Tham gia đoàn công tác của tỉnh Điện Biên có Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô; Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lò Văn Phương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vừ A Bằng; đại diện lãnh đạo văn phòng Tỉnh ủy, văn phòng UBND tỉnh, Sở GD&ĐT.
Tiếp đoàn, về phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn; các Thứ trưởng: Hoàng Minh Sơn, Nguyễn Thị Kim Chi; lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT.
Điện Biên quyết tâm xây dựng trường ĐH của tỉnh
Báo cáo tình hình giáo dục tỉnh Điện Biên, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô cho biết: Trong những năm qua, tỉnh Điện Biên luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao và tạo điều kiện thuận lợi của Bộ GD&ĐT. Sau buổi làm việc của Bộ GD&ĐT với tỉnh Điện Biên ngày 12/4/2024, đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực giáo dục cho tỉnh.
Về một số nhiệm vụ giáo dục - đào tạo trọng tâm Điện Biên đang triển khai, ông Lê Thành Đô nhấn mạnh đến vấn đề về đội ngũ giáo viên; nâng cao chất lượng giáo dục; cơ sở vật chất phục vụ giáo dục; việc thành lập Trường ĐH Điện Biên Phủ...
Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: Hiện nay, việc bố trí, sử dụng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ bản đảm bảo chuyên môn đào tạo, phù hợp với điều kiện của địa phương; đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018. Đặc biệt, sau khi Bộ GD&ĐT ban hành các Thông tư về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, các khó khăn trước đây đã được giải quyết kịp thời. Đây là nguồn động viên lớn với đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, địa phương còn thiếu giáo viên các môn Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mĩ thuật, Tin học, đặc biệt là giáo viên Tiếng Anh do thiếu nguồn tuyển. Từ năm 2022, tỉnh Điện Biên được bố trí bổ sung 459 biên chế giáo viên theo Quyết định số 72 của Bộ Chính trị; được bổ sung 434 chỉ tiêu hợp đồng theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP cơ bản tháo gỡ được nhiều khó khăn về vấn đề này. Bộ GD&ĐT cũng đã quan tâm giao tăng chỉ tiêu cử tuyển (giai đoạn 2021-2024 là 163 chỉ tiêu). Dự kiến trong năm học 2025-2026 sẽ có 25 sinh viên cử tuyển Tiếng Anh ra trường về công tác lâu dài tại tỉnh.
Chất lượng giáo dục phổ thông có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn; hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú; đổi mới trong công tác tuyển sinh với việc tổ chức thi tuyển vào lớp 10 với 100% các trường THPT...
Năm học 2024-2025, tỉnh đã tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT về tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, sẵn sàng các điều kiện tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đạt kết quả tốt nhất.
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học từng bước được tăng cường theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa và chuẩn hóa; bảo đảm cơ bản cho việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông. Tuy nhiên, nhu cầu vốn đầu tư cơ sở vật chất nhằm đạt chuẩn và chuẩn bị điều kiện để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ở những địa bàn khó khăn rất lớn.
Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, các chương trình, kế hoạch, hoạt động vận động xã hội hóa do Bộ GD&ĐT chủ trì (Kế hoạch kết nối nguồn lực xã hội xây dựng trường học an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2021-2025; Phong trào đẩy mạnh công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2013-2023 huy động được gần 600 tỷ đồng; Chương trình sóng và máy tính cho em,…) đã phát huy kết quả tích cực.
Riêng năm 2024, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ngành Giáo dục đã tiếp nhận sự ủng hộ của các nhà tài trợ với số tiền 122,5 tỷ đồng, xây dựng mới 126 phòng học, 27 phòng nội trú, 16 phòng công vụ, 24 công trình vệ sinh và nhiều suất học bổng tài sản, hiện vật khác.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Thành Đô mong muốn Bộ GD&ĐT quan tâm, có hướng tháo gỡ khi các trường xây dựng theo chuẩn giai đoạn trước nhưng không đáp ứng chuẩn theo bộ tiêu chí mới.
Về công tác thể chế hóa chủ trương quan điểm của Đảng về giáo dục, tỉnh Điện Biên đã kịp thời xây dựng cụ thể các văn bản của cấp trên giao đầy đủ và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Với nội dung này, ông Lê Thành Đô mong Luật Nhà giáo được thông qua để các địa phương có căn cứ pháp lý quan trọng thúc đẩy giáo dục phát triển, đặc biệt để phát triển đội ngũ nhà giáo.
