Tuy nhiên, chi đầu tư cho giáo dục đại học (GDĐH) đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Do vậy, mục tiêu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực không thể như mong muốn.
Chi đầu tư còn thấp
“Chúng ta đổi mới cơ chế phân bổ tài chính chứ không phải cắt giảm ngân sách” – Thứ trưởng nhắc lại và cho rằng, khi đổi mới cơ chế tài chính, việc đầu tư cần chú trọng vào những nơi hiệu quả nhất. Tức là, phân bổ theo cơ chế cạnh tranh, năng lực và theo kết quả hoạt động, không đầu tư dàn trải, cao bằng.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ xác định, coi việc sử dụng tri thức khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực nâng cao năng suất, tăng trưởng kinh tế. Để đạt những mục tiêu trên, GS.TS Trần Đức Viên - Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam - cho rằng, Việt Nam cần cải cách hệ thống giáo dục nhằm cải thiện chất lượng và khả năng tiếp cận, để có thể cung cấp các kỹ năng cần thiết cho người dân. Các trường đại học cần đổi mới và cập nhật chương trình đào tạo. Cùng với đó, Nhà nước cần đầu tư xứng đáng cho lĩnh vực GDĐH.
GS.TS Trần Đức Viên viện dẫn, trung bình mỗi sinh viên học tại các trường đại học công lập ở Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020 chỉ phải đóng mức học phí từ 7 - 10 triệu đồng/năm tùy theo ngành học; trong khi, mức học phí bình quân quy đổi ra tiền Việt Nam mà lưu học sinh nước ta phải trả cho các trường đại học ở nước ngoài tuỳ theo từng trường và từng ngành đào tạo từ 300 - 500 triệu đồng/năm (gấp gần 50 lần so với Việt Nam). Nếu căn cứ vào tỷ lệ GDP bình quân theo đầu người với định suất chi đào tạo đại học bình quân đối với chương trình đại trà như ở các nước trong khu vực thì mức học phí được xác định khoảng 79,5 triệu đồng/sinh viên/năm (gấp khoảng 9 lần so với Việt Nam).
Đề xuất, cần tăng đầu tư cho GDĐH lên 1% GDP vào năm 2030, GS.TS Trần Đức Viên thông tin, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), mức đầu tư này ở nước ta hiện nay là 0,33% GDP. Nhiều chuyên gia cho rằng, con số thực tế còn thấp hơn nữa, khoảng 0,27% GDP. Trong khi đó, các nước ở khu vực cao hơn Việt Nam 2 - 3 lần. Còn các nước phát triển cao chi đầu tư cho GDĐH hơn chúng ta 5 - 6 lần.
TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) - chia sẻ, trong ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục thì GDĐH được đầu tư khoảng 0,2%. Chi đầu tư cho giáo dục nói chung và GDĐH nói riêng đang ở mức thấp, vô hình trung tạo ra sự bất bình đẳng và thiếu minh bạch trong môi trường đầu tư, phát triển, xã hội hóa giáo dục bậc cao. Điều này dẫn đến thiếu động lực và khả năng mở rộng thu hút đầu tư tư nhân lẫn đầu tư nước ngoài cho giáo dục, nhất là giáo dục bậc cao.
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NTCC |
Chiến lược phát triển phải rõ ràng
Ở góc nhìn khác, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - nhìn nhận, cạnh tranh giữa các cơ sở GDĐH trong nước và nước ngoài ngày càng khốc liệt, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế, tự chủ đại học đang triển khai ở các nước. Do đó, cơ sở GDĐH cần xây dựng chiến lược phát triển một cách bài bản, phù hợp với sứ mạng, nhằm phát triển thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh, uy tín và tầm ảnh hưởng trong và ngoài nước.
Nhấn mạnh đến các yếu tố, giải pháp quan trọng, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng trao đổi: Trước mắt, cần đổi mới quản trị vì đây được coi là “chìa khóa” thành công. Quản trị chia sẻ là mô hình phù hợp cho các cơ sở GDĐH trong bối cảnh tự chủ đại học. Cơ sở GDĐH cần thực thi tốt và phân chia quyền lực hài hòa giữa Đảng ủy - Hội đồng trường – Ban giám hiệu và thực hiện việc phân quyền, phân cấp gắn với trách nhiệm tới từng đơn vị, cá nhân trong cơ sở GDĐH.
Các trường cũng cần nghiên cứu, triển khai, vận dụng sáng tạo mô hình quản trị doanh nghiệp trong quản trị nhà trường như: Xây dựng và triển khai hệ thống KPI, OKR với bộ chỉ số hoạt động chính gắn với mục tiêu chiến lược. Đồng thời thường xuyên cập nhật chương trình đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu của người học, nhà tuyển dụng, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Cho rằng, con người, nhân tố quan trọng và quyết định việc thực thi chiến lược thành công, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng khẳng định: Để triển khai chiến lược, không chỉ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, mà tất cả cán bộ viên chức đều đóng vai trò quan trọng. Nội dung, chính sách thực thi chiến lược gắn với tự chủ phải thấm nhuần từng chi tiết, đến được tới tất cả cán bộ viên chức, nhất là đội ngũ giảng viên.
