Giữ hồn văn hóa âm nhạc Khmer

GD&TĐ -  Người Khmer ở Nam Bộ đã tạo dựng một nền văn hóa – nghệ thuật dân gian độc đáo và đa dạng với nhiều loại hình khác nhau. 

Các nhà sư tham gia lớp đại học văn hóa Khmer. Ảnh:T.G
Các nhà sư tham gia lớp đại học văn hóa Khmer. Ảnh:T.G

Trong đó, âm nhạc dân gian gắn bó mật thiết với nhịp sống đời thường, sinh hoạt văn hóa cộng đồng và các lễ hội truyền thống như dàn nhạc Ngũ âm, Mhôry, nhạc cưới, múa trống Sa dam, hát A day, Chầm riêng Chà pây, đồng dao, hát ru… 

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ thông qua hoạt động giáo dục truyền thống và tăng cường đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực này là việc cần làm. 

Bảo tồn giá trị truyền thống

PGS.TS Phạm Tiết Khánh – Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, địa chỉ duy nhất trên cả nước đến thời điểm này được giao đào tạo và nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa Khmer Nam Bộ, cho biết: Âm nhạc dân gian của người Khmer Nam Bộ đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện và khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời bảo đảm sự thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa – nghệ thuật Việt Nam. Chính vì vậy, các loại hình nghệ thuật này trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Khmer, có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng, bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, tâm hồn, đặc biệt là trong thời đại mới, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị, bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn và kịp thời nhằm khuyến khích, hỗ trợ công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ. Qua đó, tạo ra những chuyển biến sâu sắc trong hoạt động sưu tầm, giới thiệu, nghiên cứu, đào tạo, truyền dạy. Tuy nhiên, trong thực tế, thực trạng mai một, đánh mất bản sắc đối với một số loại hình âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ là có thật.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, do xu hướng toàn cầu hóa cùng với tác động của các thể loại âm nhạc khác dẫn tới sự thay đổi thị hiếu của người dân. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ thời gian qua chủ yếu được thực hiện theo hướng tự phát, lưu truyền theo truyền miệng gắn với các nghệ nhân, nghệ sĩ. Các hình thức sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu, đào tạo cũng còn nhiều hạn chế, bất cập.

Với việc mở Khoa Ngôn ngữ & văn hóa Khmer Nam Bộ, Trường ĐH Trà Vinh thực hiện một cách bài bản và khoa học việc đào tạo các chuyên gia về lĩnh vực này đã và đang thu hút đông đảo người học. Đối tượng theo học các ngành học liên quan đến văn hóa và ngôn ngữ Khmer Nam Bộ không chỉ là người dân Khmer mà còn rất đông người Kinh.

Thêm bước tiến đặc biệt quan trọng của Trường Đại học Trà Vinh là sau khi mở khoa đào tạo chuyên ngành này, nhà trường cũng bắt tay vào soạn thảo bộ Từ điển Việt – Khmer. Bộ từ điển hết sức quý báu này chính thức ra mắt (vào năm 2017), đánh dấu nỗ lực của nhà trường trong việc đẩy mạnh hiệu quả giáo dục, đào tạo và nghiên cứu ngôn ngữ văn hóa Khmer Nam Bộ trong cộng đồng.

Người trong cuộc nói gì?

Ông Sơn Ngọc Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng cho rằng: Dân tộc Khmer Nam Bộ đã và đang kế thừa một di sản văn hóa vô giá do tổ tiên để lại. Đó là kho tàng nhạc khí dân gian phong phú, đa dạng và độc đáo. Kho tàng nhạc khí dân gian Khmer Nam Bộ mang tính đặc trưng, tiêu biểu trong nền văn hóa truyền thống của người Khmer, đặc biệt tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Trong suốt chiều dài lịch sử, kho tàng nhạc khí mang ý nghĩa tích cực trong đời sống cộng đồng xã hội người Khmer Nam Bộ, phục vụ đắc lực cho mọi sinh hoạt văn hóa – nghệ thuật cả người Khmer lẫn người Kinh, Hoa, Chăm ở ĐBSCL. Do vậy, việc giáo dục truyền thống sẽ góp phần làm giàu thêm kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, đóng góp tiếng nói thiết thực phục vụ đời sống cộng đồng, ông Hoàng khuyến cáo.

Tuy nhiên, một thực tế đang diễn ra ở một số địa phương có người Khmer sinh sống là việc truyền dạy chưa được quan tâm đúng mức, thiếu đội ngũ nghệ nhân kế thừa dẫn đến nhiều thể loại có nguy cơ thất truyền. Soạn giả Thạch Mu Ni, Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, đưa ra một thực tế đáng buồn: Các dòng nhạc A rắc, Rô băm, À day, hát ru, Chầm riêng Chà pây… đã và đang mai một, thậm chí nhiều ca khúc không ai còn nhớ.

Có nhiều nguyên nhân như người dân ít có nhu cầu thưởng thức, hưởng thụ, không được ký âm lưu giữ, thiếu đơn vị nghiên cứu bảo tồn và phát triển, đội ngũ nhạc sĩ là người dân tộc Khmer được đào tạo chính quy rất ít.

Có thể thấy, việc kế thừa và phát huy giá trị văn hóa, ngôn ngữ Khmer Nam Bộ là cần thiết. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, cần đánh giá lại những thành tựu, hạn chế trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ một cách khách quan, khoa học. Qua đó, làm rõ hiệu quả của các hình thức bảo tồn và phát huy trong thời gian qua. Những hình thức nào hiệu quả cần tiếp tục phát huy, hình thức chưa hiệu quả phải thay đổi, điều chỉnh.

Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống Khmer Nam Bộ cần chú trọng đào tạo lực lượng chuyên gia về văn hóa, ngôn ngữ Khmer Nam Bộ mạnh về lý luận, giỏi về thực hành. Thông qua các hoạt động giáo dục truyền thống, đưa những giá trị văn hóa Khmer về cộng đồng để nuôi dưỡng phát triển là việc cần làm hơn bao giờ hết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