Giáo dục Tuyên Hóa thiếu cả nhân lực lẫn cơ sở vật chất

GD&TĐ - Chiều 15/9, Sở GD&ĐT Quảng Bình đã làm việc với huyện Tuyên Hóa nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Bình làm việc với huyện Tuyên Hóa nhằm tháo gỡ khó khăn trong giáo dục.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Bình làm việc với huyện Tuyên Hóa nhằm tháo gỡ khó khăn trong giáo dục.

Khó khăn trăm bề

Tại cuộc làm việc, ông Hoàng Văn Phúc, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) nhấn mạnh, trong những năm qua, ngành GD&ĐT huyện luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Sở GD&ĐT, Ban Thường vụ Huyện ủy, HĐND, lãnh đạo UBND huyện cùng sự giúp đỡ của các ban ngành, đoàn thể và sự ủng hộ của nhân dân.

Các cấp quản lý tiếp tục có sự đầu tư về mọi mặt cho sự nghiệp giáo dục, giúp các địa phương tháo gỡ một số khó khăn về xây dựng CSVC trường lớp, phục vụ dạy học. Mạng lưới trường lớp đến nay cơ bản ổn định, đáp ứng yêu cầu học tập ngày càng cao của con em. Nhận thức về giáo dục của nhân dân đã có những bước tiến rõ rệt.

Công tác phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ 5 tuổi, PCGD tiểu học - xóa mù chữ, PCGD THCS được đẩy mạnh. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, con em đồng bào dân tộc trong độ tuổi đi học được huy động với tỷ lệ khá cao, đặc biệt độ tuổi học mầm non đạt từ 95% đến 100% và tiểu học luôn đạt 100%.

Ông Hoàng Văn Phúc, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuyên Hóa báo cáo và đề xuất tại buổi làm việc.
Ông Hoàng Văn Phúc, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuyên Hóa báo cáo và đề xuất tại buổi làm việc.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, ngành GD&ĐT huyện cũng đang gặp một số khó khăn nhất định. Tuyên Hóa là huyện miền núi có điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, đời sống của nhân dân còn nghèo; trình độ dân trí còn thấp, nhiều học sinh là con em thuộc hộ nghèo nên điều kiện đầu tư và phối hợp giáo dục còn nhiều hạn chế; việc kết hợp các lực lượng xã hội, công tác xã hội hóa giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục chưa được quan tâm đúng mức.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, ngành GD&ĐT phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong tổ chức các hoạt động giảng dạy và giáo dục. Thách thức với năm học này là rất lớn, vừa ứng phó với dịch bệnh, vừa thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa cho các lớp 1, lớp 2 và lớp 6, chuẩn bị cho lớp 3 và lớp 7.

Một số trường học tại huyện Tuyên Hóa thiếu về cơ sở vật chất, phòng học xuống cấp.

Một số trường học tại huyện Tuyên Hóa thiếu về cơ sở vật chất, phòng học xuống cấp.

Cơ sở vật chất (CSVC) nhiều trường nhìn chung vẫn còn thiếu và yếu; nhiều hạng mục đã xuống cấp nhưng thiếu nguồn vốn để cải tạo, nâng cấp. Toàn ngành hiện có 722 phòng học, trong đó 524 phòng kiên cố (chiếm tỉ lệ 72,6%), 182 phòng bán kiên cố, 16 phòng học nhờ, học tạm từ các phòng làm việc, các phòng chức năng.

Theo đó, cấp Mầm non có 224 phòng học, trong đó có 114 phòng học kiên cố, 100 phòng học bán kiên cố và còn 7 phòng học tạm ở các phòng làm việc, 3 phòng học nhờ mượn hội trường thôn.

Cấp Tiểu học có 342 phòng học, trong đó có 267 phòng kiên cố, 69 phòng bán kiên cố; 5 phòng học tạm và 1 đang học nhờ, 73 phòng học dạy môn riêng (nghệ thuật, tiếng Anh, Tin học).

Cấp THCS có 156 phòng học, trong đó có 143 phòng học kiên cố đạt 91,7%; 13 phòng học bán kiên cố. “Phòng GD&ĐT đã tham mưu với UBND huyện bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ các trường. Hiện tại huyện cũng có kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất đối với các trường còn thiếu”, ông Phúc cho hay.

Cũng theo ông Phúc, một khó khăn khác mà ngành GD&ĐT Tuyên Hóa đang phải đối mặt là tình trạng thiếu giáo viên. Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ năm học 2022-2023, Tin học - Công nghệ là môn học bắt buộc, nhưng chưa được giao biên chế giáo viên. Mặt khác, quy mô trường lớp ngày càng tăng, trong khi phải thực hiện chủ trương tinh giản biên chế.

“Đối với môn Tin học, hiện không có chỉ tiêu biên chế, trong khi không thể hợp đồng giáo viên. Do địa bàn xa xôi, cách trở, nên không thể điều động giáo viên từ trường này sang trường khác để dạy môn này. Chính vì vậy, theo yêu cầu dạy học, 24 trường tiểu học đều cần giáo viên Tin học”, ông Phúc bày tỏ.

