Giáo dục vũ trụ ảo nở rộ ở châu Á

GD&TĐ - Việc áp dụng metaverse trong giáo dục nằm trong bối cảnh chung khi một số quốc gia châu Á nỗ lực phát triển chuyên môn kỹ thuật số.

Người học làm quen với kính thực tế ảo và công nghệ metaverse tại Nhật Bản.
Người học làm quen với kính thực tế ảo và công nghệ metaverse tại Nhật Bản.

Nhiều quốc gia, khu vực tại châu Á tăng cường ứng dụng vũ trụ ảo (metavese), công nghệ cho phép con người tương tác xã hội trong không gian mạng, vào giáo dục.

Từ Hàn Quốc đến Đài Loan (Trung Quốc), các trường học đang khai thác metaverse như một công cụ hướng dẫn, thử nghiệm các ứng dụng VR (thực tế ảo) để đưa việc giảng dạy ra ngoài không gian lớp học. Metaverse cũng được kỳ vọng là phương pháp mới để truyền đạt kiến thức và kỹ năng.

Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang (POSTECH), Hàn Quốc, đang nỗ lực trở thành một “siêu trường đại học” bằng cách cung cấp chương trình đào tạo trong không gian ảo.

Trường hiện có khoảng 1.400 sinh viên, 2.500 học viên sau đại học, 450 giảng viên và 820 nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực như năng lượng, vật liệu, khoa học cơ bản, công nghệ thông tin truyền thông, y tế...

Ông Kim Moo Hwan, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Công nghệ thực tế ảo có thể được áp dụng trong những lĩnh vực khó tiếp cận thực tế như vũ trụ ảo, thế giới nano... Về lâu dài, VR và metaverse có thể thay thế các lớp học cần thực hành nhiều hoặc trong môi trường nguy hiểm.

POSTECH sẽ đầu tư 300 nghìn USD mỗi năm để mua thiết bị và phát triển chương trình giáo dục cho sinh viên. Trường cũng dành 500 nghìn USD để xây dựng các lớp học khai thác metaverse.

Việc ứng dụng metaverse còn gặp nhiều khó khăn. Một cuộc khảo sát toàn cầu năm 2022 của KPMG International đối với các giám đốc điều hành công nghệ, truyền thông và viễn thông, cho thấy chỉ 1/3 người được hỏi cho biết sẵn sàng bắt nhịp với vũ trụ ảo.

Còn tại Nhật Bản, chuỗi trường trung học dạy trực tuyến lớn nhất nước này N&S có hơn 6.000 học sinh học qua VR. Năm 2022, tỷ lệ học sinh hài lòng với việc học qua VR là 98,5%. Tuy nhiên, ông Riichiro Sono, Giám đốc nhà trường, lưu ý người dùng có thể mất thời gian làm quen với môi trường VR và đeo tai nghe VR cũng là hạn chế đối với một số học sinh.

Bên cạnh giáo dục phổ thông, metaverse và VR được Đài Loan, Trung Quốc, ứng dụng để hỗ trợ người yếu thế. Đơn cử, tổ chức phúc lợi xã hội Syinlu sử dụng VR để hỗ trợ trẻ em khuyết tật và gia đình; nâng cao nhận thức và giúp mọi người hiểu về người tự kỷ.

Giám đốc Syinlu, bà Lydia Liu, cho biết thông qua metaverse, mọi người sẽ nhập vai vào vị trí của người mắc chứng tự kỷ trong thế giới ảo và trải nghiệm những gì mà những người tự kỷ gặp phải trong cuộc sống hàng ngày.

Việc áp dụng metaverse trong giáo dục nằm trong bối cảnh chung khi một số quốc gia châu Á nỗ lực phát triển chuyên môn kỹ thuật số. Năm 2022, Bộ Khoa học Hàn Quốc có kế hoạch đầu tư 223,7 tỷ won (166 triệu USD) để xây dựng hệ sinh thái metaverse, bao gồm phát triển Học viện Metaverse để đào tạo chuyên gia trẻ trong lĩnh vực này.

Nhật Bản cũng thông báo thúc đẩy nỗ lực tăng cường sử dụng công nghệ khác nhau, bao gồm metaverse, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số kỹ thuật trong khu vực công và tư nhân. Còn Singapore có một chương trình giáo dục số quốc gia nhằm trang bị cho sinh viên các kỹ năng để phát triển trong một xã hội kỹ thuật số và đảm nhận công việc của tương lai.

Theo Nikkei Asia

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.