai thống nhất những nội dung đổi mới đã được Trung ương đề ra trong Nghị quyết.
Sau 3 năm, tỉnh cần tiến hành sơ kết để đánh giá những công tác đã triển khai, những kết quả đạt được và rút kinh nghiệm cho những công tác đổi mới sắp được triển khai trong những năm tới.
Thực hiện Nghị quyết số 44 của Chính phủ, Bộ đã xây dựng 9 nhóm giải pháp đổi mới giáo dục, đề nghị tỉnh Lào Cai lấy đây làm tham chiếu để đưa ra các giải pháp đổi mới GD&ĐT tại địa phương, góp phần vào công cuộc đổi mới giáo dục của cả nước.
Bộ trưởng giao 6 nhiệm vụ cho ngành Giáo dục Lào Cai
Giao nhiệm vụ định hướng cho chiến lược phát triển GD&ĐT, tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Lào Cai, Bộ trưởng chỉ đạo trong thời gian tới ngành GD&ĐT Lào Cai tập trung chủ yếu vào những nhiệm vụ sau:
Về rà soát, quy hoạch mạng lưới trường học: Phải hết sức khẩn trương và cẩn trọng trong quá trình thực hiện, đồng thời rà soát công tác này trên quy chuẩn của Bộ GD&ĐT đang xây dựng để đồng bộ hóa với mặt bằng chung quy hoạch giáo dục cả nước.
Với trường CĐ Sư phạm của tỉnh: Hiện chưa thể nâng cấp lên đại học, mà phải phát triển từng bước, xây dựng phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai để nhà trường lớn mạnh dần lên cả về đội ngũ, cơ sở vật chất rồi mới tính đến xây dựng thành Trường Đại học của tỉnh.
Về phát triển đội ngũ giáo viên: Tỉnh cần tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông hiện nay, bám sát chủ trương của Bộ để kết hợp nguồn lực từ trung ương nhằm chuẩn hóa đội ngũ, đáp ứng những yêu cầu đổi mới giáo dục của địa phương.
Về công tác phân luồng: Tỉnh phải chú trọng phân luồng mạnh mẽ học sinh sau THCS. Sở GD&ĐT phối hợp với Sở LĐTB-XH phối kết hợp chặt chẽ để bàn giao và quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trường Trung cấp, Cao đẳng trên địa bàn.
Về ứng dụng CNTT trong GD&ĐT: Là tỉnh miền núi có địa hình chia cắt, Lào Cai càng phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy để hạn chế việc di chuyển trong công tác giáo dục;
Về nhiệm vụ dạy và học ngoại ngữ: Tỉnh cần chọn 1 trong 5 ngoại ngữ đang được triển khai để giảng dạy trên cơ sở tự nguyện. Là tỉnh có phần lớn học sinh người DTTS hoặc học sinh ở những vùng khó khăn, việc học tiếng phổ thông đã khó giờ lại học thêm ngoại ngữ, do vậy trong công tác này tỉnh phải quán triệt tinh thần là linh hoạt, không gây quá sức cho các cháu. Bộ sẽ tính đến yếu tố vùng miền, tránh tình trạng áp dụng một chuẩn chung cả nước trong giảng dạy ngoại ngữ…
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh – Bí thư Tỉnh ủy - khẳng định quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, khắc phục khó khăn, vượt qua những thách thức, thực hiện thành công cuộc đổi mới GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29 của BCH T.Ư Đảng Khóa XI.
Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh cũng bày tỏ mong muốn và sẵn sàng tập trung nguồn lực thực hiện nếu được Bộ GD&ĐT chọn làm địa phương thực hiện điểm công tác đổi mới GD&ĐT.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đồng ý trong thời gian tới sẽ giao cho tỉnh Lào Cai cùng với một số địa phương khác triển khai thí điểm một số công tác đổi mới giáo dục.