Đối với việc thành lập trường ĐH của tỉnh, ông Lê Thành Đô thông tin, ngày 8/11/2024, UBND tỉnh Điện Biên đã có Tờ trình đề nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương thành lập Trường ĐH Điện Biên Phủ; đồng thời đưa ra một số nội dung cụ thể đề nghị Bộ GD&ĐT quan tâm giúp đỡ liên quan đến vấn đề này.
Cho biết dù nhiều chỉ số về kinh tế - xã hội thường ở mức thấp nhất trong 63 tỉnh/thành, nhưng giáo dục - đào tạo là một điểm sáng, Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường khẳng định sự quan tâm của Lãnh đạo tỉnh, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh với giáo dục. Nhiều trường THPT dù ở vùng sâu, vùng xa nhưng tỷ lệ đỗ vào ĐH, cao đẳng cũng lên đến 60%. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà số lượng học sinh tiếp tục học ĐH, cao đẳng không cao.
Cho rằng đầu tư giáo dục là yếu tố quan trọng nhất để học sinh có điều kiện học tập, có việc làm, xa dần các hủ tục, trong đó có hủ tục kết hôn cận huyết và tảo hôn, ông Trần Quốc Cường khẳng định thành lập Trường ĐH Điện Biên Phủ là yêu cầu hết sức cấp bách để đào tạo nhân lực tại chỗ, đáp ứng nhu cầu địa phương, nhất là giáo viên và cán bộ y tế...
Xây dựng Trường ĐH Điện Biên Phủ: Tính kỹ điều kiện con người, yếu tố phát triển bền vững
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đánh giá cao đề án thành lập Trường ĐH Điện Biên Phủ của tỉnh Điện Biên. Đề án chuẩn bị công phu, chi tiết, kỹ lưỡng, thể hiện tầm nhìn, quyết tâm của tỉnh.
Bày tỏ ủng hộ chủ trương này, nhắc đến khó khăn lớn nhất là đội ngũ giảng viên, Thứ trưởng cho rằng, ngay từ đầu nên đầu tư xứng đáng cho nguồn lực giảng viên; đây là lực lượng nòng cốt, quyết định tương lai phát triển của trường ĐH. Cách tiếp cận ban đầu không nên đặt nặng vào số lượng, quy mô mà phải tập trung vào chất lượng.
Đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của giáo dục Điện Biên trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng chia sẻ sự quan tâm đối với mong muốn thành lập Trường ĐH Điện Biên Phủ.
Theo Bộ trưởng, điều quan trọng là không chỉ chung tay để tỉnh có được một cơ sở giáo dục ĐH, mà cơ sở đó phải hoạt động được bền vững. Cần phải tính toán một mô hình cơ sở giáo dục ĐH phù hợp với tỉnh miền núi. Cùng với đó, câu chuyện chuẩn bị nguồn nhân lực vẫn là quan tâm số 1; đồng thời tính toán cơ cấu ngành nghề đào tạo làm sao phù hợp nhất với nhu cầu địa phương.
Liên quan đến băn khoăn của tỉnh Điện Biên khi cơ sở giáo dục không đáp ứng được chuẩn mới, Bộ trưởng cho rằng, mỗi tỉnh, mỗi vùng, tính mục tiêu cần phải khác nhau. Địa phương xuất phát điểm khó khăn thì đi từng chặng; từ chỗ chưa có trường thành có trường, từ trường tạm thành trường kiên cố chắc chắn; rồi sau đó mới là xây dựng trường đẹp, hiện đại...
Với địa phương khó khăn như Điện Biên, Bộ trưởng thể hiện sự quan tâm đến việc đạt được mục tiêu về kiên cố hóa trường lớp học và cho rằng, nếu chỉ quan tâm một số trường đạt chuẩn trong khi tỷ lệ kiên cố hóa không cao thì cũng không nhiều ý nghĩa.
Dịp này, đoàn công tác của tỉnh Điện Biên cũng trao tặng Bộ GD&ĐT 100 cây Hoa Ban, với mong muốn bổ sung những cây xanh bị gãy đổ do cơn bão số 3, đồng thời để khắc sâu ý nghĩa "100 năm trồng người".