Trước những khó khăn trên, Phòng GD&ĐT huyện Tuyên Hóa đề xuất tỉnh và Sở GD&ĐT tiếp tục hỗ trợ ngân sách để tăng cường CSVC, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học tối thiểu đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018; trang cấp phòng dạy học tiếng Anh cho các trường còn thiếu, ưu tiên các trường xây dựng chuẩn quốc gia, các trường vùng cao, vùng dân tộc.

Ông Lê Nam Giang, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa mong muốn tỉnh cũng như Sở GD&ĐT Quảng Bình luôn đồng hành, hỗ trợ ngành GD&ĐT huyện từng bước vượt qua khó khăn.
Ông Lê Nam Giang, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa mong muốn tỉnh cũng như Sở GD&ĐT Quảng Bình luôn đồng hành, hỗ trợ ngành GD&ĐT huyện từng bước vượt qua khó khăn.

Đề nghị UBND tỉnh sớm có quyết định giao biên chế theo quy mô trường lớp hiện có hoặc có phương án phù hợp để duy trì việc dạy học theo quy định. Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ban ngành và đề xuất Trung ương có phương án tinh giản biên chế phù hợp, không tinh giản biên chế vì chưa bố trí đủ giáo viên theo định mức nhưng vẫn yêu cầu giảm 2-3% biên chế/năm dẫn đến thiếu giáo viên đứng lớp, trong bối cảnh tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ngày càng cao và thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Bên cạnh đó, mong Sở GD&ĐT tiếp tục hỗ trợ để tập huấn công tác sử dụng phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục nhằm tạo điều kiện để các nhà trường hoàn thành hồ sơ trực tuyến, đảm bảo đúng yêu cầu ứng dụng công nghệ hiện nay. Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng khả năng ứng dụng CNTT, chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực kỹ năng quản lý, điều hành cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018...

Đồng hành từng bước khắc phục khó khăn

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đặng Ngọc Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình nhấn mạnh, Tuyên Hoá là huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội. Mức sống của nhân dân còn thấp, là địa phương thường xuyên bị lũ lụt, thiên tai tàn phá. Tuy nhiên, với sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện, các cơ quan, đoàn thể cấp huyện và các cấp uỷ đảng, chính quyền xã, thị trấn, ngành Giáo dục Tuyên Hoá đã có những kết quả đáng trân trọng.

Đặc biệt, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng các trường cả 3 cấp học trên địa bàn đã chủ động, linh hoạt trong tổ chức dạy học, tận dụng tối đa thời gian để tổ chức dạy học trực tiếp nên kết thúc năm học 2021-2022, các trường đều đảm bảo tiến độ chương trình. Các hoạt động chuyên môn được quan tâm đúng mức.

Ông Đặng Ngọc Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình cho biết, Sở sẽ cùng huyện Tuyên Hóa nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn trong giáo dục.

Ông Đặng Ngọc Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình cho biết, Sở sẽ cùng huyện Tuyên Hóa nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn trong giáo dục.

Tuy nhiên, nhìn chung ngành GD&ĐT Tuyên Hóa vẫn còn nhiều yếu điểm cần sớm khắc phục. Chất lượng dạy học ở một số trường, đặc biệt là cấp THCS còn thấp hơn so với mặt bằng chất lượng chung của tỉnh.

Một số cán bộ quản lý, giáo viên còn chậm đổi mới trong quản lý, quản trị nhà trường cũng như phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin. Một số đơn vị tuy đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ nhưng thiếu vững chắc, có nguy cơ sụt, mất chuẩn nếu không có giải pháp mang tính dài hạn…

Đặc biệt, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng các trường cả 3 cấp học trên địa bàn đã chủ động, linh hoạt trong tổ chức dạy học, tận dụng tối đa thời gian để tổ chức dạy học trực tiếp nên kết thúc năm học 2021-2022, các trường đều đảm bảo tiến độ chương trình.

Qua đây, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình cũng đề nghị UBND huyện Tuyên Hóa hỗ trợ các trường mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu theo Chương trình phổ thông 2018, bởi vì nguồn trang cấp của tỉnh rất ít, không thể đáp ứng yêu cầu.

Hỗ trợ các trường mua máy tính phục vụ dạy học Tin học lớp 3, trong đó chú ý ở các điểm lẻ không có đủ phòng Tin học thì mua máy xách tay để phục vụ dạy học, đảm bảo công bằng trong giáo dục cho mọi học sinh.

“Sở sẽ cùng với UBND huyện Tuyên Hóa tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay. Trước mắt khi chưa có phương án bố trí giáo viên Tin học cấp tiểu học nên lấy giáo viên Tin học THCS về dạy liên trường tiểu học”, ông Tuấn cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.