Giáo dục và đào tạo tiếp tục được đổi mới và phát triển

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh điều này khi phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai năm học 2023-2024 chiều 18/8.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai năm học 2023-2024 chiều 18/8.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai năm học 2023-2024 chiều 18/8.

Giáo dục, đào tạo tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển. Nghị quyết 29 được tích cực triển khai, bước đầu có hiệu quả.

GD-ĐT là lĩnh vực đặc biệt quan trọng

Theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới, tăng 5 bậc so với năm trước.

Thủ tướng nêu rõ, Đảng và Nhà nước ta xác định: Con người là trung tâm, là chủ thể, là động lực, là nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới; phát triển giáo dục đào tạo (GD-ĐT) và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu.

"GD-ĐT là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, yếu tố quyết định chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng một thế hệ người Việt Nam đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi trong sự nghiệp phát triển đất nước nhanh và bền vững", Thủ tướng nói.

Quốc hội, Chính phủ luôn đặc biệt chú trọng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách và dành nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển GD-ĐT.

Thủ tướng ghi nhận, thời gian qua, ngành giáo dục đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ được giao và đạt được những kết quả tích cực.

GD-ĐT tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển. Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết 29 của Trung ương được tích cực triển khai, bước đầu có hiệu quả.

Công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập thực chất, hiệu quả hơn, có nhiều đổi mới, nhất là việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học được thực hiện nghiêm túc, công bằng và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và gia đình, giảm áp lực, tốn kém cho xã hội.

Đối với năm học 2022-2023, theo Thủ tướng, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ngành giáo dục đã tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực khắc phục khó khăn, vướng mắc, ra sức phấn đấu và đạt nhiều kết quả nổi bật.

Thể chế, cơ chế, chính sách phát triển GD-ĐT tiếp tục được hoàn thiện. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm, đáp ứng ngày càng tốt hơn về số lượng và đáp ứng về chất lượng.

Tổng số giáo viên mầm non, phổ thông năm học 2022-2023 là trên 1,23 triệu người, tăng gần 72 nghìn giáo viên so với năm học trước.

Phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra chuyển dần từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất và đo lường sự tiến bộ của học sinh.

Chất lượng giáo dục ở các cấp học từng bước được nâng cao. Năm học 2022 - 2023, tỉ lệ huy động trẻ mầm non đến trường tăng 4,6% so với năm học trước; tỉ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường và huy động học sinh cấp Tiểu học đúng độ tuổi đều duy trì ở mức cao 99,7%. Tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt mức cao 98,81%; có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, đạt tỉ lệ 100%.

Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Học sinh Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế.

Học sinh Nguyễn An Thịnh, Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế năm 2023 và thầy giáo Lê Đức Thịnh.

Học sinh Nguyễn An Thịnh, Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế năm 2023 và thầy giáo Lê Đức Thịnh.

Quan tâm đến hệ thống trường Phổ thông dân tộc nội trú

Giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn được chú trọng phát triển. Hiện cả nước có 318 trường Phổ thông dân tộc nội trú thuộc 48 tỉnh, thành phố với quy mô gần 102 nghìn học sinh; trên 1,1 nghìn trường phổ thông dân tộc bán trú ở 29 tỉnh, thành phố với quy mô 250 nghìn học sinh.

Bày tỏ quan tâm đến hệ thống trường Phổ thông dân tộc nội trú, Thủ tướng cho biết, trong các chuyến công tác vừa qua tại một số tỉnh miền núi, Thủ tướng đã đến thăm các trường dân tộc nội trú.

Nếu không có hệ thống trường này thì học sinh rất vất vả, nhiều em sẽ bị thất học bởi điều kiện khó khăn, có em phải đi bộ mười mấy cây số, đi học từ 10h sáng đến 1h chiều mới đến nơi.

"Tôi thấy các em, các cháu học rất giỏi. Vừa qua tôi thăm một trường thì thấy 80% học sinh đỗ đại học", Thủ tướng chia sẻ và cho biết, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trưởng thành từ ngôi trường dân tộc nội trú. Thủ tướng mong muốn các địa phương quan tâm hơn nữa đến hệ thống trường dân tộc nội trú.

Học sinh dân tộc Mông tại Nghệ An.

Học sinh dân tộc Mông tại Nghệ An.

Thủ tướng ghi nhận, một trong những kết quả tích cực là Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cho hơn 1 triệu thí sinh được tổ chức thành công.

"Chúng ta rất xúc động chứng kiến các bậc cha mẹ, phụ huynh học sinh chăm lo, theo sát con em mình trong từng giai đoạn chuyển cấp quan trọng, hồi hộp, mong ngóng, chờ đợi, bồn chồn trước cửa trường thi để xem con em mình thi cử thế nào; các em đoàn viên thanh niên tình nguyện hăng hái tham gia tiếp sức mùa thi; các chiến sĩ công an sẵn sàng hỗ trợ tốt nhất cho các em đến trường thi an toàn, kịp thời gian…", Thủ tướng nói.

