Giáo dục và tăng trưởng:

Giáo dục và tăng trưởng: Doanh nghiệp 'bí' vì sinh viên thiếu kỹ năng

GD&TĐ - Việt Nam xếp thứ 138/140 quốc gia trong danh sách Chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2018 về kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học.

Sinh viên thực hành làm việc nhóm. Ảnh: INT
Sinh viên thực hành làm việc nhóm. Ảnh: INT

Số liệu phân tích cho thấy, nhiều sinh viên còn thiếu các kỹ năng cần thiết khi tìm việc làm trong thời đại 4.0.

Rào cản

Với 20 năm kinh nghiệm tuyển dụng nhân sự cho một công ty phát triển nông nghiệp tại Hà Nội, chị Nguyễn Lan Anh, có cơ hội làm việc với nhiều sinh viên mới ra trường cho hay: Nhiều em có tư duy cầu tiến, tác phong nhanh nhẹn và thái độ nghiêm túc đối với vị trí tuyển dụng. Tuy nhiên, không ít ứng viên khiến nhà tuyển dụng phải thở dài vì thiếu kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp.

Chị Lan Anh chia sẻ: “Đầu năm qua, công ty tôi tuyển dụng vị trí Kế toán, trong đó có bạn sinh viên mới ra trường ứng tuyển. Mặc dù CV (hồ sơ ứng tuyển) khá sơ sài, thiếu những thông tin quan trọng như kinh nghiệm ở vị trí tuyển dụng, trình độ Tin học văn phòng... nhưng tôi vẫn sắp xếp lịch phỏng vấn vào ngày hôm sau và thông báo cho ứng viên. Kết quả, ứng viên đó không phản hồi email”.

Ngày hôm sau, dù khá bất ngờ khi thấy ứng viên này xuất hiện, chị Lan Anh vẫn tổ chức phỏng vấn. Sau một số câu hỏi liên quan đến thông tin cá nhân, chị đã có cho mình kết quả tuyển dụng. “Dù tốt nghiệp tại trường đại học tốt ở Hà Nội, ứng viên trả lời khá chậm chạp, phải dừng lại nghĩ một lúc. Khi nói chuyện, em thường cúi mặt xuống, không nhìn thẳng vào mắt người tuyển dụng. Chưa bàn đến năng lực, đây là một điểm trừ về tác phong của ứng viên. Chúng tôi đi đến thống nhất từ chối nhận ứng viên này”, chị Lan Anh kể.

Câu chuyện của chị Lan Anh cũng là trải nghiệm của không ít doanh nghiệp, nhà tuyển dụng khi nói đến kỹ năng của sinh viên mới ra trường tại Việt Nam.

Tại báo cáo điểm lại “Giáo dục để tăng trưởng” vào tháng 8/2022, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, thông tin, các doanh nghiệp tại Việt Nam chia sẻ thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động có kỹ năng lãnh đạo, quản lý hoặc chuyên môn kỹ thuật.

Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới năm 2019, 73% doanh nghiệp Việt Nam tham gia cho biết gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có kỹ năng lãnh đạo và quản lý. 54% gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động có kỹ năng cảm xúc – xã hội còn 68% gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động có kỹ năng chuyên môn kỹ thuật theo vị trí việc làm cụ thể.

Theo bà Carolyn Turk, khảo sát trên vừa đề cập đến chất lượng – sự phù hợp về kỹ năng và khả năng sử dụng sinh viên tốt nghiệp hiện nay, đồng thời liên quan đến số lượng sinh viên tốt nghiệp. Về chất lượng, Việt Nam xếp thứ 138/140 quốc gia trong Chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2018 thuộc kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học. Đây là kết quả đánh giá của các doanh nghiệp sử dụng lao động.

Còn về số lượng, chỉ 10,2% dân số Việt Nam ở độ tuổi từ 25 trở lên có bằng cử nhân hoặc tương đương vào năm 2019. Để đạt tỷ lệ tuyển sinh của các quốc gia thu nhập trung bình cao trong dài hạn, số lượng sinh viên tại Việt Nam cần lên đến 3,8 triệu em trong khi hiện Việt Nam có khoảng 2 triệu sinh viên theo học tại các cơ sở giáo dục sau phổ thông.

Bên cạnh đó, Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu trong thời kỳ 4.0 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố năm 2019 cho thấy, Việt Nam xếp thứ 97/141 quốc gia về trụ cột “Kỹ năng” trong nhóm “Năng lực”. Xếp hạng về kỹ năng của sinh viên Việt Nam đứng thứ 116, sau Lào và Campuchia. Vì vậy, kỹ năng có thể là rào cản chính đối với thanh, thiếu niên Việt Nam khi tìm việc làm trong thời đại 4.0.

Chuyên gia Lê Anh Tuấn. Ảnh: NVCC

Chuyên gia Lê Anh Tuấn. Ảnh: NVCC

Thiếu chủ động

Ông Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Phát triển kỹ năng và Công tác xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm và hỗ trợ thanh, thiếu niên Hà Nội; nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Thành đoàn Hà Nội, chia sẻ, hiện nhiều sinh viên tốt nghiệp bằng khá, thậm chí bằng giỏi nhưng ra trường vẫn gặp khó khăn khi tìm kiếm công việc phù hợp.

Thiếu kỹ năng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Khi xin việc, một bộ phận sinh viên còn yếu từ kỹ năng viết CV, trả lời phỏng vấn đến kỹ năng xác định mục tiêu, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề... Đặc biệt, nhiều sinh viên thiếu tính chủ động. Vì vậy, khi tìm thấy một vị trí việc làm phù hợp, các em thường lúng túng, chuẩn bị thiếu chuyên nghiệp, từ đó tuột mất cơ hội nghề nghiệp…

Ngoài ra, khi ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên chỉ chú tâm trau dồi kiến thức nhưng thiếu rèn luyện kỹ năng. Môi trường giáo dục hiện nay không thiếu cơ hội để sinh viên tự trang bị kỹ năng như hoạt động Đoàn – Hội – Đội, câu lạc bộ trong nhà trường, hoạt động cộng đồng, khóa thực tập, việc làm thêm ngoài xã hội... Nhưng nhiều bạn còn thờ ơ, coi nhẹ hoặc ngại tham gia.

Theo ông Lê Anh Tuấn, cách mạng 4.0, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thế giới, trong đó có lĩnh vực việc làm và mang đến cơ hội lẫn thách thức cho các bạn trẻ. Do đó, từ khi ngồi trên ghế nhà trường, bên cạnh nỗ lực học tập, sinh viên cần tích cực trang bị những kỹ năng cần thiết như xác định mục tiêu, giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề... Đặc biệt, trong thời đại 4.0, sinh viên cần trau dồi kỹ năng công nghệ thông tin và ngoại ngữ để vận dụng hiệu quả những thành tựu khoa học công nghệ mới.

Đồng thời, ông Tuấn khuyến khích sinh viên tăng cường tham gia các hoạt động trải nghiệm để khám phá năng lực bản thân và xây dựng thái độ nghiêm túc trong học tập, cuộc sống và công việc.

“Kiến thức phải tích luỹ lâu dài, kỹ năng phải qua rèn luyện nhưng nếu xây dựng được thái độ tích cực trong học tập, làm việc và cuộc sống, các em sẽ biết cách xử lý để vượt qua khó khăn, chủ động nắm bắt các cơ hội. Hãy thay đổi tư duy, các em sẽ thay đổi cuộc đời”, ông Lê Anh Tuấn nhắn nhủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.