Hệ thống trường bán trú giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, thu hút học sinh đến trường, đảm bảo duy trì phổ cập THCS ở những vùng khó khăn. Nhiều địa phương đã chủ động xây dựng các đề án triển khai hỗ trợ tiếng Việt cho trẻ mầm non; xây dựng hệ thống trường nội trú đạt chuẩn Quốc gia... Ông Trần Ngọc Sơn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc đã có những nhìn nhận, đánh giá về giáo dục dân tộc trong năm qua.
Thưa ông, năm 2016 đã khép lại với nhiều việc làm được nhưng cũng còn nhiều bộn bề trong công tác giáo dục ở vùng cao. Theo đánh giá của ông, những hiệu quả đáng chú ý nhất là gì?
- Bộ Giáo dục Đào tạo (GD&ĐT) đã có những chỉ đạo quyết liệt đưa thành tựu giáo dục đến với vùng dân tộc. Năm qua Bộ đã tập trung cùng các bộ ngành trình các cấp thẩm quyền ban hành thêm một số chính sách ưu tiên cho vùng DTTS như Nghị định 116 hỗ trợ học sinh ở trường phổ thông ở những xã ĐBKK, hay là Quyết định 1008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học, trẻ em mầm non DTTS giai đoạn 2016 - 2020 và một số quyết định khác phát triển hệ thống trường DTNT, các chính sách thực hiện chỉ số phát triển thiên niên kỷ gắn với phát triển bền vững, nghị định hỗ trợ học sinh dân tộc rất ít người, củng cố hệ thống trường bán trú giai đoạn 2016- 2025. Đó là những chỉ đạo hết sức thiết thực.
Cùng với việc duy trì và phát triển mô hình bán trú, các nhà trường cũng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với học sinh dân tộc, dạy học theo vùng miền; tổ chức các hoạt động ngoại khóa; các cuộc giao lưu tiếng Việt... Những cách làm này, theo ông, có nâng được hiệu quả thực tế trong việc dạy và học ở vùng cao?
- Trong những năm qua và đặc biệt năm 2016, Bộ GD&ĐT đã cùng các cấp quản lý giáo dục hướng dẫn tạo các điều kiện để các cơ sở giáo dục miền núi xây dựng định hướng phát triển năng lực học sinh, thông qua việc điều chỉnh nội dung dạy học, theo hướng tinh giản rồi sắp xếp nội dung tổ chức dạy học phù hợp đối tượng học sinh và theo vùng miền, các giải pháp này góp phần tích cực nâng cao hiệu quả giáo dục vùng cao.
Có thể kể đến như giáo dục mầm non, các địa phương đã triển khai tài liệu hướng dẫn chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ vào lớp 1, biên soạn tài liệu phù hợp và quan tâm sử dụng văn hóa địa phương trong việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non.
Hay như ở giáo dục tiểu học thực hiện đổi mới phương pháp dạy, tổ chức học 2 buổi/ngày theo điều kiện thực tế đảm bảo tỷ lệ chuyên cần, và giáo dục trung học thì đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, quan tâm đặc biệt đến phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh dân tộc khá giỏi, chú trọng đào tạo cả tâm lý, đạo đức, kỹ năng sống.
Chất lượng hệ thống trường DTNT không ngừng nâng lên, các hoạt động giữ gìn bản sắc dân tộc, sinh hoạt văn hóa truyền thống rất tốt, quan tâm các hoạt động nuôi dưỡng chăm lo sức khỏe học sinh.
Chính vì vậy, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp ở hệ thống trường DTNT đạt 95,64%, cao hơn tỷ lệ chung của cả nước 4%. Hệ thống trường bán trú giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, thu hút học sinh đến trường, đảm bảo duy trì phổ cập THCS ở những vùng khó khăn.
Nhiều địa phương đã chủ động xây dựng các đề án như Lào Cai, Điện Biên, Đắc Nông, Đắc Lắc đã triển khai hỗ trợ tiếng Việt cho trẻ em mầm non, Gia Lai có cả 1 chương trình chuyên đề xây dựng hệ thống trường nội trú đạt chuẩn Quốc gia.