Cán bộ lãnh đạo quản lý phải “truyền cảm hứng” tới toàn thể cán bộ viên chức. Nhà trường cần triển khai chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thường xuyên và phù hợp; có chính sách, chiến lược thu hút, tuyển dụng đãi ngộ cán bộ trẻ, tài năng, nhà khoa học xuất sắc, cán bộ lãnh đạo quản lý đủ tâm và tầm.
Lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh, người học phải là trung tâm. Mọi chiến lược phát triển phải hướng đến người học, vì lợi ích của người học và phục vụ người học. Theo đó, các đơn vị cần phải đổi mới, phát triển chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học; trong đó người học phải là trung tâm của hệ sinh thái đào tạo – nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, cần triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đổi mới mô hình công nghệ dạy và học, tối ưu hóa nguồn lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Minh chứng cho quan điểm của mình, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng viện dẫn, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có sứ mạng: Phát triển con người, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ và chuyển giao tri thức, phục vụ xã hội, đất nước. Tầm nhìn của trường là trở thành một đại học nghiên cứu hàng đầu khu vực, với nòng cốt là kỹ thuật và công nghệ, tác động quan trọng vào phát triển nền kinh tế tri thức, góp phần giữ gìn an ninh, hòa bình đất nước, tiên phong trong hệ thống GDĐH Việt Nam.
Thực hiện sứ mạng đó, chiến lược phát triển Trường ĐH Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2017 - 2025 đặt ra 5 mục tiêu, với 10 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, trong đó đổi mới quản trị là giải pháp then chốt. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã áp dụng sáng tạo mô hình quản trị doanh nghiệp, triển khai hệ thống KPI, OKR với 32 bộ chỉ số hoạt động chính gắn với 5 mục tiêu chiến lược phát triển nhà trường.
“Kinh nghiệm cho thấy, cán bộ giảng viên tốt sẽ nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Trong 5 năm trở lại đây, số công bố quốc tế nằm trong danh mục ISI của các cán bộ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tăng gấp 5 lần, là minh chứng rõ nét về vai trò của đội ngũ. Đối với người học, nhà trường luôn chú trọng và quyết liệt thực hiện cải thiện chất lượng dịch vụ hỗ trợ, nâng cao thành công của người học.
Nhà trường thực hiện chế độ, chính sách, học bổng cho sinh viên, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ vay vốn ngân hàng phục vụ học tập; học bổng của trường và học bổng tài trợ; bảo hiểm y tế; quy định đánh giá điểm rèn luyện cho sinh viên” - PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng trao đổi.
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC |
Cần thiết và cấp thiết
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT), học tập ở các trình độ GDĐH là nhu cầu cấp thiết, chính đáng. Điều đó đảm bảo cho nhu cầu học tập suốt đời của người học và cũng thể hiện rằng, GDĐH Việt Nam cần nhận được sự đầu tư lớn trong tương lai. Qua đó, có thể đáp ứng nhu cầu của người học, cũng như tăng cường nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao. Mặt khác, có thể đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi số...
“Chúng tôi kỳ vọng các bên liên quan sẽ nhận thức rõ việc cần thiết, cấp thiết đầu tư hơn nữa cho GDĐH; trước hết là đầu tư cho những trường, ngành trọng điểm tiên tiến, ngang tầm với khu vực và quốc tế” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy đề xuất, đồng thời nhấn mạnh, các cơ sở đào tạo phải không ngừng gia tăng năng lực đào tạo của mình, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của đất nước.
Hiện nay, tiếp cận GDĐH ở Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta không thừa thầy, thiếu thợ, mà thiếu cả thầy lẫn thợ. Nhu cầu học tập suốt đời của người học rất chính đáng. Do đó, rất cần các cơ quan chức năng và các bên liên quan cùng chung tay để phát triển GDĐH Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trao đổi, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH (Luật số 34) quy định rất rõ, ngân sách Nhà nước chỉ thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách, không giảm vai trò trong việc cấp ngân sách và đầu tư vào các trường đại học. Tiếc rằng, cơ chế và chính sách được quy định trong luật là đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo chuyển sang cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho người học đến nay được thực hiện còn yếu (trừ lĩnh vực đào tạo giáo viên, đề án đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ).
Bộ GD&ĐT đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, đặc biệt là Bộ Tài chính để có lộ trình từng bước, nâng cao tỷ lệ chi ngân sách cho GDĐH. Hiện nay, tỷ lệ này tính trên GDP dao động từ 0,25 - 0,27%; trong khi nhiều nước mức chi từ 0,6 - 1%. Do đó, cần có lộ trình tăng trong một vài năm tới, ít nhất phải bằng với mức trung bình trong khu vực. Ngoài ra, cần đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách, thực hiện đúng tinh thần các nghị quyết của Đảng, cũng như Luật số 34.
Thiếu kinh phí từ ngân sách Nhà nước, kết hợp với thể chế quản trị giáo dục sau phổ thông yếu kém và manh mún ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại học cũng như đến tốc độ phát triển năng lực đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ. Việt Nam chi thấp hơn các quốc gia khác trong khu vực cho giáo dục đại học: Trong năm 2019, Việt Nam phân bổ 0,6% GDP cho giáo dục đại học, cao đẳng và dạy nghề, so với 0,86% tại Malaysia và 0,9% tại Hàn Quốc. (Trích Báo cáo điểm lại “Giáo dục để tăng trưởng” của Ngân hàng Thế giới)