Vẫn còn những khó khăn, hạn chế

Bên cạnh biểu dương những thành tựu quan trọng đạt được của ngành GD-ĐT trong năm học 2022-2023, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt chưa làm được của ngành.

Theo Thủ tướng, công tác hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới GD-ĐT triển khai còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển thực tế của giáo dục trong nước và xu hướng hội nhập quốc tế, nhất là đối với tự chủ đại học.

Bày tỏ trăn trở sau khi thăm một số trường đại học thời gian qua, Thủ tướng cho rằng, chủ trương tự chủ đại học là đúng nhưng tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận vấn đề này còn chưa ổn, cần khắc phục cho phù hợp.

Một vấn đề nữa là việc thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn một số bất cập. Việc xây dựng và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới chưa đồng bộ với công tác chuẩn bị các điều kiện bảo đảm.

Việc thiết kế môn học Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông còn có ý kiến trái chiều. Còn chậm ban hành sách giáo khoa tiếng dân tộc. Một số địa phương chưa thực hiện kịp thời biên soạn tài liệu giáo dục địa phương. Việc dạy các môn tích hợp còn bất hợp lý.

Việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thủ tướng cho rằng, tinh thần "ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên" là đúng nhưng phải hợp lý, hiệu quả. "Tôi từng đến một điểm trường có 7 học sinh nhưng có 9 giáo viên và cách đó 4 km thì có trường chính. Như vậy không hợp lý", Thủ tướng lấy ví dụ và nhấn mạnh, trong tổ chức thực hiện phải căn cứ tình hình thực tế.

Cũng theo Thủ tướng, hiện vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, bất cập giữa các cấp học giữa các địa bàn. Nhiều khu đô thị, khu công nghiệp không dành quỹ đất để đầu tư xây dựng trường, lớp dẫn đến tình trạng quá tải của các trường, sĩ số học sinh/lớp cao hơn nhiều so với quy định, làm gia tăng áp lực trong tuyển sinh đầu cấp, nhất là tuyển sinh lớp 10.

Chính sách, chế độ đãi ngộ còn bất cập, chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên, nhất là nhân lực chất lượng cao ở các thành phố lớn hoặc các địa bàn khó khăn.

Chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo đại học tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là những ngành nghề mới, lĩnh vực công nghệ cao.

Tình trạng đạo đức, lối sống xuống cấp, an toàn trường học, vi phạm pháp luật, bạo lực học đường vẫn diễn ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, Thủ tướng cho rằng có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Đó là nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc, toàn diện của một bộ phận cấp ủy, chính quyền, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên về tầm quan trọng, vai trò, ý nghĩa của việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Trình độ, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách cho phát triển GD-ĐT còn bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Một số vụ việc tiêu cực gây ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của ngành giáo dục.

Giáo dục luôn được cả xã hội quan tâm

Học sinh trường THPT Chuyên Bắc Ninh (Ảnh TL).

Học sinh trường THPT Chuyên Bắc Ninh (Ảnh TL).

Nhấn mạnh những việc cần làm, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT rà soát kỹ, lựa chọn phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 thực sự hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển của đất nước, hoàn cảnh cụ thể của từng khu vực và sớm công bố để định hướng dạy, học, ôn thi, tạo sự yên tâm cho phụ huynh, học sinh.

Đổi mới phương thức thi, công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng gọn, nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém cho phụ huynh, học sinh, gia đình và xã hội nhưng phải bảo đảm chất lượng.

Đối với các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non.

Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT và các địa phương phối hợp kiểm tra, rà soát tình hình tuyển dụng biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương giai đoạn 2022-2026, bảo đảm nguyên tắc "có học sinh phải có giáo viên đứng lớp" nhưng phải phù hợp.

Thủ tướng nêu rõ, mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên từ bàn tay, khối óc của mình để chăm lo sự nghiệp GD-ĐT.

"Giáo dục luôn được cả xã hội quan tâm, các thầy giáo, cô giáo đang mang trên mình trọng trách "dạy chữ, dạy người" cho thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước" - Thủ tướng nói.

Đối với học sinh, sinh viên, Thủ tướng nhắn nhủ, cần nỗ lực phấn đấu, học tập và rèn luyện, tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo nhiều hơn nữa; phải biết đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau; không ngừng rèn luyện để trở thành con ngoan trò giỏi, xứng đáng công lao nuôi dưỡng của gia đình, sự dạy dỗ của các thầy cô cũng như kỳ vọng của xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