Bên cạnh những mặt đạt được, còn những hạn chế trong mảng giáo dục. Như chính sách phụ cấp cho giáo viên vùng cao, học sinh phải đi học xa vì cơ sở vật chất kém an toàn, đời sống học sinh bán trú còn vất vả… Đặc biệt vẫn còn hơn 100 lớp học ghép ở vùng cao, hay tỷ lệ hàng nghìn sinh viên thất nghiệp sau cử tuyển... Ông nghĩ sao về những con số này?
- Ngoài vai trò của cán bộ quản lý, giáo viên các trường thì cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị ở địa phương, đoàn thể chính trị xã hội. Ở nhiều vùng xa xôi hẻo lánh thì việc giữ được sĩ số đã là một chất lượng phản ánh công tác giáo dục tốt.
Việc tạo nguồn nhân lực cho vùng này thì Bộ đã cụ thể hóa thành các chương trình nâng cao chất lượng của học sinh từ bậc Mầm non, năm 2017 sẽ làm mạnh, quy hoạch các điểm trường, lớp ghép đưa học sinh về các điểm trường thuận lợi hơn.
Cùng với đó là tuyên truyền vận động để bà con thấy được lợi ích đưa con em đến điểm trường chính học. Đảng và Nhà nước cũng cần quan tâm tăng cường hỗ trợ đường giao thông, kinh tế văn hóa giáo dục ở các vùng miền núi.
Chúng ta có nhiều chính sách nhưng đúng là chưa phủ hết, và chưa có những chính sách đặc thù cho vùng miền núi. Như ở Tây Bắc, Tây Nguyên, ĐBSCL mỗi nơi có những khó khăn nhất định, nên chúng tôi đã có những đề án tham mưu chính sách có tác dụng trực tiếp đến với giáo viên và học sinh, chúng tôi có mong muốn Quốc hội có chỉ đạo tổng rà soát những chính sách đối với giáo dục dân tộc để điều chỉnh, bổ sung để các vùng miền có điều kiện rút ngắn sự phát triển. Khi có sự chỉ đạo chúng tôi sẽ phối hợp với Hội đồng Dân tộc, Uỷ ban Dân tộc… đề xuất các chính sách đặc thù cho giáo dục từng vùng miền.
Năm 2017 đến với rất nhiều sự quan tâm của xã hội dành cho giáo dục vùng cao. Về phía Bộ Giáo dục Đào tạo sẽ có những quyết sách gì để nâng cao hiệu quả giáo dục vùng cao, cả về trước mắt và lâu dài, thưa ông?
- Năm 2017 Bộ GD&DT sẽ tập trung một số giải pháp: Quy hoạch lại mạng lưới quy mô trường lớp ở vùng DTTS vừa nâng cao chất lượng dạy và học và nguồn nhân lực; thứ 2 là xây dựng hoàn thiện hệ thống chính sách đối với cán bộ quản lý; thứ 3 là đánh giá thực chất ưu điểm hạn chế công tác giáo dục miền núi để có cách khắc phục; thứ 4 là tăng cường đổi mới công tác quản lý giáo dục.
Chúng tôi cũng đang nghiên cứu đề án xây dựng các trường PTDTNT trọng điểm vùng cho Tây Bắc, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, dự kiến học sinh từ đầu cấp THCS.
Chúng ta sẽ đào tạo có hệ thống, xuyên suốt, từ đó cung cấp cho các bậc học trên đội ngũ SV là người DTTS có chất lượng cao phục vụ công tác phát triển chung của đất nước.
Cùng với đó là đào tạo lại đội ngũ giáo viên, để ngoài việc đưa con em đến trường, giáo viên là cán bộ tuyên truyền, nâng cao đời sống của đồng bào, giữ gìn phong tục truyền thống tốt đẹp.
Chúng tôi cũng đề xuất xây dựng bản đồ số hóa về giáo dục dân tộc nói riêng, theo dõi quản lý học sinh từ mầm non đến các bậc học cao hơn, quan tâm đến 16 dân tộc rất ít người, 11 dân tộc trong nhóm có chất lượng nhân lực thấp, giúp hoạch định chính sách cụ thể rõ rang hơn.
Xin cám ơn ông!